Quản gia robot Jarvis làm nhiệm vụ tại khách sạn Grand ở Sunnyvale, Mỹ. Nguồn ảnh: TIME.
Đại dịch sẽ thay thế vĩnh viễn một số công việc của con người bằng máy móc
Theo Bloomberg, đại dịch COVID-19 có khả năng thay thế vĩnh viễn một số lĩnh vực con người làm việc bằng máy móc.
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Lei Ding và Julieth Saenz Molina thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, tỉ lệ sa thải công nhân trong các ngành có thể tự động hóa cao hơn, điều này làm tăng nguy cơ những công việc đó sẽ trở nên lỗi thời vĩnh viễn.
Đồng thời, sự lan rộng của COVID-19 đã thúc đẩy quá trình tự động hóa trong các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus hoặc không cho phép làm việc từ xa.
Suy thoái càng kéo dài, tác động của tự động hóa càng sâu sắc. Trong trường hợp cuộc khủng hoảng COVID-19 phát triển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, nhiều người mất việc làm trong các ngành nghề có thể tự động hóa sẽ trở thành vĩnh viễn trong nền kinh tế hậu đại dịch, tương tự như những gì đã xảy ra trong quá trình phục hồi sau đại suy thoái.
Theo nghiên cứu phân tích dữ liệu cho đến tháng 8, các ngành công nghiệp vốn phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao đã mất thêm 4,2 việc làm trên 100 công việc so với các ngành đối mặt với ít mối đe dọa hơn bởi công nghệ. Những công việc có nguy cơ bị máy móc thay thế nhiều nhất bao gồm nhân viên bàn khách sạn, tài xế đưa đón, nhân viên bán hàng lẻ, nhân viên giữ xe, công nhân lò mổ và nhân viên thu phí.
Máy móc đã khiến công việc trở nên lỗi thời trong nhiều thế kỷ. Jenny kéo sợi thay thế thợ dệt, nút bấm thay thế các nhà điều hành thang máy và internet đã khiến các công ty du lịch ngừng kinh doanh. Một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 400.000 việc làm đã bị mất do tự động hóa trong các nhà máy ở Mỹ từ năm 1990-2007.
Tuy nhiên, xu hướng thay thế con người bằng máy móc đang tăng tốc khi các công ty phải vật lộn để tránh nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và giữ chi phí vận hành thấp. Mỹ đã giảm khoảng 40 triệu việc làm vào thời điểm cao điểm của đại dịch. Trong đó, một số công việc đã quay trở lại, một số khác sẽ không bao giờ quay trở lại. Một nhóm các nhà kinh tế ước tính rằng 42% số việc làm bị mất sẽ biến mất vĩnh viễn.
Việc thay thế con người bằng máy móc có thể sẽ tăng tốc hơn trong những tháng tới khi các công ty chuyển từ chế độ sinh tồn sang tìm ra cách vận hành trong khi đại dịch bùng phát. Theo các nhà kinh tế tại MIT và Đại học Boston, robot có thể thay thế thêm 2 triệu công nhân trong lĩnh vực sản xuất chỉ riêng vào năm 2025.
Nhà kinh tế học Daniel Susskind tại Đại học Oxford và là tác giả của cuốn sách A World Without Work: Technology, Automation and How We Should Answer cho rằng: “Máy móc không đổ bệnh, không cần cách ly để bảo vệ đồng nghiệp, không cần nghỉ làm”.
Cũng như rất nhiều đại dịch, làn sóng tự động hóa mới này sẽ khó khăn hơn đối với những người da màu và những người lao động lương thấp. Theo công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ước tính tự động hóa sẽ thay thế 132.000 công nhân da đen ở Mỹ vào năm 2030.
Việc triển khai các robot như một phản ứng với COVID-19 diễn ra nhanh chóng, giúp tăng sản lượng. Phó Chủ tịch cấp cao Rob Thomas về nền tảng đám mây và dữ liệu tại IBM, công ty triển khai Watson, cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng đây là một bình thường mới. Đại dịch đã đẩy nhanh những gì sắp xảy ra”.
Về lý thuyết, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ giải phóng con người khỏi những nhiệm vụ nguy hiểm hoặc nhàm chán để họ có thể đảm nhận những công việc kích thích trí tuệ hơn, giúp các công ty có năng suất cao hơn và tăng lương cho công nhân.
Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột khi các nhà tuyển dụng lo lắng về COVID-19 hoặc theo lệnh phong tỏa bất ngờ, đã khiến các công ty vội vàng thay thế công nhân bằng máy móc hoặc phần mềm. Các công ty lo lắng về lợi nhuận của họ khi cắt giảm nhân công và những công nhân này phải tự tìm cách thành thạo các kỹ năng mới.
Trạm thu phí Cầu Carquinez ở Vallejo, California, không có người thu phí. Đây là kết quả của quyết định của tiểu bang về việc tự động hóa công việc khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Nguồn ảnh: TIME. |
Trong những năm gần đây, đầu tư của Mỹ vào giáo dục đã bị đình trệ, đặt gánh nặng lên người lao động buộc họ phải tự trang trải. Và ý tưởng giáo dục ở Mỹ vẫn tập trung vào đào tạo cho lao động trẻ hơn là đào tạo lại nhân viên. Hiện, Mỹ chi 0,1% GDP để giúp người lao động điều hướng chuyển đổi công việc, ít hơn một nửa so với 30 năm trước.
Hàng chục ngàn người Mỹ bị mất việc trong thời kỳ đại dịch có thể thất nghiệp trong nhiều năm. Tuy nhiên, vấn đề là có những người lao động họ thực sự “đã quá già để nghĩ về việc làm một số công việc khác".
Trước đây, khi tự động hóa loại bỏ việc làm, các công ty đã tạo ra những công việc mới để đáp ứng nhu cầu của họ. Cụ thể, các nhà sản xuất có thể sản xuất nhiều hàng hóa hơn bằng cách sử dụng máy móc, cần nhân viên vận chuyển hàng hóa và nhân viên tiếp thị để tiếp cận thêm khách hàng.
Giờ đây, khi tự động hóa cho phép các công ty làm được nhiều việc hơn với ít người hơn, các công ty thành công không cần nhiều nhân công. Công ty có giá trị nhất ở Mỹ năm 1964 là AT&T, có 758.611 nhân viên; công ty giá trị nhất hiện nay là Apple, có khoảng 137.000 nhân viên.
Mặc dù, các công ty lớn ngày nay kiếm được hàng tỉ USD, nhưng họ chia sẻ thu nhập đó với ít nhân viên hơn và phần lớn lợi nhuận của họ được chuyển đến các cổ đông.
Những tiến bộ này làm cho AI trở thành một lựa chọn dễ dàng cho các công ty đang cố gắng đối phó trong đại dịch. Các công ty triển khai tự động hóa và AI cho rằng công nghệ này cho phép họ tạo ra nhiều việc làm mới. Nhưng số lượng việc làm mới thường rất nhỏ so với số lượng việc làm bị mất.
COVID-19 nên là một lời cảnh tỉnh cho chính phủ liên bang để xem xét lại cách nó tài trợ cho giáo dục.
Có thể bạn quan tâm:
► Làm thế nào thế giới có thể tránh được một đại dịch virus Corona khác?