Lê Phan Thứ Ba | 31/05/2022 14:00

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Chất lượng phim là thứ duy nhất kéo khán giả đến rạp

Chủ nghĩa lãng mạn, pha một chút về thế sự, lịch sử, âm nhạc và tầm vóc của tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn được thể hiện qua Em Và Trịnh.

Luôn có niềm say mê đặc biệt trong việc kể lại những câu chuyện vốn dĩ đã quen thuộc, qua góc nhìn của bản thân, Phan Gia Nhật Linh mang đến cách kể mới với những nghiền ngẫm mới. Lần này, với Em Và Trịnh, Phan Gia Nhật Linh nói câu chuyện anh muốn kể là chủ nghĩa lãng mạn.

Đây có lẽ là bộ phim mang đến cho Linh nhiều thách thức nhất đến nay. Anh đã vượt qua những thách thức đó như thế nào? Cùng nghe Linh chia sẻ với NCĐT.

“TÔI CÓ 2 LỜI HỨA KHI LÀM EM VÀ TRỊNH’’

*Trong buổi công bố dự án cách đây 3 năm, anh chia sẻ khá áp lực vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã là một tượng đài âm nhạc. Hơn nữa, làm phim về một nhân vật thật thì không dễ dàng. Nhưng sau khi tiếp xúc với gia đình cố nhạc sĩ, anh và ê-kíp được gia đình vô cùng ủng hộ. Đây có phải là khởi đầu để anh thoải mái sáng tạo với Em Và Trịnh?

Đúng là như vậy. Trước khi đến gặp gia đình bác Trịnh Công Sơn, nhiều người nói với tôi rằng gia đình rất khó bởi đã có nhiều kịch bản gửi đến trước đó đều bị gia đình từ chối vì không hiểu về nhạc sĩ hoặc kịch bản chưa tốt. Thay vì tin vào lời đồn, tôi chọn cách thử gõ cửa và trải nghiệm việc đó.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như tôi thấy, yêu ý niệm về sự lãng mạn của tình yêu chứ không yêu cụ thể một con người. Đó là lý do tôi muốn làm một bộ phim về chủ nghĩa lãng mạn, thông qua những tác phẩm này có thể thấy được một phần đời của ông và hiểu ông hơn.

Được anh Nguyễn Quang Dũng (đạo diễn, con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có mối thâm tình với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) kết nối, tôi và nhà sản xuất đến thăm gia đình nhạc sĩ và bày tỏ ý định làm phim. Gia đình hoan nghênh dự định này, thậm chí tạo áp lực ngược lại cho tôi. Áp lực của người được chọn, được đặt niềm tin và trao trọng trách.

 

*Không ít bộ phim làm về các tượng đài trong một lĩnh vực nào đó trên thế giới thường vấp phải phản đối của người trong cuộc, như gia đình. Anh làm thế nào để tránh vết xe này?

Kịch bản viết xong, chị Trinh (chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) xem qua và góp ý vài từ ngữ ở nhà không xưng hô như thế, hoặc góp ý một số chi tiết để chúng tôi làm tốt hơn. Chị cũng tận tình chia sẻ việc này, việc kia không xảy ra ở thời điểm này, hoặc không phải như thế. Chúng tôi giải thích về kịch tính của câu chuyện, buộc lòng phải thay đổi một số chi tiết. Chị Trinh và gia đình hiểu điều đó nên không can thiệp vào tư tưởng hay cốt truyện. Tất nhiên, khi được góp ý, chúng tôi cũng cố gắng sửa những chi tiết không ảnh hưởng đến câu chuyện trong phim để đến gần với sự thật hơn.

Nhìn chung, phim là góc nhìn của tôi về bác Sơn, mượn chất liệu về cuộc đời, âm nhạc của nhạc sĩ để chuyển tải thông điệp khác. Tôi đã rất may mắn vì trong suốt quá trình ấy, luôn được gia đình nhạc sĩ ủng hộ và tôn trọng vì họ hiểu đây là tác phẩm nghệ thuật.

*Tư liệu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khá nhiều nhưng cũng dàn trải. Anh mất bao lâu để gom nhặt và tạo nên kịch bản? Có khi nào anh cảm giác “bị chìm” trong quá nhiều câu chuyện hay chuyện nào cũng muốn đưa vào?

Quá trình nghiên cứu, tham khảo tư liệu kéo dài khoảng 2 năm. Nhưng từ đầu năm 2020, tôi và đội biên kịch của mình gồm Thái Hà và Bình Bồng Bột quyết định không tham khảo thêm nữa. Bình có cái hay là rất mê nhạc Trịnh, giỏi về mặt tổng hợp tư liệu và đọc nhiều sách.

Tôi đưa ra khung sườn câu chuyện tôi muốn, sau đó chúng tôi tìm gặp gia đình, bạn bè nhạc sĩ để phỏng vấn, làm rõ thêm tư liệu mà chúng tôi có được. Đây là câu chuyện kể về các nàng thơ của nhạc sĩ nhưng chúng tôi đều nghe qua lời kể của gia đình, bạn bè nhạc sĩ, không hề có góc nhìn của một nàng thơ nào. Chúng tôi cũng đã thử liên lạc với các nàng thơ nhưng họ đều từ chối, vì nhiều lý do. Tất cả những chuyện đó đã trôi qua, họ có quyền giữ lại những gì riêng tư. Hơn nữa, hiện tại, họ cũng đã có cuộc sống yên ổn, hạnh phúc.

May mắn cho chúng tôi là ngoài những chia sẻ từ gia đình, bạn bè nhạc sĩ, cô Khánh Ly có tự truyện và có nhiều bài phỏng vấn trên truyền thông. Nhưng như bạn nói, việc này là con dao 2 lưỡi. Đọc nhiều tư liệu quá, chúng tôi như bơi trong đó. Đến một thời điểm, tôi xác định phải ngừng việc tìm kiếm và xác nhận việc nào có thật hay không.

*Chìa khóa nào đã giúp anh mở cánh cửa này?

Là bộ phim Ford vs Ferrari. Đạo diễn James Mangold nói rằng, anh chưa hề gặp nhân vật và cũng không quan tâm đến điều đó vì nếu quan tâm, anh thà đi làm phim tài liệu. Điều tôi muốn là làm một bộ phim về chủ nghĩa lãng mạn, mượn chuyện này để kể câu chuyện khác nhưng rồi cuối cùng bị tư liệu cuốn đi và quên mất điều này. Thêm nữa, tôi cũng nhận ra là mỗi người tôi gặp kể một câu chuyện khác nhau về cùng một sự kiện.

Không có sự kiện nào là thật nữa cả. Tất cả đều là ký ức của mọi người về điều đó. Cho nên, sự thật của người này có thể lại không phải là của người kia. Vậy trong phim, mình sẽ chọn sự thật nào? Tôi không muốn bị lệ thuộc vào tư liệu. Do đó, nếu có chi tiết đặc sắc, thú vị, chúng tôi sẽ đặt vào, sắp xếp. Việc của tôi là tạo ra câu chuyện hay, tương tự công việc điêu khắc, cần phải đục khoét hết những thứ rườm rà để chắt lọc tinh hoa.

Phải nói là vô cùng may mắn khi giữa năm 2020, trong một dịp cô Dao Ánh về Việt Nam, nhờ gia đình kết nối, chúng tôi gặp được cô và xin phỏng vấn, cô đã nhận lời. Cô bảo đây là lần đầu cô chia sẻ những việc này và đây là thời điểm thích hợp vì nếu không kể thì sẽ không ai biết. Nhờ cuộc gặp ấy, phim mới có kết thúc trọn vẹn, giải tỏa được nhiều dấu hỏi trong lòng chúng tôi dù thực tế ai cũng biết là cô Dao Ánh không viết thư nữa. Cũng qua cuộc gặp này, chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết hay và cảm động.

*Gia đình đón nhận bộ phim như thế nào, thưa anh?

Thú thật là trước buổi chiếu hôm đó, cả hai bên đều lo lắng và căng thẳng. Không biết cậu này làm phim thế nào? Liệu có còn gặp mặt nhau sau khi xem phim hay không. Cuối cùng, tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi chứng kiến niềm vui và sự xúc động của gia đình sau buổi chiếu. Một vài thành viên trong gia đình ở thế hệ sau chia sẻ rằng, nhờ xem phim họ biết thêm nhiều chi tiết, câu chuyện mới về bác của họ.

Bắt tay làm Em Và Trịnh, tôi có 2 lời hứa. Thứ nhất là với gia đình, để mọi người cảm thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tôn vinh. Sau buổi chiếu ấy, tôi tin là mình đã làm được. Gia đình không phản đối bộ phim. Lời hứa thứ 2, dành cho Galaxy: phim không bị lỗ. Câu trả lời có lẽ phải đợi phim ra rạp.

LUÔN TIN PHIM SẼ “GÂY BÃO” PHÒNG VÉ

*Lịch chiếu của Em Và Trịnh dời đi dời lại khá nhiều lần. Điều này có làm anh sốt ruột?

Điều một người đạo diễn cần làm là tạo ra một bộ phim tốt, sau đó mới tính đến kế hoạch phát hành ra sao. Dịch bệnh khiến cả nền điện ảnh toàn cầu gặp khó khăn trong việc vạch ra chiến lược phát hành phù hợp. Điện ảnh Việt cũng không ngoại lệ. Tôi rất tin tưởng nhà phát hành Galaxy với kinh nghiệm nhiều năm của một hãng phim, một nhà phát hành thành công sẽ chọn được điểm rơi tốt nhất cho phim.

COVID-19 đã tác động không nhỏ đến quá trình quay, sản xuất bộ phim. Đây có phải là lý do khiến kinh phí của phim lên đến hơn 50 tỉ đồng so với dự tính ban đầu là 33 tỉ đồng?

Thú thật, tôi có một cái dở là được các nhà sản xuất nuông chiều nên hầu như phim nào cũng đội kinh phí sản xuất. Nhưng Em Và Trịnh là trường hợp đặc biệt khi kinh phí lên khá cao. Nguyên nhân đến từ nhiều vấn đề chủ quan và khách quan. COVID-19 chỉ là một phần trong số đó. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau Em Và Trịnh là một bộ phim “gây bão”. Vì từ lúc bắt đầu quay cho đến khi đóng máy, phim vướng 4 cơn bão và 3 lần giãn cách xã hội.

Tiền đầu tư tăng lên, đòi hỏi nhà sản xuất phải tính toán bước đi cẩn thận hơn và buộc họ phải lựa chọn 1 trong 2 phương thức: an toàn hay chấp nhận rủi ro. An toàn là thứ trước đây nhiều người khác đã làm, thành công cũng đến ngưỡng đã biết. Rủi ro thì theo kiểu 5 ăn 5 thua, chọn một con đường chưa ai thử, thành công cũng sẽ vượt ngoài khuôn khổ.

*Anh có tin Em Và Trịnh sẽ trở thành bộ phim “gây bão” phòng vé?

Niềm tin đó luôn mãnh liệt trong tôi bởi nếu không có nó, rất khó đi đến tận cùng của bộ phim. Em Và Trịnh không phải là phim giật gân hay hành động, do đó, tôi hy vọng khán giả xem bộ phim này sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Từ những câu hỏi đó tạo ra những cơn bão tranh luận, thu hút thêm nhiều người xem đến rạp.

*Bản thân anh có quan tâm những chiến dịch quảng bá trên các nền tảng online?

Nếu tôi trả lời là không, bạn có tin? Không phải tôi miễn nhiễm với cảm xúc mà vì tôi đã trải qua cảm giác của sự mong chờ không lớn từ khán giả qua 2 phim trước đó là Em Là Bà Nội Của Anh và Tiệc Trăng Máu. Thậm chí, tôi còn vấp phải làn sóng phản ứng tiêu cực với tựa phim đầu tiên. Các buổi chiếu sớm doanh thu cũng không hề tốt nhưng rồi sức mạnh từ câu chuyện của bộ phim đã lan tỏa và tạo thành hiệu ứng hút người xem.

 

Trong việc quảng bá một bộ phim, có 2 cách thường được chọn. Một là tung tất cả chiêu trò để kéo được người xem đến rạp trong tuần đầu tiên trước khi phần đông họ biết phim đó. Phim hay hay dở sau đó không còn quan trọng vì ít nhất, nhà sản xuất đã thu đủ vốn. Cách thứ 2 là đầu tư vào phim để tạo thành hiệu ứng truyền miệng. Đó là cách quảng bá ít tốn kém và hiệu quả nhất.

Tất nhiên, nếu làm được cả 2 thì trên cả tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi không quen làm những bộ phim giật gân. Bản thân tôi cũng không phải là người thích tạo ra sự giật gân để thu hút sự chú ý. Và vì trong tôi luôn tồn tại niềm tin mãnh liệt, chính bộ phim mới là thứ duy nhất giữ chân, thu hút khán giả chứ không phải bất kỳ một yếu tố nào khác.

MANG ĐẾN TRẢI NGHIỆM ÂM NHẠC ĐẶC BIỆT QUA PHIM ẢNH

*Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tượng đài âm nhạc, do đó bộ phim về ông sẽ được người yêu nhạc của ông đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng cái gì kỳ vọng quá, yêu mến quá đôi khi sẽ tạo nên áp lực cho người thực hiện. Anh có đang phải gánh thứ áp lực vô hình này?

Chắc chắn là có. Thế nhưng, quan điểm của tôi là cái gì kiểm soát được hãy lo lắng. Cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát thì không nên đặt lo lắng vào. Phản ứng của khán giả chính là một trong những yếu tố đó. Nhà làm phim không bao giờ biết được khán giả nghĩ gì, cho nên cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người là điều không thể. Vì thế, tôi không đặt áp lực đó lên mình và làm khổ mình. Điều duy nhất tôi có thể kiểm soát, gần mình nhất là chất lượng của bộ phim mặc dù đây là sản phẩm của tập thể, mỗi người đều góp sức tạo nên nó.

*Có một thứ anh có thể kiểm soát được nữa là diễn viên. Làm thế nào để dàn diễn viên trẻ vượt qua áp lực và đạt được kỳ vọng như anh mong đợi?

Đối với tôi, 50% thành công diễn xuất của diễn viên xuất phát từ việc chọn đúng diễn viên. Đoàn phim vẫn thường nói là nhờ bác Sơn phù hộ mới tìm được dàn diễn viên như vậy vì thật tình khi công bố dự án, chính tôi còn rất hoang mang, không biết khi nào có thể tìm được diễn viên như mình hình dung. Nhưng mọi việc đã suôn sẻ.

Trong dàn diễn viên của phim, ngoại trừ anh Trần Lực, tất cả các bạn còn lại gần như đều là lần đầu đóng phim. Cách của tôi là đặt niềm tin tuyệt đối vào diễn viên và cho họ thấy điều đó. Khi diễn viên nhận được niềm tin của đạo diễn, họ sẽ dồn hết tâm huyết vào vai diễn. Một cách khác, quan trọng không kém là tạo không khí để diễn viên sống trong nhân vật, là nhân vật.

Trong phim có một cảnh ngắn thôi, về hội bạn thân của nhạc sĩ thời trẻ, tôi đã yêu cầu các diễn viên kết bạn và chơi thân cùng nhau để khi lên phim, khán giả cảm nhận được sự thân thiết, gắn bó của hội bạn này. Có những thứ không diễn được, chỉ có thể bộc phát nếu diễn viên sống trọn trong khoảnh khắc đó. Và hầu hết các diễn viên trong phim Em Và Trịnh đều như thế. Tôi rất tin và tự hào về dàn diễn viên của mình.

 

*Hầu hết các phim của anh đều là phim lãng mạn, tình cảm và đều rất thành công tại phòng vé. Công thức thành công của anh là?

Khán giả đến rạp để được cảm một điều gì đó, vui, buồn hoặc sợ hãi. Thế mạnh của tôi là kể những câu chuyện cảm động. Em Và Trịnh, ngoài chủ nghĩa lãng mạn còn pha một chút về thế sự, lịch sử, âm nhạc và tầm vóc của một con người. Hầu hết phim của tôi có điểm chung là âm nhạc và thành công nhờ âm nhạc. Trong Em Là Bà Nội Của Anh có 2 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng. Có lẽ, nhờ đó, tôi mới có cơ hội làm phim này.

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua cũng có rất nhiều nhạc, Em Và Trịnh đương nhiên không thể thiếu nhạc. Tôi không có công thức nào cho thành công ngoài cố gắng làm tốt nhất bộ phim của mình. Nhưng tôi tin, chính âm nhạc đã tạo nên thành công và sức hút cho các bộ phim của mình. Dù không phải là người chơi nhạc nhưng với cảm nhận âm nhạc tốt, tôi đã mang đến cho người xem những trải nghiệm âm nhạc đặc biệt.