Hơn 63% các tòa nhà cao nhất thế giới nằm ở châu Á.

 
Thuận Nguyễn Thứ Tư | 01/05/2019 08:28

Cuộc đua biểu tượng "chọc trời, xuyên mây" ở Đông Nam Á

Cùng với vị trí một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới, Đông Nam Á đang bước vào cuộc đua xây dựng các biểu tượng trên không.

Chuẩn mực mới của kiến trúc trên không

Thế giới kiến trúc đang hướng đến khái niệm "magatall" cho những thách thức đưa các tòa tháp không chỉ siêu cao, mà còn siêu lớn trên những tầng mây. Từ đó, một chuẩn mực mới cho kiến trúc trên không đã được thiết lập, và trong suốt 80 năm tiếp theo, 49 tòa tháp khác được đưa vào danh sách "chọc trời" trên thế giới.

Những tòa nhà đo mây đánh dấu sự phát triển đáng kinh ngạc của kiến trúc vào thời điểm bùng nổ kinh tế ở cả Trung Đông và châu Á. Các chính phủ, các ông chủ giàu có tại đây muốn những tòa nhà xuyên mây cao mãi để trở thành cuộc đua về biểu tượng giàu có và quyền lực.

Châu Á đã mau chóng nổi lên như một trung tâm cao ốc của thế giới với sự lớn mạnh nhanh chóng về kinh tế. Hơn 63% các tòa nhà cao nhất thế giới nằm ở châu Á. Khu vực này đi đầu trong cuộc đua xây nhà cao tầng.

Cuoc dua bieu tuong
Từ trái qua: Tòa nhà Burj Khalifa, Abraj Al-Bait Clock Tower, Shanghai Tower, Trung tâm Tài chính Ping An

Ngôi vị tòa nhà cao nhất thế giới của tòa nhà Đài Bắc 101 (cao 509m) chưa kịp vững đã phải nhường chỗ cho tòa tháp Burj Dubai (cao hơn 800m) ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Ngay sau khi tòa tháp Đài Bắc hoàn thành, giới lãnh đạo Trung Quốc, vì không muốn Đài Loan qua mặt, đã hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án xây tòa nhà Shanghai World Finance Center với chiều cao 492m.

Tiếp theo đó, Hàn Quốc cho xây dựng tháp Landmark DMC cao 640m mọc lên ở khu Sangam-dong, Tây Bắc Seoul, tháp Lotte World 123 tầng với chiều cao 555m. Theo Tạp chí Forbes, chưa hài lòng với độ cao 800m của tháp Burj Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất có kế hoạch xây tòa tháp Kingdom, dự kiến có độ cao 1.000m, hơn 172m so với tháp Burj Dubai.

Các chuyên gia dự đoán rằng, các nhà chọc trời tiếp theo có thể khởi phát từ Ấn Độ. Daniel Kieckhefer, một đại diện của Công ty Dữ liệu Bất động sản có trụ sở tại Darmstadt (Đức) cho biết: “Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên xây dựng nhà chọc trời chưa từng thấy".

Theo Emporis, ít nhất 33 tòa tháp đã được hoàn thành trong vòng 80 năm qua. Động lực để xây các nhà cao tầng đã chứng tỏ khát vọng của các quốc gia muốn tham gia vào bảng xếp hạng quốc gia phát triển. Một tòa nhà cao tầng là thông điệp kiêu hãnh gửi tới thế giới rằng: “Chúng tôi đang sánh ngang với các bạn”.

Lee Bok-nam, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xây dựng Hàn Quốc nói: “Người Hàn Quốc đã bị tổn thương bởi sự thật rằng Đài Loan có tòa nhà cao nhất thế giới. Nếu họ có một, chúng tôi cũng phải có một”. Lee Seung-joo, giám đốc quản lý dự án tòa tháp đôi Incheon nói: “Tất cả các thành phố thế giới đều có tháp cao tầng. Nó giống như một thương hiệu và tháp đôi của chúng tôi cũng sẽ là thương hiệu của Incheon trước thế giới”.

Đông Nam Á: Điểm nóng của nhà chọc trời

Đáng chú ý, cùng với tốc độ tăng trưởng của một trong những khu vực năng động nhất hiện nay, Đông Nam Á cũng có những cuộc đua xây dựng những tòa nhà chọc trời, xuyên mây. Thị trường chứng khoán “nóng” hun đúc những tòa nhà chọc trời. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo, lãi suất thấp, tín dụng dễ dãi, giá nhà đất lên cao... dẫn dắt ý tưởng xây nhà chọc trời nhằm tiết kiệm diện tích đất sử dụng.

Cuoc dua bieu tuong
Tòa nhà Landmark 81 nhìn từ xa.

Landmark 81 sở hữu chiều cao sở hữu chiều cao 469,5m, xếp thứ 12 thế giới, thứ 9 châu Á và xác lập kỷ lục mới ở Việt Nam về chiều cao. Tòa tháp này nhanh chóng vượt qua chiều cao của hai tòa tháp “biểu tượng” trước đó là Bitexco Financial Tower và Keangnam Landmark 72 với chiều cao 346 m. Ngoài ra, theo kế hoạch Empire Tower (khu đô thị mới Thủ Thiêm) sẽ soán ngôi của Landmark 81 vào năm 2022.

Ngay cả Campuchia cũng rốt ráo cho cuộc đua xây dựng những biểu tượng chọc trời khi kinh tế nước này luôn tăng trưởng mạnh trong suốt 10 năm qua. Tháp đôi thương mại Thai Boon Roong trị giá 2,7 tỉ USD tại một khu đất vàng 5 ha ở thủ đô Phnom Penh, dự kiến sẽ đưa Campuchia vào danh sách các nước sở hữu nhà chọc trời hàng đầu thế giới và cao hơn nhiều so với tòa nhà hiện cao nhất nước là Vattanac Capital chỉ có 39 tầng với 188 m.

Cuoc dua bieu tuong
Mô hình tháp đôi Thai Boon Roong. Ảnh: www.construction-property.com.

Theo dự án, tháp đôi Thai Boon Roong sẽ hoàn tất trong vòng 5 năm tới với chiều cao 500 m, hơn 48 m so với tòa tháp hiện giữ kỷ lục cao nhất Đông Nam Á là tháp đôi Petronas của Malaysia. Trong thời điểm này, Thái Lan cũng kịp đưa vào sử dụng tòa tháp Rama IX Super Tower   125 tầng, cao 615m và tòa tháp Circle36 ở trung tâm Bangkok cao 447m, dự kiến hoàn thành 2021…

 Tuy nhiên, cuộc chạy đua nóc nhà cao nhất khu vực vẫn còn 2 ứng viên nặng ký khác là dự án tháp KL 118 của Malaysia với chiều cao 644 m và dự án tháp Signature của Indonesia có thiết kế cao 638 m.