Chợ Bến Thành. Ảnh: Quý Hòa

 
Thanh Hương Thứ Bảy | 02/02/2019 08:00

Chợ truyền thống dịch chuyển

Ở mỗi thành phố, dù ở bất kỳ quốc gia nào, luôn tồn tại những không gian vui tươi, nhộn nhịp, đầy màu sắc văn hóa.

Đi chợ dường như là nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình ở Việt Nam. Dẫu qua bao thăng trầm lịch sử nhưng hình ảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của các chợ vẫn diễn ra hằng ngày, dọc theo chiều dài hình chữ S.

Nét văn hóa chợ người Việt đa dạng
Những khu chợ Bến Thành ở Sài Gòn, Đồng Xuân ở Hà Nội, Đông Ba ở Huế hay chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ đã ghi sâu vào lòng người như một nét văn hóa riêng khi nhắc đến mỗi vùng miền. Qua thời gian, những khu chợ này vẫn không thay đổi mấy và luôn đọng lại trong ký ức của mỗi người khi đã đặt chân đến.

Mặc dù trong xu hướng tiêu dùng hiện đại, Việt Nam ngày càng có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng. Nhiều lo ngại về sự tồn tại của chợ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các chợ truyền thống vẫn đóng vai trò lớn trong hoạt động mua sắm buôn bán của người dân.

Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước hơn 60-70% nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trong khi đó, các mô hình bán lẻ hiện đại (vốn chỉ mạnh tại các vùng đô thị) thực ra mới chiếm khoảng 30-40% thị phần bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng chợ truyền thống ở TP.HCM đang có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu như năm 2005 có trên 300 chợ, cho đến cuối năm 2017 chỉ còn khoảng 240 chợ, trong đó có 38,2% chợ “lớn tuổi” xây dựng trước năm 1975 đang xuống cấp.

Trước hết, phải thấy rằng hạ tầng của chợ An Đông đã xuống cấp từ lâu. Mặt tiền chợ nhếch nhác, các sạp hàng bên trong lồng chợ cũ kỹ, nóng bức và thấm dột... Mặc dù các tiểu thương chợ đã đóng góp 217 tỉ đồng để sửa chữa chợ nhưng tình hình sửa chữa chỉ đáp ứng được một phần kỳ vọng của tiểu thương. Nhiều khu chợ lâu đời tại TP.HCM cũng cần tu sửa.

Còn tại Hà Nội, nhiều chợ nổi tiếng đã biến mất, thay vào đó là những tòa nhà hỗn hợp giữa trung tâm thương mại và chợ. Sự tích hợp này đang khiến những khu chợ truyền thống vốn rất nổi tiếng, như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam, chợ Trung Hòa... giờ chỉ còn trên danh nghĩa.

Cho truyen thong dich chuyen
 

Điển hình chợ Hàng Da đã hoạt động cách đây khoảng 30 năm. Chợ luôn hoạt động tấp nập, là nơi bán buôn, bán lẻ với đủ mọi mặt hàng. Từ năm 2008, chợ Hàng Da được xây dựng tích hợp theo mô hình “Chợ - Trung tâm thương mại”. Sau đó, khu chợ sầm uất một thời giờ vắng hoe, nhiều gian hàng bắt buộc phải đóng cửa.

Ông Steve Davies, chuyên gia nghiên cứu về việc phát triển chợ với 25 năm kinh nghiệm và đã tham gia vào công cuộc cải tạo nâng cấp hơn 500 chợ trên toàn thế giới, chia sẻ: “Hà Nội có khoảng 60 chợ dân sinh không phải là một con số ít, nhưng hầu hết các chợ đều trong tình trạng tồi tệ, xập xệ”.

Hầu hết chợ tại các tỉnh thành khác cũng xập xệ và dần vắng khách. Chợ Đông Ba (Huế) được xây dựng từ thời vua Đồng Khánh năm 1899 là điểm đến của nhiều du khách quốc tế nhưng đến nay rất nhếch nhác.

Cách đây khoảng 5 năm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế từng đưa ra giải pháp cải tạo và xây mới chợ nhưng do chưa thống nhất được lợi ích giữa chủ đầu tư và tiểu thương nên đến nay vẫn chưa cải tạo. Sau khá nhiều công trình được xây dựng kết hợp kiểu mô hình “chợ - trung tâm thương mại” thất bại, đến nay nhiều dự án đã dừng lại như chợ Tân Bình tại TP.HCM, chợ Thành Công, chợ 19/12 tại Hà Nội...

Người Mỹ thèm chợ Việt 
Hầu hết các thành phố của nước Mỹ đã đóng cửa hoặc phá bỏ chợ dân sinh của họ trước hoặc ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi mà siêu thị bùng nổ. Nhưng nay, các chợ dân sinh ở Mỹ đang gia tăng trở lại và ngày càng được ưa thích bởi những lợi ích mà họ đã bỏ qua. Trong khi đó, hàng loạt các trung tâm thương mại ở Mỹ lại liên tục đóng cửa.

Cho truyen thong dich chuyen
Chợ Nổi Cần Thơ

Ông Steve Davies chia sẻ, theo thời gian, họ đã nhận ra tầm quan trọng của những khu chợ như là một không gian công cộng, một nơi quảng bá sản phẩm địa phương, hay đơn giản là một không gian mang lại sinh khí cho khu dân cư xung quanh thông qua các hoạt động và sự kiện cộng đồng. Không những thế, những khu chợ có thể tạo công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của vùng.

Ở mỗi thành phố, dù ở bất kỳ quốc gia nào, luôn tồn tại những không gian vui tươi, nhộn nhịp, đầy màu sắc. Đó là những khu chợ truyền thống rất đời thường, thật thà và gần gũi. Văn hóa chợ phản ánh rõ nét văn hóa của từng địa phương nên luôn trở thành điểm nhấn trong các điểm đến du lịch.

Không chỉ ở Mỹ, nghiên cứu gần đây của Đại học Adelaide (Úc) cũng cho thấy người dân nước này mua hàng ở các chợ thực phẩm vì sự tươi ngon, giá cả thấp và linh hoạt. Mặc dù các trung tâm thương mại mọc lên như nấm nhưng ở hầu hết các nước, khu chợ truyền thống vẫn có một vị thế riêng.

Khá nhiều chợ truyền thống nổi tiếng ở các nước vẫn còn tồn tại và phù hợp thời hiện đại như chợ nông sản Union Square ở New York, Mỹ; chợ Mercat de Sant Josep de la Boqueria ở Tây Ban Nha; chợ cá Tsukiji ở Tokyo, Nhật; chợ  St. Lawrence ở Toronto, Canada; chợ Or Tor Kor ở Bangkok, Thái Lan...

Theo ông Steve Davies, trên thế giới, người ta hiện đại hóa các khu chợ với những kết cấu, hạ tầng, điện nước, quầy hàng và tiện ích cho khách hàng. Nhưng đó vẫn phải là những khu chợ và giữ được các chức năng hoạt động cơ bản và bản sắc.

Cho truyen thong dich chuyen
Chợ Hội An

Sau một thời gian khảo sát, vừa qua, ông Steve Davies và đội ngũ đã đến Hà Nội và đưa ra dự án cải tạo 3 chợ là chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Đình) và chợ Hạ (huyện Mê Linh).

Trong suốt dự án, các kiến trúc sư không chỉ đưa ra những thiết kế giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn, mà còn được đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ của cộng đồng xung quanh đối với khu chợ, như việc dễ dàng tiếp cận dành cho người tàn tật và người già; đưa ra các đề xuất để giúp tiểu thương giữ vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vận hành gian hàng được hiệu quả. Dự án được kỳ vọng giúp Hà Nội giữ lại được chợ truyền thống nhưng vẫn hiện đại phù hợp với môi trường và tiện ích cho người tiêu dùng.

“Tôi bảo với mọi người rằng, người Mỹ mong muốn những gì mà người Việt Nam đang có”, ông Steve Davies chia sẻ.