Ảnh: tsaofoundation.org
Đầu tư vào cái chết
Khi Ang Ziqian lên 7, thầy giáo của cậu yêu cầu cả lớp mô tả công việc của cha mẹ mình. Cha mẹ của những đứa trẻ làm nghề y tá, luật sư và cảnh sát thì được vỗ tay hoan nghênh, nhưng câu trả lời của Ang khiến cả lớp lặng im và bối rối, chỉ vì cha mẹ cậu làm dịch vụ đám tang.
“Trong giờ giải lao ngày hôm sau, có một cô bạn gái đến chỗ tôi và nói “Mình muốn kết bạn với cậu. Nhưng cha mẹ mình nói là không được đến gần cậu, kẻo bị lây xui xẻo. Từ phút đó trở đi, tôi chẳng có nhiều bạn và những người bạn mà tôi có chủ yếu không phải là người Trung Quốc”, Ang, hiện 38 tuổi, nhớ lại. Ang là nhà cung cấp dịch vụ đám tang đời thứ 4. Công ty đám tang của anh có tên Flying Home Pte đặt trụ sở tại Singapore, trực thuộc Ang Chin Moh Funeral Directors.
Cái chết từ lâu là điều cấm kỵ ở phần lớn các nước châu Á. Các nghĩa trang và viện dưỡng lão gần các khu dân cư đều bị xa lánh. Nhưng ngày càng nhiều gia đình giàu có châu Á, các nhà hoạt động từ thiện cũng như các nhà đầu tư lại đang đả phá điều cấm kỵ này khi đẩy mạnh đầu tư và phát triển những chương trình giáo dục, làm thay đổi suy nghĩ về ngành này cũng như kiếm lời từ nó.
Khi người dân châu Á đang ngày càng già đi và trở nên giàu có hơn, nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan đến người già và tang lễ ở châu Á cũng tăng cao. Vào năm 2030, Đông Nam Á sẽ có 163 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, theo nghiên cứu từ McKinsey Global Institute. Đến năm 2050, xấp xỉ 1/4 dân số ở Đông Nam và Đông Á sẽ ở độ tuổi 65 trở lên. Nhu cầu ổn định đã giúp Ang Chin Moh Funeral Directors duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm. Với nhu cầu ngày càng tăng cao, ngành này hứa hẹn triển vọng xán lạn hơn.
Đáng chú ý, trái phiếu tử thần đang ngày càng được giới nhà giàu châu Á ưa chuộng. Đây là loại chứng khoán được hình thành từ một số chính sách bảo hiểm nhân thọ đã được các nhà đầu tư mua từ chủ sở hữu ban đầu và gộp thành trái phiếu. Khi bán cho bên thứ 3, thì người mua trở thành người thụ hưởng, được nhận các quyền lợi khi người được bảo hiểm qua đời.
Sức hấp dẫn lớn nhất là mức sinh lời từ loại trái phiếu này hoàn toàn miễn nhiễm với nền kinh tế toàn cầu hay bất cứ cú sốc nào từ bên ngoài. Bởi ai cũng phải chết dù nền kinh tế suy thoái hay tăng trưởng. Vì thế, các công ty quản lý tài sản gia đình và các nhà đầu tư tổ chức như Apollo Global Management Inc. ngày càng tăng cường sự hiện diện của họ trong phân khúc này.
Các nhà đầu tư tại châu Á dù chậm chân hơn so với các đồng liêu Mỹ và châu Âu, nhưng giờ họ đang tăng tốc. Kamet Capital Partners Pte (đặt trụ sở tại Singapore) cam kết rót 100 triệu USD vào năm ngoái cho một nhà quản lý châu Âu đối với các trái phiếu tử thần Mỹ. CEO Kerry Goh của Kamet Capital cho biết các khách hàng của ông, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục, ban đầu tỏ ra do dự nhưng sau đó đã rất hứng thú khi được xem lịch sử lợi nhuận của loại trái phiếu tử thần này.
Nhu cầu lớn lớn đến nỗi Kamet Capital đang xem xét chấp nhận tiền từ bên ngoài góp vào. Singapore thậm chí trở thành một điểm dừng nổi tiếng cho các quỹ trái phiếu tử thần đang tìm kiếm nhà đầu tư rót vốn. “Các thị trường chứng khoán có trồi sụt, các nền kinh tế có tăng trưởng hay suy thoái cũng không ảnh hưởng gì đến việc con người ta chết cả. Chúng tôi không tạo ra cái chết vì cái chết đến rất tự nhiên nhưng chúng tôi hưởng lợi từ nó”, Goh nói.
Đó là chưa kể các thảm họa thiên nhiên, hay bùng nổ dịch COVID-19 gần đây đã làm số người chết tăng vọt, càng đẩy cao lợi nhuận của những doanh nghiệp đầu tư vào các loại tài sản và dịch vụ liên quan đến cái chết.
Gia tộc Tsao của Singapore, vốn làm giàu từ lĩnh vực bất động sản và hàng hải, đã có 3 thế hệ cung cấp các dịch vụ cho người già và tang lễ. Khi 86 tuổi, bà Tsao Ng Yu Shun đã thành lập Tsao Foundation để cung cấp các dịch vụ như đào tạo chăm sóc người già và chăm sóc tại nhà. Bà Tsao đã qua đời vào năm 2001 và tổ chức này hiện do cháu gái Mary Ann lãnh đạo. Tsao Foundation tính phí đối với một số dịch vụ của Công ty nhưng tính bền vững thay vì khả năng sinh lời mới là mục tiêu của Công ty. Công ty quản lý tài sản gia đình của gia tộc Tsao (tổ chức cấp vốn cho Tsao Foundation) đầu tư vào đa dạng các loại tài sản mà đảm bảo các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). “Chúng tôi hứng thú với ngành giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tuổi già, kéo dài tuổi thọ và một vài thứ khác”, Mary Ann cho biết.
Có thể thấy các cơ sở chăm sóc người già tại châu Á vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Singapore có 15.205 giường tại các viện dưỡng lão đến cuối năm 2018, theo số liệu của Bộ Y tế nước này. Sydney với quy mô dân số tương đương lại có tới hơn 72.000 giường tính đến giữa năm 2019. Đây là tình trạng chung ở châu Á. Trong khi Anh có khoảng 44 giường/1.000 người có độ tuổi hơn 65 thì Hàn Quốc và Nhật chỉ có khoảng 24, theo số liệu của OECD.
Nhận thấy nhu cầu từ các dịch vụ cho người già và tang lễ, Flying Home của Ang đang tìm cách tiến vào thị trường Nhật và trở thành nhà phân phối các thiết bị tiên tiến như các dụng cụ ướp xác. Các công ty quản lý tài sản gia đình đặc biệt quan tâm đến việc tài trợ vốn cho ngành này và Ang cho biết có thể sẽ niêm yết một bộ phận công ty trong tương lai.
Nguồn Tổng hợp