Hiện đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả 2.

 
Hà Cúc Chủ Nhật | 21/01/2024 07:30

Chọn giá đúng cho carbon

Thị trường carbon Việt Nam đang hình thành nhưng bán carbon giá nào vẫn là câu hỏi lớn.

Thị trường carbon hoạt động sôi động khi nhiều tập đoàn lớn đặt mục tiêu không phát thải carbon và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Để có thể trung hòa carbon, các công ty có 2 lựa chọn: hoặc giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0, hoặc giảm lượng khí thải carbon ở mức tối đa và cân bằng lượng khí thải thông qua bù đắp bằng việc mua tín chỉ carbon.

Được giá hay bán lúa non?

Hiện đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả 2. Đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỉ tấn CO2.

Việt Nam cũng đang xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để thí điểm vào năm 2025, tiến tới vận hành chính thức vào năm 2028. Theo Intraco Vietnam, hiện có 175 chứng chỉ carbon dựa trên 300 phương pháp luận được phê duyệt bởi 27 tiêu chuẩn carbon như UNFCCC (Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), Tiêu chuẩn Chứng nhận Carbon (Verified Carbon Standard - VCS)...

Intraco còn lạc quan đánh giá Việt Nam vượt xa Thái Lan về số lượng dự án carbon và từng đứng thứ 4 thế giới. Đó là vì rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Dù Việt Nam chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức nhưng hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang tấp nập triển khai. Mới đây, lần đầu tiên, tỉnh Quảng Bình thu được hơn 80 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon của rừng. Số tiền này gần bằng nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh này năm 2023.

Đây chỉ là khoản thu đầu tiên trong tổng số 235 tỉ đồng mà Quảng Bình được chi trả sau khi chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn carbon trong giai đoạn 2023-2025. Diện tích rừng từ dịch vụ bán tín chỉ carbon là 469.317 ha trong tổng số gần 600.000 ha rừng tự nhiên. Số tiền thu được sẽ chi trả cho đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và ủy ban nhân dân xã); còn lại sẽ được trích lại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình.

Từ ví dụ của Quảng Bình, nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Thực tế, Việt Nam vừa chuyển giao xong tín chỉ 10,3 triệu tấn CO2 cho World Bank, thu về gần 1.250 tỉ đồng. Có thể thấy, càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh thì càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành nguồn lợi bền vững cho người dân. Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Năng Hùng, quản lý cao cấp của Công ty Năng lượng tái tạo Reteck, lưu ý rằng thị trường tín chỉ carbon tự nguyện của Việt Nam đang “bán lúa non” với giá rẻ từ 3-9 USD/tấn carbon, chủ yếu là các chủ rừng bán tín chỉ carbon rừng.

Theo ông Hùng, giá mặt bằng toàn cầu tín chỉ carbon hiện có thể lên đến 50-70 USD/tấn, thậm chí ở châu Âu lên đến 80-90 EUR/tấn. Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN, cũng cho rằng Việt Nam phải dự báo được bằng định lượng để khi có thị trường giao dịch carbon, doanh nghiệp không vội bán ra bên ngoài để tránh tình trạng khi trong nước cần lại phải nhập khẩu giá cao hơn.

 

Giá chuẩn cho tín chỉ carbon

Nhiều tiếng nói trên thị trường thế giới cũng cho rằng mức giá carbon chỉ dưới 5 USD/tấn đang đi theo hướng “tẩy rửa xanh”. Vấn đề này đặt ra câu hỏi giá chuẩn nào cho tín chỉ carbon? Thực tế, giá carbon tiêu chuẩn toàn cầu không được ấn định tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 diễn ra ở Dubai. Carbon được tính đến những tác động bên ngoài có nghĩa là tính đến mọi thứ, từ việc mất nguồn lợi ven biển, năng suất nông nghiệp cho đến những cái chết do sóng nhiệt gây ra... Theo đó, “chi phí xã hội” của carbon được ước tính thông qua mô hình hóa. Những mô hình này phải đưa ra các giả định như mức độ tổn thất trong tương lai sẽ được giảm thiểu và phải làm gì đối với sự không chắc chắn của các ước tính về thiệt hại do khí hậu. Các giả định khác nhau mang lại chi phí rất khác nhau.

Ví dụ, ở Mỹ, chi phí - lợi ích xã hội của nguồn cung cấp carbon được sử dụng để tính cho tiêu chuẩn nhiên liệu. Chính phủ Mỹ hiện tính 51 USD cho mỗi tấn carbon (hoặc đối với một lượng khí nhà kính khác gây ra hiện tượng nóng lên tương tự). Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ tiếp cận mô hình hóa theo một cách khác nên chi phí sẽ tăng lên 190 USD. Trong thời chính quyền Donald Trump, khi chỉ xem xét chi phí đối với những người Mỹ, nó đã giảm xuống còn 5 USD. Còn chính quyền Tổng thống Joe Biden ước tính “chi phí xã hội” của carbon khoảng 200 USD/tấn.

Chi phí xã hội của carbon chỉ là danh nghĩa, đôi khi mang tính hệ quả. Các chi phí được tính trong những chương trình định giá carbon thường đặt ra mức trần phát thải từ một lĩnh vực nhất định, sau đó phân phối (thường thông qua đấu giá) giấy phép phát thải tương đương với mức trần đó. Sau đó, các công ty sẽ trao đổi giấy phép trong một “thị trường tuân thủ”.

Thị trường carbon vận hành theo cách định giá là tìm những người sẵn sàng được trả tiền để không phát thải, từ đó “bù đắp” lượng phát thải của những người phát thải. Điều này có nhiều nhược điểm và 2 sai sót cơ bản. Một là việc đền bù là tự nguyện. Thứ 2, lượng khí thải bù đắp dù sao vẫn là khí thải. Loại bỏ carbon tránh được vấn đề thứ 2. Nếu 1 tấn CO2 được loại bỏ khỏi khí quyển ở một nơi cùng lúc với 1 tấn CO2 khác được thải ra ở một nơi khác, thì tác hại gây ra gần như bằng 0. Thật không may, chi phí loại bỏ carbon hiện nay cao hơn rất nhiều so với chi phí xã hội của carbon trong các chương trình mua bán phát thải.

 

Một số lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch định giá carbon nội bộ giúp họ cắt giảm lượng khí thải và làm rõ tác động của chi tiêu vốn và các hoạt động kinh doanh khác đối với hành tinh. Tuy nhiên, các công ty này vẫn chưa thống nhất mức giá carbon nào sẽ thúc đẩy hành động cắt giảm khí thải. Theo Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel của Đại học Columbia, các công ty đang sẵn sàng cho thực tế rằng chi phí carbon là điều cần thiết. Tuy nhiên, họ đứng trước sự lựa chọn không hề dễ dàng vì sử dụng mức giá carbon cao có thể làm thay đổi đáng kể kế hoạch đầu tư, nhưng nếu sử dụng mức giá carbon thấp thì lại có thể bị cáo buộc là tẩy rửa xanh.