Đánh thức hệ miễn dịch, đẩy lui ung thư
→Giải Nobel Y học đẩy cổ phiếu Ono Pharma tăng vọt
→Giải Nobel Y học được trao cho các nhà nghiên cứu liệu pháp miễn dịch ung thư
Cuộc chiến với những khối u ác tính của các nhà khoa học hàng đầu đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới đã có những bước ngoặt mới quan trọng khi lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel về sinh lý học và y khoa. Đó là nghiên cứu của Tiến sĩ James Allison, thuộc Đại học Texas (Mỹ) và Tiến sĩ Tasuku Honjo thuộc Đại học Kyoto (Nhật), vì đã có những khám phá về liệu pháp chữa trị ung thư bằng cách ức chế các miễn dịch tiêu cực.
Hệ miễn dịch của cơ thể có một nhiệm vụ bản năng: phát hiện và tiêu diệt những kẻ xâm nhập bất thường, trong đó có các tế bào đột biến. Nhưng một số tế bào ung thư lại rất thông minh. Chúng có cách để lách qua “hàng rào an ninh” sinh học tự nhiên này bằng nhiều cơ chế khác nhau.
Tiến sĩ James Allison phát hiện một loại protein gọi là CTLA-4, được tìm thấy trên bề mặt tế bào T, một trong những loại tế bào chính của hệ miễn dịch, lại làm hạn chế khả năng phản ứng của hệ miễn dịch với tế bào ung thư. Theo đó, ông đã phát triển một loại kháng thể ngăn chặn hành động giúp đỡ các tế bào ung thư “qua mặt” hệ miễn dịch. Như vậy, các tế bào T lại có thể “tấn công” các tế bào ung thư.
Tương tự như nghiên cứu của Tiến sĩ Allison và cộng sự, nghiên cứu của nhà miễn dịch học người Nhật Tasuku Honjo tìm ra loại protein PD-1 có kết quả tương tự, dù cơ chế tác động khác biệt. Kết quả chung là hệ miễn dịch không còn bị ức chế, bỏ qua các tế bào ung thư nữa.
Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào bảo vệ chống lại ký sinh trùng và mầm bệnh. Khai thác hệ miễn dịch của cơ thể để tấn công các khối u ác tính là giấc mơ của nhiều nhà khoa học trong những năm qua, nhưng chưa thành công. “Trong hơn 100 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng tham gia vào hệ thống miễn dịch trong cuộc chiến chống ung thư… Những tiến bộ dựa trên các nghiên cứu lâm sàng vẫn còn khiêm tốn mãi cho đến khám phá đầu tiên của hai người (James Allison và Tasuku Honjo)”, Hội đồng Giải thưởng Nobel cho biết.
Liệu pháp miễn dịch hiện nay vẫn còn rất mới trên thế giới. Năm 2011, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận loại thuốc miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố melanoma. Từ đó đến nay, một số loại thuốc miễn dịch khác điều trị ung thư phổi, Hodgkin lymphoma, bàng quang được đưa vào sử dụng và một số loại khác đang được thử nghiệm lâm sàng.
Những can thiệp y tế vào gốc, từ các tế bào trong thập niên trở lại đây đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Không chỉ xuất hiện những tia hy vọng mới từ liệu pháp miễn dịch, các phương pháp điều trị trúng đích đã giúp kéo dài tuổi thọ đáng kể của nhiều bệnh nhân ung thư, tác dụng phụ lại ít nghiêm trọng hơn là các phương pháp truyền thống (phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị).
Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm, được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” bởi khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Các tế bào ung thư dễ di căn, thâm nhập vào các cơ quan quan trọng của cơ thể. Nhưng con người vẫn chưa tìm ra phương thuốc điều trị hiệu quả, trong khi ung thư rất đa dạng và các tế bào ung thư có cơ chế nhanh chóng kháng thuốc, kể cả những phương pháp điều trị tiên tiến và đắt tiền hiện nay như liệu pháp trúng đích hay miễn dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo căn bệnh ung thư có xu hướng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, ung thư ngày càng trở nên trầm trọng và là nỗi ám ảnh của nhiều người. Hằng năm Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, trong khi đến năm 2020 ước mỗi năm có khoảng 200.000 ca ung thư mới.