Nếu hội họa là một tín ngưỡng thì Nguyễn Ngọc Phương là con chiên ngoan đạo nhất. Ảnh: TL.

 
Linh Lan Thứ Tư | 11/10/2023 08:38

Dấu ấn mới của tranh trừu tượng Việt

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương vừa tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 4 với thể loại trừu tượng, vốn kén người xem.

Giới chuyên môn nhận định, loạt tranh này cho thấy họa sĩ không còn lặp lại dấu vết của bất kỳ bậc thầy hội họa nào và bắt đầu khẳng định tầm vóc của người làm sáng tạo.

Trước triển lãm Cái Đầu, Nguyễn Ngọc Phương từng có các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam với chủ đề Ngày thứ 49 - Phần 1 và 2 (2018) và Niệm (2021). Nhiều tác phẩm của anh được chọn trưng bày tại các phòng tranh và bảo tàng ở Đông Nam Á như Jogia Gallery (Yogyakarta, Indonesia), Penang State Art Gallery (Penang, Malaysia) và các chương trình nghệ thuật nghệ sĩ châu Á ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Bằng sự tìm tòi không ngừng nghỉ, Nguyễn Ngọc Phương đã thành công định danh chất liệu mang tên anh. Theo nghệ sĩ Yến Năng, triển lãm lần này có 2 yếu tố mới. Thứ nhất, mới về chất liệu. Từ sơn mài truyền thống, đến acrylic và sau này là chất liệu tổng hợp, không chỉ làm chủ, anh còn sử dụng chúng với những cách thức vừa điêu luyện, vừa mới mẻ.

Với khả năng sáng tạo mãnh liệt và những thủ pháp kỹ thuật riêng, Nguyễn Ngọc Phương đã tạo nên loại chất liệu mới chưa từng có, phù hợp với cái “tạng” nghệ thuật của anh. Đây cũng là lợi thế cho cái mới thứ 2: mới về tạo hình. Tạo hình của Nguyễn Ngọc Phương là tổ hợp những vết, những nét, vừa ngẫu nhiên vừa chủ động, càng về sau càng dứt khoát. Bút pháp và thôi thúc nội tại hòa làm một trên mặt tranh, tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.

 

Mỗi một loạt tranh, anh đều giới thiệu những chất liệu mới ngẫu nhiên mà ở đó, anh làm chủ và thành thạo. Có thể là gỉ sét, vật liệu mạ, các loại sa khoáng, các loại đá đất (cứng, mềm, tơi xốp...), cát, sỏi, rễ cây khô... Tất cả được vò ép, ném và đập xuống để thể hiện thôi thúc mãnh liệt bên trong họa sĩ. Chính điều đó tạo nên sự độc nhất cho tác phẩm.

Sinh năm 1975 tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Phương tốt nghiệp Cử nhân Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh từng được mời dạy học nhưng sau một thời gian thử sức, anh đã khước từ công việc này để tập trung cho việc vẽ. “Dạy học đòi hỏi nhiều trách nhiệm ở người thầy, tôi không muốn có quá nhiều sự phân tâm đối với việc sáng tạo”, họa sĩ nói.

20 năm cầm cọ, đến năm 2018 Nguyễn Ngọc Phương mới có triển lãm cá nhân đầu tay. Nguyên nhân của sự chậm này, họa sĩ nói, anh dành thời gian để đi nhiều, quan sát nhiều và học thêm khắp trong và ngoài nước để tìm ra chất liệu phù hợp nhất biểu đạt những gì anh muốn thể hiện qua tranh. Nghiêm cẩn và cực đoan với nghề, nếu hội họa là một tín ngưỡng thì Nguyễn Ngọc Phương là con chiên ngoan đạo nhất.

Họa sĩ bộc bạch, anh vẽ để thể hiện, để phát triển tâm thức, để tìm kiếm một không gian khác, để định hình một “không gian nghệ thuật” riêng thay vì để chiều lòng ai khác. Anh nhấn mạnh, người làm nghệ thuật nên lắng nghe những vọng động, quan sát những dịch chuyển của đời sống thay vì quan tâm người khác nghĩ gì, nghĩ như thế nào về tác phẩm của mình. “Làm như thế sẽ bị chi phối và mất tập trung, đến một lúc nào đó, họ sẽ đánh mất chính bản thân, hoặc sự thuần khiết của tâm hồn dành cho nghệ thuật”, anh nói.

Trước khi hoàn toàn chuyển qua tranh trừu tượng, Nguyễn Ngọc Phương thực hiện các tác phẩm bán trừu tượng. Nhưng cho dù là như vậy, thay vì chọn vẽ chân dung là những gương mặt như các họa sĩ cùng thời, Nguyễn Ngọc Phương chọn cách giãi bày những ý niệm về đời sống, về những trăn trở của thời đại. Anh nói, tranh chân dung chỉ miêu tả bên ngoài, nếu có khai thác nội tâm thì người làm nghệ thuật cũng chỉ gói gọn trong nhân vật, đối tượng được đặc tả, thể hiện. Còn điều anh muốn là tác phẩm nghệ thuật phải chuyển tải hàm ý về tâm thế của một thời đại, một quốc gia, một dân tộc.

“Nó gợi mở đồng thời chuyển tải được những thông điệp sâu sắc hơn. Như khái niệm “cái đầu” phổ biến bao năm nay nhưng nó chưa bao giờ được dùng chính thức cho một tuyên ngôn, khảng khái, rõ ràng để hiểu rằng, cái đầu còn có não bộ, có sự nhìn nhận về nhân sinh quan. Âm thanh của cái đầu cũng rất thực tế và trực diện”, họa sĩ nói.

“Việc chuyển từ bán trừu tượng sang trừu tượng cũng là quá trình chuyển tiếp. Đến một giai đoạn nào đó, những phương thức biểu đạt cũ đã không còn phù hợp để chuyển tải nội tại bên trong nữa, người họa sĩ bắt buộc phải đi tìm phương thức biểu đạt mới, thực hành nghệ thuật mới để gửi gắm. Tất nhiên, hành trình đó không hề dễ dàng. Việc rơi vào bế tắc, bí bách là hiển nhiên. Và chỉ có đi đến tận cùng của đường biên, một cách can đảm, người ta mới tìm thấy được lối ra hoặc ít nhất chỉ là thứ ánh sáng le lói”, họa sĩ chia sẻ.

Việc Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh vào khái niệm, hành động và môi trường trong thực hành nghệ thuật đáng kinh ngạc của anh là một tín hiệu mang tính định hình của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Tất nhiên, chọn hướng đi khác biệt và cách sống dấn thân với nghệ thuật tại Việt Nam là điều vô cùng can đảm. Bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại, dù thị trường nghệ thuật Việt Nam đã trở nên sôi động hơn nhiều năm trước thì số họa sĩ sống được bằng nghề vẫn vô cùng hiếm hoi. Và để đi được trên con đường đó, cần rất nhiều hy sinh và lòng kiên định.

Có thể bạn quan tâm:

Sàn đấu giá Việt thất thế trên sân nhà