Chuẩn bị cái chết
Ngồi trong văn phòng đằng sau nghĩa trang Aoyama ở Tokyo, Yukihiro Masuda cho biết những ngày này các khách hàng tiềm năng “mở lòng” nói về cái chết đến nỗi ông khuyến khích họ thử nằm trong chiếc quan tài do công ty ông sản xuất. Ông chỉ vào một chiếc quan tài có kiểu dáng rất đẹp, được lót vải sa-tanh trắng và bên ngoài quan tài được trang trí bộ kimono màu đỏ rực rỡ. Bên trong, khi nắp quan tài được đóng lại, thì hoàn toàn tĩnh lặng.
Nói về cái chết vẫn là một điều cấm kỵ đối với một số người Nhật. Nhưng với nhiều người khác, điều cấm kỵ này đã bị phá vỡ. Một bộ phim năm 2008 mang tên Departures mô tả một cách sống động cái đẹp và sự trang nghiêm của nokan, một nghi lễ rửa sạch tội lỗi cho người mới mất, được thực hiện tại nhà, trước khi đặt người mất vào quan tài để hỏa táng. Thành công của bộ phim đã làm tăng mạnh lượng hồ sơ xin làm nghề thực thi nghi lễ nokan. Không lâu sau đó, Tạp chí Weekly Asahi bắt đầu quảng bá cho ý tưởng về shukatsu, tức hành trình chuẩn bị cho cái chết, với hy vọng khơi dậy sự chú ý của người đọc và thu hút các nhà quảng cáo. Và rồi sau đó, thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 đã khiến cho nhiều người Nhật đặt một dấu hỏi lớn: Nếu tôi chết, ai sẽ lo cho đám tang, thu xếp mọi chuyện cho tôi và thực hiện những di nguyện của tôi?
Ẩn dưới những thay đổi lớn về văn hóa đó là đặc thù nhân khẩu học của nước này. Mặc dù người Nhật sống thọ hơn, khỏe hơn, nhưng thế hệ bùng nổ dân số được sinh ra sau Thế chiến Thứ hai đang bắt đầu ra đi tìm về cõi vĩnh hằng, trong khi thế hệ người Nhật trẻ tuổi hơn thì lại có ít con cái hơn. Dân số 127 triệu người của nước này đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ bắt đầu giảm về dưới 100 triệu người vào năm 2050. Năm nay, khoảng 1 triệu người Nhật sẽ được sinh ra và khoảng 1,3 triệu người sẽ qua đời. Đến năm 2040, số người qua đời hằng năm có thể đạt đến 1,7 triệu người.
Ý niệm về việc chuẩn bị cho cái chết đang làm thay đổi “nề nếp” của các gia đình. Xưa nay, con cái sẽ lo hậu sự cho cha mẹ khi mất, còn hàng xóm giúp đỡ thực hiện tang lễ ở nhà. Nhưng giờ ngày càng nhiều người Nhật hơn, đặc biệt ở các khu vực nông thôn thưa thớt dân cư và các thành phố ven biển, giờ đang chờ cái chết trong sự cô độc; hầu như không có ai tiễn đưa họ về thế giới bên kia.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tang lễ và những doanh nghiệp ngoài ngành đang nhận thấy cơ hội kiếm lời từ một thị trường tăng trưởng hiếm hoi trong bối cảnh các thị trường khác ở Nhật đều ảm đạm. Một hội chợ tang lễ lớn ở Tokyo vào tháng 12 năm ngoái, với các cuộc thi thực hiện nghi lễ nokan dùng những người tình nguyện làm xác chết, đã cho cái nhìn thoáng qua về quy mô của ngành trị giá 2.000 tỉ yen (20 tỉ USD) này. Có nhiều thị trường ngách, như các công ty văn phòng phẩm bán sách về “những ghi chú về cái chết”, tức những hướng dẫn liên quan đến những vấn đề thực tế sau cái chết, cũng như về những cảm xúc sâu xa bên trong mà người Nhật có xu hướng giữ cho riêng mình. Những hoạt động kinh doanh chuẩn bị cho cái chết cũng cung cấp các giải pháp thay thế cho những ngôi mộ đắt đỏ, như rắc tro cốt của người mất ở vịnh Tokyo.
Các hãng công nghệ cũng nhảy vào. Cách đây 2 năm, hãng công nghệ Yahoo! Japan đã tung ra Yahoo Ending, một dịch vụ chỉ tốn phí 180 yen mỗi tháng cho đến ngày khách hàng mất. Theo đó, dịch vụ sẽ gửi một email thông báo đến bạn bè và gia đình một khi khách hàng về với thế giới bên kia, một cách nhẹ nhàng đóng tài khoản internet của họ và lập một trang tưởng nhớ họ trực tuyến. Yahoo Ending cũng cung cấp dịch vụ thu xếp đám tang, hoàn thành nghi lễ nhờ một thầy tu người Nhật.
Còn Amazon Japan thì cung cấp một dịch vụ cho thuê thầy tu: chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể thỉnh một thầy tu niệm kinh cho người chết. Aeon, một tập đoàn bán lẻ và cung cấp dịch vụ tài chính Nhật, cũng mở rộng sang lĩnh vực thu xếp đám tang cho nhân viên và mở chi nhánh đầu tiên nhắm đến công chúng trong trung tâm mua sắm ngay cạnh trụ sở Tokyo của Tập đoàn. Fumitaka Hirohara, đứng đầu Aeon Life, bộ phận đám tang của Tập đoàn, cho rằng đó là nơi đầu tiên cung cấp dịch vụ dùng thử quan tài miễn phí vào năm 2011 (lúc mới ra mắt, dịch vụ này đã khiến cho nhiều khách mua sắm qua lại rất ngạc nhiên).
Tuy nhiên, hầu hết các công ty nhảy vào lĩnh vực shukatsu đã không tìm thấy sự tăng trưởng ngoạn mục như họ kỳ vọng. Không có nhiều người già đăng ký dịch vụ Yahoo Ending vì lý do đơn giản là họ không phải là người hay dùng các dịch vụ internet. Còn người trẻ tuổi ở Nhật thì không thích bị tính phí hằng tháng cả đời như thế. Kết quả là Yahoo! Japan đã đóng cửa dịch vụ hồi tháng 4 vừa qua. Sau đó, Tập đoàn nhận ra mảng kinh doanh tang lễ cũng không khác gì các công ty khác ở Nhật: chỉ kiếm được biên lợi nhuận rất mỏng trong một thế giới cạnh tranh. Dù số đám tang đang tăng lên, nhưng chi phí trung bình, từng ở trên mức 2 triệu yen, lại đang giảm xuống do giảm phát và cạnh tranh cũng khốc liệt như những ngành khác.
Trong những năm bùng nổ đến đầu thập niên 1990, các công ty tang lễ đã tính phí “kiểu gì cũng được” và chẳng mấy ai than phiền về điều đó. Các doanh nghiệp thường thanh toán cho đám tang xa xỉ của các nhà điều hành và gửi nhân viên đến than khóc tại những đám tang của các khách hàng quan trọng, cho dù nhân viên chẳng biết gì về những vị khách hàng đó. Giờ các công ty lại bị kẹt tiền và lòng trung thành giữa công ty và nhân viên cũng suy giảm. Một lý do nữa là ngày càng nhiều người Nhật chỉ muốn một đám tang đơn giản giữa người thân và bạn bè của họ.
Theo Masuda, các công ty tang lễ truyền thống cố kiếm tiền từ các dịch vụ cộng thêm đắt đỏ, như những chiếc xe tang đẹp hay một đĩa DVD về đám tang. Nhưng khách hàng ngày càng không muốn chúng. “Các công ty không lắng nghe những gì khách hàng muốn. Họ chỉ muốn cung cấp những gói dịch vụ tang lễ giống như trước”, ông nói.
Thay vào đó, Masuda cho biết, các công ty cần giữ mức giá thấp (một gói dịch vụ tang lễ giờ chỉ tốn chưa tới 500.000 yen) và phải tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của họ. Công ty của ông, WillLife, cung cấp một dịch vụ thân thiện với môi trường. Quan tài được làm từ các tấm carton cứng, vốn được sử dụng trong ngành bao bì. Mặc dù cần nhiều dầu hỏa (70 lít) để hỏa táng bằng với lượng gỗ, nhưng Công ty đồng thời cũng trồng cây ở Mông Cổ như một sự bù đắp cho lượng carbon thải ra môi trường.
Tuy nhiên, Masuda cho biết quan tài bằng gỗ dán từ Trung Quốc có thể rẻ tới 1/3 so với quan tài làm bằng carton của ông. Nỗi lo “giá Trung Quốc” đã hiện diện ở cả cái chết tại Nhật, chứ không chỉ những lĩnh vực khác.
Thế Sơn
Nguồn The Economist