Dự kiến vào đầu năm 2025, TP.HCM sẽ khởi công tu bổ công trình hơn 120 tuổi này. Ảnh: baotangtonducthang.vn

 
Thu Nguyễn Thứ Tư | 24/07/2024 10:00

Công trình văn hóa cho thành phố 10 triệu dân

Cho đến nay, TP.HCM là địa phương có số lượng công trình văn hóa tính trên đầu người thấp nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương.

TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân, chưa tính dân nhập cư nhưng số công trình văn hóa có thể biểu diễn nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay và phần lớn các công trình này đã cao tuổi. 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, việc đầu tư cho thiết chế, cho hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn chưa đúng mức so với tầm cỡ và tiềm năng phát triển kinh tế của thành phố. Thiết chế văn hóa dành cho văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp tục xuống cấp trong khi nhiều dự án xây mới vẫn chậm thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM, nhận định: “Thành phố đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thử điểm lại xem văn hóa, thể thao TP.HCM có những công trình trọng tâm, tầm cỡ như thế nào? Một điều rất thiệt thòi cho người dân thành phố với hơn 10 triệu dân mà thụ hưởng văn hóa, tinh thần như vậy”.

 

Hiện nay, TP.HCM có 8 đơn vị nghệ thuật công lập thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quản lý, bao gồm: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch Thành phố, Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Kịch Thành phố, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh Thành phố. Tuy nhiên, hiện chỉ có 4/8 đơn vị có sân khấu, nhà hát đủ điều kiện biểu diễn nghệ thuật. Đa số các cơ sở trên có khán phòng hạn chế (500 ghế ngồi), diện tích sân khấu khiêm tốn, công trình phụ trợ cũng còn nhiều hạn chế. 

Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động nghệ thuật. Cụ thể, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội xuống cấp trầm trọng, nhiều hàng ghế trong nhà hát không thể ngồi được vì bị hư hỏng hoàn toàn, số còn lại bị trầy xước, cũ kỹ, nền ẩm thấp... 

Đáng chú ý, dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch Thành phố, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng, là một trong các công trình văn hóa trọng điểm của TP.HCM, có quyết định đầu tư từ năm 2018 nhưng đến ngày 18/6 mới đây, văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM do Chủ tịch Phan Văn Mãi ký mới giao Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các sở ngành khẩn trương bổ sung, hoàn thiện phương án thiết kế kiến trúc công trình tối ưu.

Nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của người dân, vào đầu tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035” có sự tham mưu của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. Theo đó, Thành phố yêu cầu thực hiện tu bổ, tôn tạo và tu sửa cấp thiết các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp trên địa bàn TP.HCM, đồng thời hoàn thành đầy đủ những yêu cầu pháp lý để đảm bảo điều kiện khởi công các dự án tiêu biểu, trọng điểm của ngành văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2021-2025.

Cũng vào đầu tháng 6/2024, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có báo cáo gửi lãnh đạo thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn từ nay đến cuối năm. Trong đó, đáng chú ý là tu bổ Nhà hát Thành phố với tổng mức đầu tư hơn 337 tỉ đồng sẽ được thực hiện trong năm nay. Công trình sẽ được lập đề cương chi tiết, xây dựng bản vẽ thiết kế, tổ chức đấu thầu. Dự kiến vào đầu năm 2025, TP.HCM sẽ khởi công tu bổ công trình hơn 120 tuổi này. Việc sửa chữa nhằm bảo tồn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thành điểm tiếp khách quốc tế đến thành phố, tổ chức lễ hội, nghệ thuật, sự kiện trọng đại.

 

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10 năm nay. Công trình xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng có tổng vốn hơn 275 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 10/2020 gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, có chiều cao 20 m, diện tích xây dựng hơn 1.700 m2 cùng tổng diện tích sàn hơn 8.500 m2.

Một công trình khác là Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ (quận 11) cũng đang được triển khai xây dựng đúng tiến độ. Công trình có kinh phí đầu tư 1.400 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 4/2023, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/2025).

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận cho rằng việc đầu tư xây dựng Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ là việc làm cần thiết và cấp bách, có tính khả thi, phù hợp với quá trình phát triển đô thị. Theo ông Thuận, công trình này sẽ là biểu tượng văn hóa, dấu ấn lịch sử của TP.HCM trong tiến trình phát triển và hội nhập.