Thanh Hằng Thứ Tư | 10/10/2018 06:30

Con người tự đầu độc mình bằng nhựa

Con người đang đối mặt với thức ăn nhiễm độc từ vi nhựa.

Khi con người quăng rác thải xuống biển, họ nghĩ đám rác đó đã trôi rất xa khỏi cuộc đời họ”, đạo diễn Craig Leeson nói về những điều ông ấn tượng trong quá trình thực hiện bộ phim nổi tiếng A Plastic Ocean, nhưng “thực tế thì không, chúng trở lại dưới hình dáng khác và đe dọa cuộc sống con người”.

Hải sản bị nhiễm độc từ nhựa trôi nổi trong đại dương, chính xác hơn từ vi nhựa (microplastics). Vi nhựa là những mảnh nhựa có kích thước siêu nhỏ như hạt muối (dưới 5mm). Những mảnh vi nhựa là phương tiện chuyên chở ưa thích của chất độc trong đại dương, được thải ra từ các nhà máy công nghiệp.

Con nguoi tu dau doc minh bang nhua
 

Khi động vật biển nuốt vào các mảnh vi nhựa, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể của chúng, tích tụ qua các tầng thức ăn khi cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng “hạ cánh” trên đĩa thức ăn ngon lành của con người. Không những vậy, người ta còn tìm thấy vi nhựa trong nhiều thực phẩm khác như muối biển, nước mưa và mật ong.

Do việc sử dụng nhựa ngày càng tăng của thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 6,3 triệu tấn chất thải nhựa trôi dạt từ các con sông vào đại dương. Con số này tương đương một miếng bánh nhựa có diện tích bằng Argentina, đất nước lớn thứ 8 thế giới và dày 10cm. Một số rác thải nhựa hiện đang nổi trên biển, phần còn lại có khả năng bị vỡ vụn và bị chìm hoặc dạt vào bờ. Đây chính là nguồn sinh ra các hạt vi nhựa thường gặp.

Vi nhựa có trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe như sữa rửa mặt, kem đánh răng. Vi nhựa cũng có thể được phân rã từ rác thải nhựa trôi nổi, vốn rất bền nên không bao giờ biến mất hoàn toàn. Tại Việt Nam, trên sông Sài Gòn, một tỉ lệ đáng kể vi nhựa được tìm thấy là những sợi vải li ti, theo chia sẻ của Tiến sĩ Emilie Strady, chuyên gia nghiên cứu của IRD.

Con nguoi tu dau doc minh bang nhua
 

Strady giải thích những sợi vải vi nhựa này đến từ những nhà máy dệt may quanh thành phố, trôi lơ lửng cùng vô số vi nhựa được phân rã từ rác nhựa hay thậm chí là mút xốp. “Trên sông Sài Gòn, tỉ lệ vi nhựa cao hơn 1.000 lần so với ở những con sông chảy qua các nước phương Tây”, Tiến sĩ Strady cho biết. 

Việc Tiến sĩ Strady nghiên cứu về rác nhựa trên sông Sài Gòn, hay đạo diễn Leeson làm phim tài liệu về đại dương nhựa không phải là chủ định ban đầu của họ, mà xuất phát tự nhiên khi họ đang theo đuổi một vấn đề khác rồi bất chợt nhận ra có quá nhiều rác thải xung quanh mình. 

Con nguoi tu dau doc minh bang nhua
 

Không chỉ vi nhựa, nhựa còn mang theo một mối nguy khác cho con người, đó là chất xúc tác BPA đầy tai tiếng. Nghiên cứu của Centers for Disease Control cho biết có đến 92% người có chất hóa học này trong máu và nước tiểu. Điều gây sốc là trẻ em độ tuổi từ 6-11 có hàm lượng này gấp đôi người lớn. “Từ khi trong bụng mẹ, trẻ em đã trực tiếp “tải” những chất hóa học này vào cơ thể”, đạo diễn Leeson giải thích, vì phụ nữ không có khả năng giải độc khỏi nhựa như nam giới. Thêm vào đó, ngay từ những năm tháng đầu đời, trẻ em đã tiếp xúc rất nhiều với đồ nhựa từ bình sữa, núm nhựa cho đến đồ chơi.

BPA đã bị cấm sử dụng sau khi chất này được phát hiện gây hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, các sản phẩm nhựa được tuyên bố là không có BPA cũng không mấy an toàn hơn, khi các nhà khoa học đã phát hiện ra các chất thay thế cũng có thể gây hại tương đương. 

 “Giảm thiểu rác thải nhựa giúp giảm rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, Tiến sĩ Carel Richter, Tổng Lãnh sự Hà Lan, nhận xét về lợi ích kinh tế của nỗ lực giảm rác thải nhựa, bên cạnh lợi ích khác về chất lượng cuộc sống và sự phát triển của ngành du lịch. “Những người trẻ đặc biệt quan tâm đến môi trường”, cả Tiến sĩ Richter lẫn đạo diễn Leeson đều đồng tình về quan sát này. 

Con nguoi tu dau doc minh bang nhua
 

Vì vậy, giáo dục là một giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề. Việc thay đổi còn cần xuất phát từ chính bản thân và gia đình của mỗi người, như cách đạo diễn Leeson đã thuyết phục cộng đồng bằng bộ phim và hành vi mua sắm hằng ngày của mình. 

“Nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống đến nỗi chúng ta không nhận ra”, Madeleine van Hasselt, đồng sáng lập Rethink Plastic Vietnam, nhận xét. Là 1 trong 5 quốc gia châu Á thải nhiều rác ra đại dương nhất, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hệ thống thu gom và xử lý rác thải; cộng đồng cũng tích cực vận động chiến dịch 3T, tái sử dụng, tái chế và tiết giảm đối với rác thải nhựa. 

“Chúng ta muốn để lại cho con cháu di sản gì?”, câu hỏi mà đạo diễn Leeson đặt ra cũng chính là câu hỏi cho chúng ta suy ngẫm.