Một cặp đôi đã phát trực tiếp đám cưới của họ vào ngày 27.3.2021 ở sân sau ngôi nhà thời thơ ấu ở Beverly Hills, California.Ảnh: nytimes.com

 
Phi Vũ Thứ Tư | 04/08/2021 13:00

Cưới online né COVID-19

Ngành công nghiệp tổ chức lễ cưới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của dịch bệnh và sự xuất hiện của các giải pháp trực tuyến đang được cân nhắc.

Lễ cưới của Jigen đáng lý sẽ tổ chức tại khách sạn ở Thượng Hải nhưng dịch bệnh diễn ra khiến anh phải tạm dừng tổ chức và chờ đến lúc tình hình được kiểm soát. Trong khi chờ đợi, anh và vợ quyết định tổ chức lễ cưới trong game trực tuyến Final Fantasy XIV với hơn 30 người bạn tham dự, mà phần lớn trong số đó chưa từng biết đến game trực tuyến. Chi phí đám cưới là khoảng 350 USD, rẻ hơn rất nhiều lần so với việc tổ chức một đám cưới truyền thống ở Trung Quốc. Bên cạnh chi phí, tận dụng giải pháp online là một cách các cặp đôi không may tổ chức ngày cưới trong thời điểm dịch bệnh.

Hunliji, nền tảng dịch vụ đám cưới của Trung Quốc, được đầu tư hơn 130 triệu USD chẳng hạn. Từ cửa hàng trực tuyến cung cấp các dịch vụ cưới, đơn vị này đã phát triển thành ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, chia sẻ xã hội và dịch vụ tuần trăng mật với hơn 50 triệu người dùng ở 400 thành phố.

 

Không chỉ Trung Quốc, livestream lễ cưới là ngành dịch vụ mới nổi ở Mỹ, thị trường có ngành công nghiệp lễ cưới trị giá 3 tỉ USD hằng năm. Theo thống kê của Zola (Mỹ), startup cung cấp dịch vụ liên quan đến lễ cưới được định giá 650 triệu USD, một khảo sát dựa trên 12.000 cặp đôi hồi cuối năm 2020 cho thấy hơn 1/3 số đó cân nhắc việc tổ chức lễ cưới ảo.

Điều này đã làm thị trường tổ chức lễ cưới ảo trở nên sôi động hơn bao giờ hết, các công ty đã đưa nhiều chức năng tương tác vào một lễ cưới ảo để thu hút các cặp đôi. Như LoveStream, đơn vị này cung cấp một website tùy chỉnh bao gồm cuộc trò chuyện trực tiếp, sổ lưu bút ảo, danh sách phát Spotify... với chi phí từ  350-1.350 USD. Hay như Wedfuly, với 1.200 USD, công ty này sẽ cung cấp một điều phối viên điều phối sự kiện ảo, các trang thiết bị cần thiết cho buổi phát trực tiếp. 

Mỗi tiệc cưới nuôi sống một chuỗi doanh nghiệp, từ nhà hàng, người cung cấp thực phẩm, nhiếp ảnh gia cho đến cửa hàng cung cấp hoa, váy cưới và các vũ đoàn. Riêng tại TP.HCM, theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số, trong vòng vài năm trở lại đây, TP.HCM có trung bình hơn 40.000 cặp đôi đăng ký kết hôn mỗi năm.

 

Dịch bệnh đã làm ngành công nghiệp này tê liệt trong suốt 2 năm qua, ngáng đường những cặp đôi được chia vui với bạn bè, họ hàng trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời. Vì thế, thời gian qua, ở Việt Nam, nhiều cặp đôi cũng đã tổ chức đám cưới online, chủ yếu là dựa trên nền tảng Facebook hoặc ứng dụng họp trực tuyến nhưng không được coi là phổ biến.

Nhiều cặp đôi đã đặt cọc nhà hàng, vốn có thể lên đến 50% giá trị khi cận ngày cưới 1 tháng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nguyễn Thiện (sống ở quận Tân Bình, TP.HCM) là trường hợp như vậy. Anh buộc phải dời lễ cưới cho đến khi các lệnh giãn cách được nới lỏng chứ không thể rút tiền cọc vì điều khoản ràng buộc trong hợp đồng.

Anh đang lo lắng 2 điều. Thứ nhất là không biết liệu đơn vị tổ chức lễ cưới có tồn tại được hay không nếu việc giãn cách kéo dài. Thứ 2, liệu khi được mở lại thì các sự kiện như lễ cưới, vốn hơn 100 người tham dự, có được chấp nhận không. “Nếu lúc đó vẫn chưa được thì chúng tôi phải đành dời tiếp hoặc sẽ tìm cách tổ chức theo hình thức nào đó, online chẳng hạn”, anh Thiện nói.

Dù việc tổ chức livestream đã diễn ra khá rầm rộ trong thời gian qua nhưng lễ cưới vẫn là một ngành công nghiệp mà online không thể thay thế toàn bộ trải nghiệm của những người tham gia. Các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc cũng xác nhận mình chỉ là một phần trong ngành công nghiệp có 10 triệu cặp đôi tổ chức hằng năm với quy mô lên đến 30 tỉ USD.

Khác với châu Á, các startup ở Mỹ, nơi chú trọng vào khoảnh khắc kỷ niệm của các cặp đôi hơn là các thủ tục truyền thống, có cái nhìn lạc quan và tham vọng hơn. Theo thống kê của The Knot, chi phí đám cưới trung bình của người Mỹ năm 2017 là hơn 33.000 USD, nhưng vẫn chiếm hơn nửa thu nhập trung bình hằng năm của một hộ gia đình ở nước này. Vì thế, đám cưới ảo với chi phí cạnh tranh hơn nhưng cung cấp các trải nghiệm mới lạ và dễ lan truyền hơn là niềm tin cho các startup ở Mỹ tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp lễ cưới.

Những đám cưới online trong mùa dịch tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều khi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Những đám cưới online trong mùa dịch tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều khi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Nhìn chung, việc tổ chức lễ cưới “công nghệ” ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh hạ tầng chưa sẵn sàng, cái khó nhất vẫn là truyền thống tổ chức đám cưới của nhiều gia đình hiện nay. Lễ cưới ở Việt Nam là nơi họ hàng, bàn bè họp mặt, chính vì thế vai trò của địa điểm tổ chức rất quan trọng. 

Mặc dù vậy, những đám cưới online trong mùa dịch tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều khi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới chấm dứt. "COVID-19 làm nhiều thứ bị đình trệ... nhưng hạnh phúc thì không thể trì hoãn", cô dâu Khánh Thi viết trên trang cá nhân ngay sau đám cưới online mới đây. 

Năm ngoái, ứng dụng Zalo cũng ra mắt tính năng tổ chức đám cưới trực tuyến trong mùa COVID-19, đáp ứng nhu cầu của nhiều đôi trẻ. Nhiều bạn trẻ vẫn quyết định có những lễ cưới kết nối bạn bè, họ hàng từ những đầu cầu bị phong tỏa và vẫn nhận đủ những lời chúc phúc qua mạng. “Dù không thể về nhà nhưng chúng tôi vẫn mong muốn tổ chức đầy đủ thủ tục như đã định. Tôi chỉ mong sớm hết dịch bệnh, vợ chồng tôi sẽ làm tiệc cưới trọng thể mời đông đủ họ hàng, bạn bè”, chú rể Phát Tài mong mỏi dù cũng đã có một đám cưới online ấm cúng.