Đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Đi một vòng vẫn quay lại nơi đây”
Lớn lên trong một gánh hát cải lương, tiếp xúc kèn trống từ khi mới biết đi, đạo diễn Võ Thanh Hòa từng được cha mẹ cho đóng những vai “xíu xiu” trên sân khấu kịch từ tấm bé và vẫn được trả cát-xê đầy đủ. Những vai diễn đến với anh đầy hữu duyên, đến mức ai cũng nghĩ con đường anh đi sẽ rất bằng phẳng, chỉ cần du học về là gia đình có thể sắp xếp cho một cái ghế đạo diễn rồi làm phim thế thôi. Nhưng có những biến cố không ai đoán trước được.
Khi gia đình không thể giữ vững tài chính để hậu thuẫn, với tinh thần “máu lửa” kế thừa được khi quan sát thế hệ đi trước trong lúc đóng phim Cánh Đồng Bất Tận, Võ Thanh Hòa đã bươn chải qua nhiều vị trí công việc khác nhau để trụ lại trong ngành.
Dự án 49 Ngày là cột mốc đánh dấu sự trở lại của anh với vai trò đạo diễn. Không phải lần đầu tập tễnh bước vào ngành, không phải phim đầu tay, nhưng 49 Ngày là khởi đầu gắn kết Võ Thanh Hòa cùng Galaxy và để lại cho anh nhiều kỷ niệm đặc biệt. Vì tại đây, anh cùng đạo diễn Nhất Trung đã “mai mối” cho rất nhiều cặp đôi, cũng như cho anh cơ hội gặp gỡ vợ mình - diễn viên Mai Bảo Ngọc.
Anh có thể chia sẻ cơ duyên khiến anh lần đầu hợp tác cùng Galaxy?
49 Ngày không phải là lần đầu tiên Hòa làm điện ảnh. Nếu trước đây Hòa tham gia khá nhiều dự án điện ảnh với vai trò là diễn viên thì tới 49 Ngày mình mới chuyển qua làm đạo diễn. Đó cũng là lần đầu tiên Hòa trải nghiệm hết quy trình sản xuất phim điện ảnh.
Phải nói là Galaxy không hề dễ dãi với người mới. Hòa nhớ cái cảm giác khi chiếu bản nháp cho team Galaxy thì mọi người chê thẳng tay! Yêu cầu của Galaxy không hề đơn giản, không phải là cứ cầm tiền tới thì mọi người sẽ phát hành phim cho, mà ở đó có chuẩn mực rất rõ ràng. Đó là lý do sau khi đi một vòng, quyết định của mình là quay lại với Galaxy để làm việc tiếp và lúc nào cũng làm hết tâm hết sức với từng dự án, rồi dần dà gắn bó với Galaxy nhiều hơn.
Anh đạt danh hiệu “Đạo diễn trăm tỉ” cũng thông qua một dự án cùng Galaxy - Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử. Danh hiệu này có ý nghĩa như thế nào với anh?
Oách chứ! Lúc đó mình cảm thấy oách ơi là oách! Mình vẫn nhớ cảm giác khi được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mời tham gia buổi gặp mặt của “Câu lạc bộ trăm tỉ”. Tại đó toàn những tên tuổi lớn trong ngành như anh Charlie, anh Victor, anh Nguyễn Quang Dũng, anh Lê Thanh Sơn... Mình đã nghĩ rằng “cũng tới ngày mình được ngồi đây rồi sao?”.
Hào quang cũng từng khiến mình đeo đuổi danh hiệu và có tham vọng làm đạo diễn đầu tiên có 3 bộ phim trăm tỉ liên tiếp. Với 2 dự án lớn sau đó được đầu tư khủng và chuẩn bị kỹ lưỡng, thời điểm ấy cũng không có đối thủ nào nặng ký, những tưởng trăm tỉ chắc chắn trong tầm tay nhưng cuối cùng lại vụt mất, chỉ cách mục tiêu 20 tỉ. Tuy là đạo diễn làm phim 70-80 tỉ cũng có, nhưng không phải là nhiều và số tiền đó không phải là ít, nhưng Hòa cảm thấy thất vọng tràn trề. Đó cũng là lúc Hòa nghiệm ra rằng mình bắt đầu đi sai với tâm khảm làm nghề của mình rồi!
Tham vọng đạt được bao nhiêu tiền sẽ không đưa mình đi đến đâu cả, mà quan trọng là phim mình làm ra hay hay dở, hình ảnh ra sao và cảm xúc khán giả như thế nào, chứ không nằm ở dàn casting xịn, số xuất chiếu... Từ thất bại, có 2 bài học Hòa rút ra. Thứ nhất là ngưng làm phim Remake, tại vì nhào nặn lại một tác phẩm dựa trên sự sáng tạo của người khác làm cho mình cảm thấy không thoải mái. Thứ 2 là thay vì khoác lên bộ phim của mình những trang sức hào nhoáng, nên xây dựng một cơ thể “khỏe mạnh” cho phim thì hơn.
Sau khi nhận ra đã đi sai hướng, giờ đây khi làm phim, anh chú trọng vào khâu nào nhất?
Đối với Hòa, sự đầu tư xứng đáng nhất nằm ở sáng tạo. Sáng tạo ở đây không chỉ nằm ở khâu làm nội dung mà còn ở những công việc mà mọi người nghĩ rất là cứng nhắc, ví dụ như khâu sản xuất, liên quan đến quản lý con người, quản lý tiền bạc, thời gian. Nhưng thật sự khâu sản xuất là một trong những khâu đòi hỏi sáng tạo nhiều nhất. Bạn quay trong rừng sẽ khác với quay dưới biển. Bạn quay ở miền Bắc sẽ khác với quay ở miền Nam, quay ban đêm sẽ khác với quay ban ngày... Vì thế, rất cần sự linh hoạt và sáng tạo để có thể tối ưu nhân lực nhưng vẫn chỉn chu về hình ảnh.
Bản thân Hòa cũng chưa bao giờ có chủ trương chọn diễn viên đầu tiên rồi dùng tên tuổi của họ để đánh bóng cho phim, hay xây dựng những chiến dịch marketing thật hoành tráng và bán những thứ không có trong phim của mình.
Vậy anh lấy nguồn cảm hứng sáng tạo từ đâu?
Hòa nghĩ mình tìm được nhiều nguồn cảm hứng nhất là từ việc quan sát. Khi mình quan sát con người, sự việc, hiện tượng, nó giúp mình dễ dàng hình dung ra những thế giới, nhân vật để làm nên phim ảnh, vì đôi khi chỉ tưởng tượng thôi là không đủ. Rất may mắn là từ nhỏ Hòa đã học được điều này từ ba. Ba Hòa cũng từng là một đạo diễn, tuy không có may mắn theo nghề tới cùng, nhưng ông lại là người dạy cho mình bài học đầu tiên về việc quan sát và nó chắc chắn sẽ hữu hiệu với Hòa đến cuối đời.
Điểm mạnh nào của bản thân đã giúp anh trụ vững trong thị trường phim ảnh đầy cạnh tranh hiện nay?
Điểm mạnh chắc hẳn nằm ở góc độ mà mình nhìn nhận mọi việc. Nếu mọi người cho là cạnh tranh thì ở góc độ nhìn gay gắt mà nói, thị trường đúng là cạnh tranh. Nhưng nếu nhìn khác đi một chút, lại thấy đó là tín hiệu đáng mừng. Mừng vì có nhiều nhà làm phim, mừng vì có nhiều phim cho khán giả xem và liên tục có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng mà mình có thể trau dồi.
Khoảng 20 năm trước, khán giả có phần dễ hơn, nhưng thay vào đó toàn Việt Nam chỉ có khoảng 80 phòng chiếu. Giờ đây chúng ta có hơn 1.000 phòng chiếu tại hơn 200 rạp phim lớn nhỏ trên cả nước, có nghĩa là thị trường đã mở rộng ra gấp nhiều lần. Vậy thì đúng là chúng ta có cạnh tranh, nhưng đồng thời điều đó cho thấy dư địa phát triển của ngành phim ảnh Việt Nam vẫn còn. Đặc biệt khi nước ta có dân số khoảng 100 triệu người nhưng chỉ có tầm 6 triệu người ra rạp hằng năm, một tỉ lệ không quá lớn.
Vậy nên theo mình, thay vì nghĩ tới chuyện cạnh tranh, tại sao chúng ta không nhìn nhận đó là một thị trường mở, nơi mọi người có thể cùng nhau phát triển nhanh hơn?
Nền phim ảnh Việt Nam thường có những dự án chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam. Cảm nhận của anh khi thực hiện những dự án này như thế nào?
Hòa từng làm nhiều phim nhưng chưa có dự án chuyển thể nào. Khi biết tin sẽ bấm máy Kính Vạn Hoa, Hòa xúc động lắm, bởi đây là một trong những bộ truyện chữ đầu tiên mình đọc trong đời và tạo cho mình văn hóa đọc. Và Galaxy cũng là nhà phát hành cho phim này.
Khi thực hiện, cũng có những bài toán khó cần xử lý, chẳng hạn như giảm bớt áp lực lên bộ 3 diễn viên mới và giúp các bạn thoát khỏi cái bóng của dàn diễn viên cũ, song vẫn lột tả được nhân vật trong truyện. Mọi người có thể nghĩ rằng mình rất “khôn” khi chọn phim lần này vì từng có sách và phiên bản nổi tiếng trước đó, mà họ không biết rằng Kính Vạn Hoa chính là tuổi thơ của mình. Mình, một người thuộc thế hệ 8X, vẫn giữ bộ truyện Kính Vạn Hoa ấn bản đầu tiên. Còn các bạn 9X thì lại có bộ phim truyền hình Kính Vạn Hoa để xem, vậy thì thế hệ 2000 tiếp theo các bạn có gì? Vì vậy, mình muốn làm cầu nối, mang Kính Vạn Hoa, một chuỗi tác phẩm tác động rất tích cực đến lứa tuổi thiếu niên, quay trở lại với thời hiện đại hơn.