Nhu cầu nhà ở dưỡng lão ngày càng tăng. Ảnh: Qúy Hòa.

 
Ngọc Thủy Thứ Sáu | 05/11/2021 08:00

Dân số già lo nhà dưỡng lão

Việt Nam ngày càng già hóa về dân số nhưng giải pháp nhà ở dưỡng lão lại chưa được ưu tiên.

Theo Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số từ 10 năm trước. Ở thời điểm ấy, Tổng cục Thống kê cũng như Liên Hiệp Quốc đều chung nhận định, 2021-2037 sẽ là thời gian quá độ để chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”.

Đa số người già đang sống cùng con cháu như một nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, khi kinh tế xã hội phát triển, chất lượng sống tăng lên và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến thay đổi cách sống của nhiều người. Theo Tổng cục Thống kê, số người cao tuổi sống một mình hoặc cùng với  vợ/chồng tăng từ 18,3% năm 2009 lên 27,8% năm 2019. Một số người trong nhóm này đã vào ở viện dưỡng lão khi con cái bận rộn, ít dành thời gian cho mình hoặc cảm thấy cô đơn khi con ở xa.

Rõ ràng, nhu cầu nhà ở dưỡng lão ngày càng tăng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Savills Việt Nam, cả nước chỉ có 32 tỉnh có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh phải có ít nhất một cơ sở nhưng Savills cho rằng, điều đó vẫn không theo kịp và không đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng của dân số già Việt Nam.

Ảnh: toplist.vn
Tình trạng già hóa cũng xảy ra khắp nơi. Ảnh: toplist.vn

Tình trạng già hóa cũng xảy ra khắp nơi. Nghiên cứu toàn cầu của Savills cũng cho thấy nhiều thành phố (chủ yếu ở Nhật, Đức, Ý và Pháp) đã có tỉ lệ già hóa rất cao. Sắp tới, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan và Mỹ gia nhập vào những quốc gia siêu già. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người  trên 65 tuổi, tức khoảng 1,5 tỉ người già. 

Khi đó, ông William Wallace, Tổng Giám đốc Savills New Zealand, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự đổi mới trong việc cung cấp nhiều loại hình nhà ở mới mẻ cho người dân”.

Hiện tại, để phục vụ cho 771.000 người trên 65 tuổi, New Zealand triển khai dịch vụ dưỡng lão, với nhiều quy định rõ ràng về chất lượng dịch vụ và phí quản lý. Mỹ, quốc gia dự báo sẽ thành siêu già vào năm 2035, cũng tung ra nhiều dịch vụ khác nhau. Thậm chí, theo báo cáo Savills, Mỹ còn là nước áp dụng việc xây dựng cộng đồng sinh hoạt đa thế hệ dành cho nhóm hưu trí, với các tiện ích, lớp học, bệnh viện cho người già và phòng dưỡng lão trong khuôn viên các trường đại học, như làng Lasell Village tại Massachusetts.

 

Nhật có cách hỗ trợ người già thiết thực hơn khi triển khai gói bảo hiểm chăm sóc dài hạn bắt buộc - Kaigo Hoken. Điều này đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của các quỹ tín thác bất động sản liên quan tới chăm sóc sức khỏe, nhà ở, hay nhóm các nhà đầu tư cá nhân.

Những nước châu Á như Trung Quốc,  tuy ủng hộ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, nhưng với 71 thành phố siêu già hóa vào năm 2035 ở Trung Quốc, điều này có thể không khả thi nữa. Ông James MacDonald, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của Savills tại Trung Quốc, cho biết: “Cơ hội cho nhà đầu tư quốc tế ở Trung Quốc thực sự hiện hữu”.

Thế giới đang chạy đua cung cấp nhà ở dưỡng lão nhưng theo đánh giá của Savills, nguồn cung vẫn thiếu hụt so với nhu cầu. Riêng tại Việt Nam, triển vọng về thị trường nhà ở dưỡng lão chưa thực sự rõ ràng. Hiện chỉ có một số ít viện dưỡng lão hoạt động theo 3 cách thức: do tư nhân đầu tư (Bình Mỹ, OriHome, Ba Thương, Ngũ Phúc, Tuyết Thái...), do các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo lập ra như Việt Hoa (chùa Lâm Quang), Vinh Sơn, Viện dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM...); hoặc thuộc Nhà nước bảo trợ (Thị Nghè).

 

Dù vậy, các viện dưỡng lão này vẫn chưa phải như mô hình nhà ở dưỡng lão phổ biến trên thế giới. 3 năm trước, đại diện Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ (NAR) đã đặt vấn đề các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines nên đầu tư vào bất động sản hưu trí. Đây là phân khúc mới nhưng hấp dẫn. Nhưng để làm được điều này, các nước cần sự tham gia của 3 ngành: bất động sản, y tế, dịch vụ chăm sóc. Ví dụ, ở Chiang Mai (Thái Lan) đã thu hút nhiều cộng đồng hưu trí đến từ Mỹ và châu Âu (Thụy Điển)... Người nước ngoài có thể mua nhà/chung cư và nghỉ hưu tại đây. Hay Philippines có chính sách như đầu tư hạ tầng, có hệ thống y tế tốt, cấp visa đặc biệt, có những dự án phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người cao tuổi... để thu hút đông lượng người cao tuổi đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Ở Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, nhận định: “Với các yếu tố phức tạp về văn hóa, quy định về luật, cũng như các yếu tố về vận hành, một số mô hình dưỡng lão phổ biến trên thế giới có thể không phù hợp với thị trường Việt Nam”. Việt Nam có thể sử dụng đòn bẩy để hỗ trợ xây dựng bất động sản cho người cao tuổi. Đặc biệt, người già có thể tham gia các gói bảo hiểm đi kèm với giá trị đầu tư. Việt Nam cũng cần phát triển đội ngũ nhân viên được đào tạo về y tế chuyên trách. Giải quyết những vấn đề trên, theo ông Troy Griffiths, khi mô hình gia đình truyền thống thay đổi trong vài thập kỷ tới, phân khúc nhà ở dưỡng lão sẽ có nhiều cơ hội hơn.