Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 19%. Hình ảnh minh họa được tạo từ A.I.

 
Kim Anh Thứ Ba | 22/10/2024 14:37

Cô gái "gom" vàng chờ cưới, trúng đậm nhờ giá tăng

Giá vàng trong nước liên tục tăng cao đã khiến nhiều người “vô tình lãi đậm”.

Chị Mỹ Dung (29 tuổi) ngụ tại TP. HCM vừa chia sẻ về một câu chuyện khá thú vị của mình khi mua vàng. Từ đầu năm 2024, khi có khoản dư từ lương chị đều đặn mua 0,5 chỉ vàng nhẫn và nhờ bố mẹ giữ giùm, nhờ giá vàng tăng cao nên hiện tại khoản tích lũy của chị cũng đã tăng mạnh. Trong tâm trạng đầy hứng khởi khi chia sẻ về câu chuyện mua vàng, chị Dung nói “Mục đích mình mua vàng không phải để tích lũy hay đầu tư, chỉ là mình thích cảm giác khi cưới được đeo vàng đầy tay thôi”. 

Trên thực tế, giá vàng trong nước đã liên tục tăng cao trong thời gian qua. Ngày 21/10, giá vàng miếng SJC đã vượt mốc 88 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 84 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 19%. 

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh trong năm 2024. Ảnh: Webgia.com.
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh trong năm 2024. Ảnh: Webgia.com.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại ngày 21/10 cũng đạt mức lần lượt 84,7 triệu đồng/lượng và 86 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng nhẫn SJC đã tăng lần lượt 37% và 36,5% ở chiều mua vào và bán ra.

Đà tăng của giá vàng vượt qua mức tăng bình quân 14% của VN-Index và gấp nhiều lần so với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân 5-6%/năm trong năm 2024 đã khiến vàng nhận được rất nhiều sự chú ý của thị trường. Có những giai đoạn, người dân xếp hàng từ 3-4h sáng tại các ngân hàng để mua vàng, thời điểm đó có nhiều người còn bật khóc vì không mua được vàng. 

 

Trên thực tế, không chỉ vàng nhẫn, vàng miếng mà các sản phẩm trang sức bằng vàng, chẳng hạn như vòng tay và vòng cổ 24K cũng rất “hút” khách Việt. Đây được xem là những món quà phổ biến dành cho cô dâu Việt Nam trong mùa cưới và trẻ sơ sinh vào ngày sinh nhật đầu tiên của chúng. Thỏi vàng và nhẫn chỉ cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, đặc biệt là vào ngày Thần Tài (mùng mười của năm mới). 

Nghiên cứu người tiêu dùng của Hội đồng Vàng Thế Giới (công bố năm 2021) cho thấy 81% người Việt Nam coi vàng là biện pháp bảo vệ trước sự bất ổn về chính trị và kinh tế. Một số lượng tương tự người tham gia phỏng vấn cho rằng vàng mang lại sự an toàn về tài chính trong dài hạn và phần lớn những người được khảo sát tin tưởng vàng hơn tiền gửi tiết kiệm. 

Vàng đã có chỗ đứng vững chắc từ lâu trong nền kinh tế ASEAN. Năm 2023, nghiên cứu Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế Giới cho thấy hơn 170 tấn vàng đã được tiêu thụ trong khu vực ASEAN. Tại các thị trường khác trong khu vực, bao gồm Indonesia và Malaysia, cầm đồ vàng cũng là một ngành kinh doanh lớn, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. 

Indonesia cũng là nơi có một số nền tảng vàng kỹ thuật số phổ biến tạo điều kiện cho các giao dịch vàng theo mệnh giá nhỏ. Nước này cũng đã ra mắt một nền tảng thanh toán và tiết kiệm dựa trên blockchain, được hỗ trợ bằng kim loại quý bên ngoài hệ thống ngân hàng để tăng cường hòa nhập tài chính vào năm 2021. Ở nhiều quốc gia, vàng vừa có vai trò tài chính vừa có ý nghĩa văn hóa và sự tương tác giữa hai yếu tố này thúc đẩy sự quan tâm của người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm 

Phóng sự ảnh: Siêu trăng lớn và sáng nhất trong năm