Khắp Đông Á, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra, định hình lại vai trò làm cha. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 10/12/2024 16:19

Cuộc cách mạng thầm lặng về vai trò làm cha tại Đông Á

Đông Á đang chứng kiến cuộc cách mạng thầm lặng trong vai trò làm cha, khi ngày càng nhiều đàn ông trẻ chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái với vợ.

Trong nhiều năm, anh Ito Tsubasa tin rằng cuộc sống gia đình của mình là điều hiển nhiên, khi anh làm việc liên tục, còn vợ đảm nhiệm toàn bộ việc nhà. Tuy nhiên, cuộc sống của anh đảo lộn khi vợ anh, đang mang thai đứa con thứ hai, đề nghị anh nghỉ phép chăm con để cô tập trung cho sự nghiệp. Sau nhiều tranh luận căng thẳng, anh quyết định dành sáu tháng nghỉ phép để chăm sóc con.

Trải nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của anh về vai trò làm cha. “Tôi đã sai lầm hoàn toàn, khi từng nghĩ mình là một người cha tốt chỉ vì chơi với con vào cuối tuần”, anh Ito, cha của hai bé 8 tuổi và 4 tuổi, chia sẻ. Hiện tại, anh và vợ đã chia sẻ việc nhà một cách công bằng.

Câu chuyện của anh Ito không phải là trường hợp duy nhất. Khắp Đông Á, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra, định hình lại vai trò làm cha. Quan niệm truyền thống rằng đàn ông là trụ cột tài chính, còn phụ nữ lo toan gia đình, vốn ăn sâu trong xã hội, đang dần thay đổi. Ngày càng nhiều người đàn ông trẻ ưu tiên gia đình hơn công việc, trong khi các cặp đôi kết hôn hướng đến sự bình đẳng trong chăm sóc con cái.

Tại Nhật Bản, tỉ lệ đàn ông đủ điều kiện nghỉ phép chăm con đạt 30% vào năm 2023, tăng từ 17% năm trước và chỉ 2% một thập kỷ trước. Ở Hàn Quốc, con số này dù chỉ là 6,8% vào năm 2022, vẫn cao hơn nhiều so với mức dưới 1% năm 2016.

Sự thay đổi này diễn ra song song với sự gia tăng mức độ giáo dục và việc làm của phụ nữ Đông Á. Năm 2022, hơn 80% phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi 25-39 có việc làm. Tại Hàn Quốc, 74% phụ nữ từ 25-29 tuổi đi làm, trong khi hơn 60% hộ gia đình ở Nhật Bản và Đài Loan hiện có hai nguồn thu nhập.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi này vẫn gặp không ít trở ngại. Nhật Bản và Hàn Quốc có chính sách nghỉ phép chăm con hưởng lương thuộc hàng tốt nhất thế giới, gần 70% lương được chi trả trong 180 ngày đầu. Tuy nhiên, nhiều người e ngại sử dụng quyền lợi này do áp lực từ quản lý và đồng nghiệp. Ở Nhật Bản, hầu hết nam giới chỉ nghỉ phép dưới hai tuần, trong khi 95% phụ nữ nghỉ từ sáu tháng trở lên.

Ngược lại, Đài Loan tương đối tiến bộ hơn so với các nước láng giềng, với chênh lệch lương theo giới thấp nhất trong khu vực, chỉ 15% vào năm 2023, so với 31% ở Hàn Quốc và 21% ở Nhật Bản. Theo World Values Survey, 64% nam giới Đài Loan không cho rằng phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn chồng là vấn đề, trong khi chỉ có 26% nam giới Nhật và 28% nam giới Hàn đồng ý với quan điểm này.

Tuy nhiên, chính sách nghỉ phép có lương tại Đài Loan còn thiếu tính linh hoạt, với mức trần hàng tháng khoảng 1.100 USD, gây sụt giảm thu nhập đáng kể cho người lao động có thu nhập cao. Dẫu vậy, anh Teng Kai-yuan, một người cha Đài Loan có con trai chín tuổi, vẫn quyết tâm không đi theo hình mẫu người cha lạnh nhạt như thế hệ trước. “Gia đình chúng tôi chia sẻ việc nhà theo tỉ lệ 50:50 và dành cuối tuần cho các hoạt động gia đình như cắm trại”, anh nói.

Những thay đổi này không chỉ dừng lại ở việc cải thiện vai trò làm cha. Nghiên cứu của nhà kinh tế Matthias Doepke (Trường Kinh tế London) cho thấy tỉ lệ nam giới chia sẻ việc nhà có mối liên hệ tích cực với tỉ lệ sinh ở các quốc gia giàu có. Điều này có thể là chìa khóa để đảo ngược cuộc khủng hoảng dân số tại Đông Á.

Hiện tại, tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc chỉ đạt 0,72, thấp kỷ lục, trong khi Nhật Bản là 1,2 và Đài Loan 0,87. Những thay đổi về vai trò giới không chỉ cần thiết cho các gia đình mà còn mang ý nghĩa sống còn cho cả khu vực. Những đứa trẻ và những người cha hiện đại, đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp Trung Quốc và cơn sóng đầu tư ra nước ngoài

Nguồn The Economist