Ảnh: TL.

 
Hồng Thu Thứ Bảy | 10/05/2025 07:30

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Khoản “lợi nhuận” vô giá

Hành trình làm phim địa đạo, đối với đạo diễn bùi thạc chuyên, là một hành trình với rất nhiều điều không tưởng.

Sau gần 1 tháng ra rạp, Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối (HK Film sản xuất, Galaxy Studio phát hành) trở thành bộ phim lịch sử có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Bộ phim đi theo đúng con đường đời mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đau đáu và ao ước suốt hơn 10 năm vất vả thực hiện. Như anh nói: “Nếu chính tôi không mê, không phát điên vì nó thì đừng mong và hy vọng khán giả cũng sẽ thích”

 

Lần đầu tiên một bộ phim chiến tranh Việt Nam đứng đầu doanh thu phòng vé. Nhiều người nhận định từ thành công này có thể đưa dòng phim lịch sử, dòng phim chiến tranh Việt Nam trở lại dòng chính như nó đã từng. Điện ảnh Việt Nam cần có gì để làm được như vậy?

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tiếp cận lịch sử một cách thực chất nhất, thực tế nhất, chứ không né tránh đau thương của chiến tranh. Trong thời chiến, khi làm những bộ phim có tính chất khích lệ tinh thần chiến đấu thì không nói đến bi thương của chiến tranh, mà nói đến lòng can đảm, niềm kiêu hãnh, lòng tự hào, mọi người khích lệ nhau hăng hái chiến đấu. Chỉ khi chúng ta nhìn nhận chiến tranh thực tế nhất thì mới cảm nhận được đầy đủ sự hy sinh của cha ông. Còn nếu chỉ nhìn cuộc kháng chiến của chúng ta là “những buổi vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục” thì khán giả hôm nay sẽ không thể hiểu đủ hết sự hy sinh. Ý tôi là cần có góc nhìn chiến tranh phù hợp với tâm thế thời đại.

Giới trẻ hôm nay chỉ nghe, chỉ tin vào những gì mà họ thấy chân thật với họ, nên cần phải đánh giá đầy đủ cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó là một cuộc kháng chiến rất vĩ đại nhưng cũng đầy đau thương. Hơn 2 triệu người Việt Nam đã mất trong chiến tranh, trong đó có tới 1,2 triệu là dân thường. Điều quan trọng nhất của phim chiến tranh Việt Nam hiện nay là góc nhìn của nhà làm phim. Chúng ta phải thay đổi quan điểm, phải chú trọng thị hiếu của khán giả, lắng nghe khán giả, làm phim cho đông đảo khán giả xem.

Doanh thu của bộ phim hiện tại là hơn 155 tỉ đồng, một con số ấn tượng nhưng so với kinh phí của phim thì vẫn chưa hòa vốn... Anh thấy thế nào?

 

Lúc ban đầu cố gắng không nghĩ đến chuyện doanh thu mà chỉ nghĩ là các nhà đầu tư cũng cùng suy nghĩ như mình rằng sẽ có nhiều người xem bộ phim. Bởi vì sau khi làm xong, mọi người xem bản dựng thì tôi cũng rất vui khi cảm thấy có một tinh thần ở trong đó. Đấy là điều quan trọng. Một niềm cảm hứng rất lớn là 30/4 năm nay là ngày kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

Thực sự, ngay từ lúc làm phim xong, các nhà đầu tư sau khi xem đã nói rằng phim tốt như thế này thì coi như đã đầu tư thành công rồi. Đến nay, bằng sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, các nhà đầu tư cũng như đoàn phim và bản thân tôi càng nhận thấy đó chính là “lợi nhuận” vô giá và không nên tính bằng tiền.

Còn có điều gì nữa mà anh không ngờ đến? 

Tôi rất vui khi biết tour du lịch địa đạo Củ Chi tăng cao, nó chứng tỏ độ lan tỏa của bộ phim. Còn nói về bất ngờ thì có nhiều, bởi thực tế, đây là một hành trình với rất nhiều điều không tưởng: từ lúc ban đầu, tôi biết mình sẽ làm được bộ phim này nhưng không biết làm như thế nào, một bộ phim chiến tranh cách mạng được đầu tư hoàn toàn bằng tiền tư nhân, bộ phim tư nhân đầu tiên nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiệt tình của Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP.HCM, các cấp lãnh đạo cao nhất... Không thể tưởng tượng chúng tôi mượn được xe tăng rồi tất cả những thứ của Bộ Quốc phòng cho một bộ phim tư nhân. Đó là điều rất xúc động khi mọi người đều góp lòng góp sức, nếu không có thì phim không có sự chân thực.

Cái không tưởng nữa là khán giả, khi khán giả trẻ, các em, các cháu cảm nhận rất rõ tinh thần của bộ phim. Có em nói lần đầu tiên biết được cha ông đã chiến đấu và hy sinh như thế nào. Những điều đó khiến tôi rất xúc động!

Anh đang gấp rút dựng bản Director Cut của bộ phim để đưa ra rạp ngay sau khi kết thúc bản chiếu chính thức như dự kiến. Nó có gì hấp dẫn? Và đây có phải là cách làm tiên phong của anh tại Việt Nam đối với một bộ phim điện ảnh?

Trong bản Director Cut hay còn gọi là Recap này, chúng tôi sẽ bỏ vào đấy những cái mình đã quay rất nhiều nhưng không sử dụng khi dựng phim. Thời lượng bản Recap này sẽ dài hơn bộ phim đang chiếu một chút. Bởi vì, khi dựng phim, có nhiều yếu tố chi phối, bị giới hạn bởi thời lượng và cũng có nhiều cách khác để xử lý.

Có những phân đoạn tôi nghĩ khán giả cũng cần nhưng chưa tìm đúng vị trí của nó thì tôi đem vào bản này cho đầy đủ hơn, phong phú hơn cùng với sự lắng nghe khán giả. Những trường đoạn tôi rất thích nhưng buộc phải cắt thì bây giờ tôi đem vào để tiếp tục phục vụ cho khán giả có thêm những cảm xúc về bộ phim. Nó khá thú vị. Có lẽ tôi là nhà làm phim đầu tiên tại Việt Nam đem chiếu bản Recap, cũng vì tôi có đủ chất liệu, đủ những thước phim để làm điều này thì tại sao tôi không làm.