Song song với giới đầu tư là các nhà sưu tập lâu dài, rất nhiều người mua và giữ tranh để thưởng lãm. Ảnh: Quý Hòa
Đầu tư nghệ thuật đương đại: Hãy bắt đầu từ những điều yêu thích
Giá tranh Đông Dương liên tục tăng phi mã, không ít nhà đầu tư và sưu tầm nghệ thuật bắt đầu dồn sự quan tâm vào các loại hình nghệ thuật đương đại. Vậy nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực và thế giới? Chúng được đánh giá như thế nào? Làm thế nào để đầu tư đúng? Hãy cùng nghe những chia sẻ của nhà nghiên cứu nghệ thuật và giám tuyển độc lập Ace Lê.
Xuất hiện nhiều nhà sưu tập Việt
Phần lớn thanh khoản thị trường nghệ thuật Việt Nam đang dồn vào phân khúc Đông Dương, chủ yếu là các họa sĩ tốt nghiệp từ Trường Mỹ thuật Đông Dương 1924-1945. Các tác phẩm ấy đã trải qua phép thử thời gian nên giá trị đã được chứng thực.
Xét theo khía cạnh đầu tư, tác phẩm và tác giả Đông Dương cũng tương đương như các mã blue-chip trên sàn chứng khoán, nghĩa là có độ an toàn lớn và tính thanh khoản cao. Tất nhiên, điều này chỉ đúng với những tác phẩm có độ tin cậy cao, được chứng thực rõ ràng bởi các chuyên gia, tổ chức uy tín. Mỗi lần tranh Đông Dương phá kỷ lục giá là truyền thông lại đưa tin rầm rộ, càng tạo thêm hiệu ứng “top of mind” cho phân khúc này, củng cố ham muốn được sở hữu chúng trong tập khách hàng thượng lưu.
Song song với giới đầu tư là các nhà sưu tập lâu dài, rất nhiều người mua và giữ tranh để thưởng lãm. Cung giảm, cầu tăng, tất nhiên giá sẽ tăng, theo đó lại tiếp tục tạo kỷ lục mới. Câu hỏi ở đây là giá sẽ tăng đến mức nào? So với mặt bằng Đông Nam Á, giá tranh Đông Dương vẫn còn cơ hội tăng thêm vài nấc nữa.
Thực tế, so với phân khúc tranh hiện đại giai đoạn thuộc địa ở các nước Đông Nam Á khác, giá tranh Đông Dương có xuất phát điểm thấp hơn nhiều trong vài thập kỷ qua (ví dụ như so với phân khúc tranh Nam Dương ở Singapore và Malaysia). Nhưng giá tranh Đông Dương đã tăng phi mã trong 10 năm trở lại đây, với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Không khó để lý giải, bởi sức mua tranh tăng trưởng song song với tiềm lực kinh tế. Kinh tế Việt Nam khởi đầu chật vật sau chiến tranh và bao cấp, nhưng đã khởi sắc mạnh mẽ giai đoạn gần đây.
Xét theo khía cạnh thương mại, chiến tranh đã làm gián đoạn và ảnh hưởng đến sự phát triển của hội họa Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa |
Xét theo khía cạnh thương mại, chiến tranh đã làm gián đoạn và ảnh hưởng đến sự phát triển của hội họa Việt Nam. Điều này là tất yếu, bởi 2 lý do lớn. Thứ nhất, việc xây hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc cho thị trường nghệ thuật không bao giờ là ưu tiên trong thời chiến lẫn giai đoạn tái xây dựng nền kinh tế hậu chiến. Tất cả đều cần thời gian để xây dựng. Thứ 2, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ gắn liền với dòng chảy hiện thực xã hội chủ nghĩa, nơi mà nghệ thuật là phi thương mại, phục vụ cho một công năng chính trị - xã hội cụ thể. Phòng tranh thương mại đầu tiên chỉ xuất hiện tại Hà Nội vào những năm 1990 và suốt 2 thập kỷ tiếp theo đó, doanh thu chủ yếu đến từ khách ngoại quốc. Mãi cho đến khoảng 10 năm gần đây, chúng ta mới thấy sự bắt kịp và trỗi dậy của khách hàng nội địa. Rất đáng mừng, hiện giờ đa phần người sưu tập nghệ thuật Việt là người Việt, cho cả phân khúc hiện đại lẫn đương đại.
Giá tranh của nghệ sĩ Việt đương đại cao hơn khu vực
Cũng như thế giới, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã vượt qua hội họa giá vẽ, mở rộng ra nhiều phương tiện phong phú như trình diễn, sắp đặt, video... chú trọng vào ý niệm mới mẻ và biểu đạt phá cách hơn là phô diễn kỹ thuật cổ điển. Ngay từ thập niên 1990 và 2000 khi nghệ thuật đương đại mới manh nha tại Việt Nam có rất nhiều nghệ sĩ đã lập tức vụt sáng trên nghệ đàn quốc tế, xuất hiện trong nhiều triển lãm, biennale uy tín và các bảo tàng, bộ sưu tập hàng đầu thế giới. Đi tiên phong ở Hà Nội là Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Vũ Dân Tân, Trần Lương, Nguyễn Trinh Thi... Nhiều người vẫn đang thực hành miệt mài và ngày càng gặt hái được nhiều thành công.
Trường hợp tiêu biểu nhất là Trương Tân, người đi đầu trong cuộc cách mạng nghệ thuật avant garde đương đại những năm 1990. Mặc dù trong nước còn ít được biết tới nhưng các tác phẩm của anh đã được triển lãm và sưu tập bởi các bảo tàng hàng đầu thế giới như Guggenheim Museum, Queensland Art Gallery, Fukuoka Museum, gần đây là National Gallery Singapore. Ở miền Nam, có thể kể đến Đinh Q. Lê với những hoạt động tại Sàn Art suốt 15 năm qua. Đinh Q. Lê cũng là nghệ sĩ (gốc) Việt đầu tiên có triển lãm solo tại Musée du Quai Branly.
Tuy có nhiều tên tuổi được thế giới công nhận nhưng nghệ thuật ý niệm vẫn còn xa lạ với đại đa số công chúng Việt Nam, vì chúng ta vẫn chưa đưa nó vào hệ thống giảng dạy, triển lãm chính thống. Công chúng Việt Nam hiện vẫn quen thuộc với tác phẩm giá vẽ nhất, nên vẫn chưa có thói quen sưu tập tác phẩm thuộc thể loại khác.
Nhận định tranh đương đại Việt Nam có giá trị thấp hơn trong khu vực là không đúng hoàn toàn. Các tác phẩm đương đại Việt Nam quả thật chưa xuất hiện trên sàn đấu giá và phá kỷ lục triệu USD - như nghệ sĩ sinh năm 1973 Ronald Ventura của Philippines có tranh gõ búa vượt 2 triệu USD vào năm trước - nhưng đấy chỉ là đỉnh của kim tự tháp. Giá cả của các tác phẩm đương đại Việt Nam còn ít xuất hiện trên sàn đấu giá, nên giá tham chiếu hầu hết dựa vào các giao dịch sơ và thứ cấp diễn ra tại phòng tranh hoặc xưởng của nghệ sĩ và do đó được định giá riêng tư chứ không công khai. Nhưng đã có những tác phẩm được sưu tập trong khung giá hơn trăm ngàn USD, theo như giá niêm yết công khai trên các trang tổng hợp giá như Artsy.
Tôi đã nói chuyện với rất nhiều nhà sưu tập, chủ phòng tranh và nhà môi giới trong khu vực và nhận định chung của họ đều là nghệ sĩ trẻ Việt Nam thường đưa ra giá tác phẩm cao hơn hẳn so với khu vực mà không theo công thức gì. Điều này cũng dễ hiểu, bởi hệ thống giáo dục trong nước chưa có những bộ môn dạy về quản lý thị trường và định giá nghệ thuật. Nhiều nước trong khu vực đều có hệ thống môi giới nghệ thuật bài bản, đi trước ta, nên nghệ sĩ được hỗ trợ và tư vấn tốt hơn. Tôi đã có một số workshop chia sẻ tại Việt Nam trong thời gian qua về công thức và quy luật vận hành chung của thị trường nghệ thuật thế giới để nhiều nghệ sĩ trẻ có thể hiểu được hơn những vận động xung quanh.
Cảm nhận nghệ thuật là chủ quan nhưng thị trường nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Lộ trình tăng giá tác phẩm cho nghệ sĩ đương thời phải bắt đầu từ một mức khởi điểm tham chiếu với thu nhập xã hội của họ, rồi mới tịnh tiến theo những mốc quan trọng như triển lãm solo đầu tiên, triển lãm khu vực đầu tiên, được một gallery tên tuổi đỡ đầu, xuất hiện trong triển lãm quốc tế uy tín, rồi mới tới xuất hiện trong bộ sưu tập của các bảo tàng lớn. Cần đi chậm nhưng bền vững vì một khi tăng giá tranh, việc giảm giá sau này là rất khó và kéo theo nhiều hệ lụy.
Cảm nhận nghệ thuật là chủ quan nhưng thị trường nghệ thuật có quy luật riêng của nó. Ảnh: Quý Hòa |
Cuối cùng, nếu chỉ có giới sưu tập đẩy giá tranh lên cao thì nền nghệ thuật mới chỉ có lá, hoa, quả. Muốn bền vững, cần có thêm rễ tốt, cành khỏe. Về hạ tầng cơ sở, Việt Nam còn đi sau Singapore, Indonesia, Philippines và cả Thái Lan do thiếu chương trình giáo dục lịch sử mỹ thuật, khung luật pháp và hệ thống kinh viện, bảo tàng nghệ thuật. Ở trên hạ tầng cơ sở là thượng tầng kiến trúc với hệ thống nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật, các kênh phân phối nghệ thuật (phòng tranh, nhà môi giới, sàn đấu giá) và giới tổ chức, hậu cần, truyền thông. Mỗi nhóm có một vai trò nhất định trong chuỗi giá trị gia tăng của mặt hàng nghệ thuật.
Nếu muốn đầu tư, lời khuyên thật lòng của tôi là đừng kỳ vọng nhiều vào phân khúc đương đại, bởi con đường còn rất dài và có nhiều biến số. Hãy sưu tập những gì mình yêu thích. Hãy ủng hộ những nghệ sĩ mình mến mộ. Hãy nghiên cứu thấu đáo về thể loại mình quan tâm. Hãy tạo thói quen đi thăm một triển lãm mỗi tháng cùng bạn bè. Và thay vì mua thêm một chiếc túi hiệu hay may thêm bộ đồ mới, thì dành số tiền đó để mua bức tranh đầu tiên - một bức tranh thật, có chứng nhận từ họa sĩ hoặc phòng tranh.
Ace Lê: “Giấc mơ của tôi là người nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam phải sống được bằng nghề của mình” Bắt đầu tiếp xúc với nghệ thuật từ 8-10 năm trước thông qua việc sưu tập các tác phẩm yêu thích và ngày càng nhận ra đam mê với nghệ thuật, Ace Lê quyết định theo học khóa Thạc sĩ về giám tuyển và nghiên cứu bảo tàng tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Đây là khóa Thạc sĩ duy nhất tập trung vào phân khúc Đông Nam Á. Anh cũng tốt nghiệp Thạc sĩ về báo chí và truyền thông tại NTU và là Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore. “Càng học và thực hành, tôi càng nhận ra rằng công việc giám tuyển cho tôi cơ hội được áp dụng tất cả những kỹ năng và kinh nghiệm của mình: nghiên cứu, viết lách, quản lý dự án, quản lý thị trường và truyền thông. Rất có thể, trong tương lai gần, tôi sẽ chuyển sang thực hành hoàn toàn ở mảng này. Giấc mơ của tôi là người nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam phải sống được bằng nghề của mình”, Ace Lê chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp, Ace Lê sáng lập Lân Tinh Foundation, tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu lưu trữ, nghiên cứu và trưng bày nghệ thuật Việt Nam. Anh hiện là Tổng Biên tập ấn phẩm Art Republik Việt Nam, là thành viên Ban cố vấn của Kho Dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam (ViAA) và là một đại diện trong chương trình Lãnh đạo Nghệ thuật Quốc tế 2022-2023 của Hội đồng Nghệ thuật Úc. Năm 2022, Ace Lê trở thành giám tuyển khách mời cho triển lãm đầu tiên của Sotheby’s tại Việt Nam mang tên “Hồn Xưa Bến Lạ”. Ace Lê cũng là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển Of Limits, đơn vị nhận giải 2020 Platform Projects Curatorial Award của NTU Centre for Contemporary Art Singapore. |