Chuyện ít người biết về 'Mặc khách Sài Gòn'
Tác giả Mặc khách Sài Gòn sinh năm 1926 tại Huế, mất năm 2012. Ông viết văn, làm thơ, thổi sáo, ngâm thơ nổi tiếng tại miền Nam những năm 1950 – 1970. Trong thời gian hoạt động nghệ thuật, Tô Kiều Ngân đã chơi thân với nhiều văn nghệ sĩ. Mặc khách Sài Gòn như một loại hồi ký viết về những người nổi tiếng trong giới văn nghệ miền Nam trước 1975.
Người yêu văn chương có thể gặp lại những tên tuổi trong cuốn sách này, như: Nguyễn Vỹ, Lê Thương, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Tạ Tỵ, Bùi Giáng, Mai Thảo, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Phạm Thiên Thư. Nhắc đến những tên tuổi vừa nêu, hẳn người đọc sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm tiêu biểu của họ đã vượt qua sự sàng lọc của thời gian.
Tuy nhiên, Mặc khách Sài Gòn còn cung cấp thêm nhiều thông tin ít người biết về những “mặc khách” từng vắt tim óc cho ra những tác phẩm bất hủ. Ví dụ về Nguyễn Vỹ, nhiều người biết ông qua thơ: “Bây giờ thời thế vẫn thấy khó. Nhà văn An Nam khổ như chó – Gửi Trương Tửu”; hoặc tiểu thuyết Tuấn, chàng trai nước Việt… Nhưng ít người biết Nguyễn Vỹ là một nhà báo dấn thân và sự nghiệp của ông không thua bất kỳ một tác gia nào.
Người dắt Nguyễn Vỹ vào làng báo chính là cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh đã phát hiện và kêu Nguyễn Vỹ viết cho báo Tiếng dân lừng danh một thuở khi Vỹ mới mười sáu tuổi. Năm 1937, Nguyễn Vỹ ra tờ báo in song ngữ Việt – Pháp có tên Bạch Nga, in nhiều bài đả kích thực dân Pháp. Kết cục sau một năm, báo Bạch Nga bị đóng cửa và Nguyễn Vỹ thì ngồi tù. Nhà thơ viết về cảnh tù tội của mình: “Trăng với chó tự do ngoài sân ngục/ Tôi bị giam sau bốn bức tường cao”. Sang thời phát xít Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, Nguyễn Vỹ lại làm báo, viết sách chống phát xít. Kết cuộc là ông lại tiếp tục ngồi tù. Cho đến khi qua đời vào năm 1971 do tai nạn giao thông trên tuyến đường Sài Gòn - Tiền Giang, Nguyễn Vỹ bị phiền hà rất nhiều do ông làm báo chống chính quyền đương thời.
Nhiều người biết nhà thơ Đinh Hùng với nhiều câu thơ in sâu vào trí nhớ, nhưng ai là người phát hiện ra nhà thơ này? Mặc khách Sài Gòn trong bài viết Trời cuối Thu rồi, em ở đâu?, cho biết: “Theo lời Đinh Hùng kể thì hồi mới bắt đầu làm thơ, làm được bài nào anh cũng đưa nhà thơ Thế Lữ đọc và cho ý kiến. Nhưng lần nào Thế Lữ cũng lắc đầu. Mãi đến khi Đinh Hùng đưa ra bài Kỳ nữ, Thế Lữ mới vui vẻ gật đầu, lại khuyến khích nhà thơ trẻ hãy khai thác thế giới sơ khai. Và chính Thế Lữ đã mượn của Đinh Hùng trọn vẹn bài Kỳ nữ in vào truyện Trại Bồ Tùng Linh, khiến cho cái tên Đinh Hùng nổi bật lên từ đó”.
Những thông tin trên về Nguyễn Vỹ, Đinh Hùng và các “mặc khách Sài Gòn” sẽ là nguồn tư liệu quý được viết bởi chứng nhân Tô Kiều Ngân.
Nguồn Thể Thao Văn Hóa