Việc giữ gìn và quảng bá bản sắc dân tộc Việt Nam là điều cần thiết. Ảnh: shutterstock.com.
Công dân toàn cầu: Hành trình không dễ dàng
Làm sao để có thể trở thành công dân toàn cầu? Trao đổi với NCĐT, các bạn trẻ đang du học hoặc làm việc ở nước ngoài đều cho rằng phải dám bước ra khỏi vùng an toàn để học hỏi, tiếp thu kiến thức và các nền văn hóa mới. Tuy nhiên, việc giữ gìn và quảng bá bản sắc dân tộc Việt Nam cũng là điều cần thiết.
Nguyễn Lê Đông Hải: Dám bước ra khỏi vùng an toàn
Kết thúc chương trình phổ thông tại Mỹ cũng là lúc Hải nhận “mưa học bổng” và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore. Bên cạnh việc học, Hải đặt mục tiêu trở thành công dân toàn cầu.
Hành trình du học của tôi bắt đầu khi tôi 15 tuổi, lúc tôi rời quê nhà Quảng Ngãi để sang Mỹ theo học bổng toàn phần tại một trường trung học ở Boston. Hành trình trở thành công dân toàn cầu của tôi bắt đầu từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở quê nhà.
Lên cấp 2, được tiếp cận với internet, tôi hiểu nhiều hơn về thế giới bên ngoài. Có khi tôi dành hàng giờ liền say sưa đọc để hiểu hơn về những nền văn hóa khác nhau và các sự kiện toàn cầu trên các trang mạng, Wikipedia. Tôi bắt đầu có nhiều bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau. Khi đó, tôi phải nhờ Google Dịch hỗ trợ vì khả năng tiếng Anh còn kém.
Thực tế, có không ít du học sinh đã chọn cách thu mình, chỉ giao du với các bạn đồng hương, dẫn đến việc sau mấy năm du học, họ lại có vốn tiếng Anh và thế giới quan hạn chế hơn nhiều bạn trong nước. Chỉ ở môi trường nước ngoài thôi là chưa đủ để trở thành công dân toàn cầu, mà cần phải có ý chí dám bước ra khỏi vùng an toàn để mở rộng tư duy và bộ kỹ năng của mình. Vùng an toàn ở đây không đơn thuần là về mặt địa lý mà còn về mặt tư duy và bộ kỹ năng toàn cầu.
Qua việc sáng lập tổ chức Global Association of Economics Education (GAEE) hay làm việc tại World Bank, tôi không chỉ phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa, mà còn học cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu từ nhiều góc nhìn khác nhau. Dù ở bất kỳ đâu, việc trở thành công dân toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải luôn học hỏi, thích nghi và phát triển bản thân không ngừng. Đó là một hành trình không có điểm dừng.
Quang Đỗ: Cần “bổ túc” văn hóa Việt khi bước ra thế giới
Quang Đỗ là quản lý bộ phận Account cho Google phụ trách thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand. Là một người Đức gốc Việt, anh đã thành lập cộng đồng Người Việt ở nước ngoài (OV) với hàng chục ngàn thành viên để giúp người Việt kết nối và tạo ra giá trị cho nhau.
Khác với các công dân toàn người Việt khác, thay vì tìm hiểu văn hóa các nước, tôi phải tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi là Việt kiều Đức và công việc của tôi ở Google là phải nói tiếng Việt với khách hàng, vì tôi phụ trách nhóm khách Việt trong Google. Dù là người Việt, nhưng kỳ thực nói tiếng Việt là một thách thức rất lớn đối với tôi khi vào làm việc cho Google.
Sống ở Đức từ nhỏ nên văn hóa Đức hay các nước phương Tây tôi khá rành. Tôi phải học lại văn hóa Việt, kể cả phong cách làm việc của người Việt để nói chuyện với khách hàng người Việt. Ví dụ, trong một cuộc họp, cách phát biểu của người Việt cũng sẽ khác. Hay trong công việc, khách Việt thường cần phản hồi nhanh hơn khách Tây. Thứ 7 hay Chủ nhật khách vẫn làm việc.
Làm việc cho một công ty toàn cầu như Google, tôi cũng phải có tư duy toàn cầu vì đồng nghiệp của tôi trong Google đến từ nhiều nước khác nhau và tất cả các sản phẩm của Google đều áp dụng cho khách hàng trên toàn cầu. Làm việc trong một công ty toàn cầu vẫn chưa đủ để trở thành một công dân toàn cầu. Mình phải đi nhiều nơi và tiếp xúc, học hỏi nhiều nền văn hóa khác nhau. Tôi cũng đã đi rất nhiều nước. Trong thời gian làm việc ở Singapore, tôi cũng đã học được rất nhiều nền văn hóa. Khi tiếp xúc với bạn bè đến từ nhiều nước, tôi mới nhận ra rằng để trở thành một công dân toàn cầu, chúng ta phải cởi mở hơn với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Lê Trường Giang: Nâng cao năng lực tư duy và thái độ làm việc
Giang có 6 năm du học ở Mỹ và gần 6 năm làm việc tại Singapore. Trước khi vào đại học tại Mỹ, Giang có 2 năm học tại một trường nội trú Mỹ theo học bổng toàn phần.
Một công dân toàn cầu không nhất thiết cần có trải nghiệm học tập và làm việc ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế mở của Việt Nam. Hội nhập thế giới cho phép sự giao thương, tiếp xúc, hợp tác với thế giới bên ngoài ngay cả khi chỉ sống và làm việc ở trong nước.
Tôi cũng từng bị ngợp, khó khăn khi phải thích nghi, đáp ứng với các tiêu chuẩn cao trong môi trường làm việc quốc tế. Điều khó nhất là cân bằng giữa việc giữ thái độ khiêm tốn, cởi mở với những điều mới, mong muốn học hỏi từ những người xung quanh, với việc chứng minh, thể hiện năng lực của bản thân để được tôn trọng.
Việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ và sự hiểu biết về văn hóa, cách suy nghĩ của người bản xứ rất hữu ích trong môi trường làm việc quốc tế. Môi trường quốc tế thúc đẩy tôi khám phá cách suy nghĩ, kỹ năng, giải quyết vấn đề, đối nhân xử thế của các công dân toàn cầu thực thụ, khác với những gì mình trải nghiệm khi lớn lên, từ đó có cơ hội tiếp thu, chọn lọc những điều phù hợp với bản thân, cả trong năng lực/thái độ công việc và các mặt khác của cuộc sống.
Khuất Minh Thu Giang: Cần giữ gìn bản sắc dân tộc
Thu Giang là một trong những người đầu tiên mang Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc về Việt Nam khi mới 17 tuổi. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Giang đã đặt chân đến 17 nước, được thực tập cho Ernst & Young, 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.
Gần 8 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi may mắn có nhiều bước tiến trong sự nghiệp và hiện là luật sư thương mại quốc tế (thuộc Liên đoàn Luật sư Anh và Xứ Wales) đang công tác tại một hãng luật lớn trên thế giới. Nhưng tôi luôn tự hào, gần như là điều đầu tiên giới thiệu về bản thân với bạn bè quốc tế, đối tác và đồng nghiệp rằng “em là người Việt Nam”.
Thời gian làm việc ở London và New York, tôi rất vui khi được chia sẻ về một Việt Nam tươi đẹp, không chỉ có bề dày văn hóa, lịch sử hay nền ẩm thực đã quá nổi tiếng, mà còn những con người chăm chỉ, thông minh, cần cù và cầu tiến. Mỗi bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài như tôi đều mang một niềm tự hào dân tộc lớn theo mình, không chỉ đùm bọc giúp đỡ nhau, mà còn mong muốn là những đại diện của Việt Nam trên biển lớn quốc tế.
Khi thế giới càng đi đến xu hướng toàn cầu hóa, tôi nghĩ rằng giữ gìn bản sắc dân tộc lại càng quan trọng. Chúng ta cần cởi mở để học hỏi, hiểu hơn về các nền văn hóa khác, vì đây là nền tảng cho thương mại quốc tế, trao đổi kiến thức và đàm phán giữa các đất nước khác nhau.
Riêng đối với thế hệ trẻ, các nhân tài, tri thức ở nước ngoài, lòng yêu quê hương, đất nước Việt Nam là kim chỉ nam trong tim để là động lực cố gắng nỗ lực học hỏi ở “biển lớn”. Đa số mong muốn sau khi lĩnh hội được kinh nghiệm, kiến thức ở nước ngoài, được cống hiến cho tổ quốc và quay trở về cội nguồn.