Mỗi cá nhân đều là riêng biệt và bộ gen mỗi người là khác nhau, hiểu được bộ gen giúp cho cá nhân có thể lựa chọn điều trị chính xác và tiên liệu sớm vấn để về sức khỏe. Ảnh: NCĐT.e. Ảnh: NCĐT.
Công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS: Niềm hy vọng mới cho cuộc chiến chống ung thư
Theo tổ chức WHO, mỗi năm trên thế giới hiện có hơn 19 triệu ca mắc ung thư mới và 9,9 triệu ca tử vong do ung thư. Còn tại Việt Nam, mỗi ngày có hơn 300 ca tử vong vì ung thư, và hơn 80% số ca ung thư ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn này tạo ra một áp lực kinh tế rất lớn cho bệnh nhân khi chỉ sau 1 năm điều trị mà 67% bệnh nhân phải vay tiền để chữa trị, 35% bệnh nhân không mua nổi thuốc, 24% không thanh toán được sinh hoạt phí và 15% không mua nổi thức ăn.
Điều đáng tiếc là lẽ ra những khó khăn này có thể được giảm thiểu rất nhiều nếu có thể tầm soát sớm ung thư. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society-ACS), nếu có thể tầm soát sớm ung thư thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân cao hơn gấp 4 lần so với nhưng trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, hoàn toàn ứng với thông điệp “ung thư, biết sớm trị lành” mà Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh trong quyển sách cùng tên.
Làm sao để tầm soát sớm ung thư?
Các biện pháp tầm soát sớm ung thư đang được khuyến cáo hiện nay có thể kể đến: siêu âm/chụp nhũ ảnh cho ung thư vú, nội soi cho ung thư đại trực tràng, chụp CT-Scan liều thấp cho ung thư phổi, xét nghiệm PAP, HPV cho ung thư cổ tử cung, thăm khám hay xét nghiệm PSA cho ung thư tiền liệt tuyến… Và hiện thời chưa có đề xuất phương án tầm soát cho ung thư gan, một trong 4 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam.
Dù các hướng dẫn tầm soát này hữu ích nhưng vẫn có những rào cản để có thể tiếp cận như: đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại và kỹ thuật viên có tay nghề; một số phương pháp có quy trình thực hiện phức tạp. Đồng thời, mô hình tầm soát đơn cơ quan cũng đòi hỏi tầm soát nhiều lần cho các cơ quan khác nhau. Có lẽ vì thế mà hơn 80% số ca mắc ung thư ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn?
Trong hội thảo do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức với chủ đề “Đúc Vàng cho sức khỏe” vừa qua, bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, đồng sáng lập Công ty Gene Solutions, đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS mà nhờ đó có thể mang lại niềm hy vọng mới cho cuộc chiến chống ung thư.
Theo bác sĩ Nguyên, công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS được ra đời dựa trên thành quả nhiều năm nghiên cứu của đội ngũ Gene Solutions trên kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS), với mô hình học máy (machine learning) tiên tiến trên dữ liệu di truyền lớn từ 20.000 bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, để phân tích đồng thời 4 dấu ấn đặc trưng của ctDNA, tức các đoạn DNA của tế bào ung thư được phóng thích vào máu.
Nhờ đó, công nghệ SPOT-MAS giúp tăng khả năng phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và dự báo nguồn gốc của khối u ở các cơ quan như vú, phổi, gan và đại trực tràng. Hiện công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS đang được Gene Solutions đăng ký bằng sáng chế tại tại Hoa Kỳ.
Tầm soát ung thư bằng công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS |
Thấu hiểu được những khó khăn của người bệnh trong việc thực hiện tầm soát sớm ung thư, công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS cho phép tầm soát 4 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam (vú, gan, phổi, đại trực tràng) chỉ với một lần lấy máu. Kỹ thuật này đơn giản, dễ thực hiện tại các point-of-care (các cơ sở chăm sóc y tế tại chỗ, ví dụ như trạm y tế phường, hoặc thậm chí y tá, điều dưỡng có thể lấy máu tại nhà), có độ chính xác cao và không xâm lấn, gây hại cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên cũng nhấn mạnh: “Công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS với những ưu điểm vượt trội là một lựa chọn thay thế khi chúng ta không thể tiếp cận các phương pháp tầm soát truyền thống được khuyến cáo hiện nay. Người bệnh vẫn cần thăm khám chuyên khoa sau khi xét nghiệm để có sự tư vấn đầy đủ nhất. SPOT-MAS sẽ là một cảnh báo sớm vô cùng hữu ích để mọi người có thông tin kịp thời và có kế hoạch chủ động trong việc chăm sóc sức khoẻ của bản thân.”
“Trị lành” cốt yếu là nhờ “biết sớm”. Và viễn cảnh một người bình thường có thể kết hợp tầm soát sớm ung thư trong chương trình khám sức khoẻ định kỳ hằng năm của mình đang ngày càng trở thành thực tế. Nhờ vậy, chúng ta có quyền hy vọng ung thư không còn là một “án tử”, một gánh nặng quá lớn cho bệnh nhân, cho hệ thống y tế và cho cả một quốc gia.
Có thể bạn quan tâm:
Ngày 29/3 Sự kiện Healthcare Summit Nhịp Cầu Đầu Tư 2022: Đúc Vàng cho sức khỏe