Chia sẻ lưu trú: Đâu cũng là nhà...
Anh Nguyễn Hải Đăng, nhân viên văn phòng quận 3 (TP.HCM) vừa có chuyến du lịch dài ngày ở Mỹ. Anh thuê một căn phòng ở Mỹ với mức giá rất hời: 102USD cho 3 đêm. Do chỉ là phòng cho thuê, cơ sở vật chất bình thường nhưng Đăng cho rằng mức giá đó vẫn rẻ. Một điểm lợi khác, theo anh Cù Đình Kiên, du học sinh ở Úc, chính là tính tiện lợi, rất nhiều chỗ thuê nằm gần thành phố với mức giá hấp dẫn và dĩ nhiên là rẻ hơn rất nhiều so với các khách sạn gần khu trung tâm.
Khởi đầu của Airbnb
Nếu Kiên hay Đăng đi du lịch nước ngoài 10 năm trước, họ sẽ không bao giờ có được các lựa chọn với giá tốt như vậy. Sự tiện lợi của họ đến từ mô hình kinh tế chia sẻ mang tên Airbnb.
Airbnb (AirBed and Breakfast) được thành lập bởi Joe Gebbia và Brian Chesky vào năm 2007 ở San Franciso (Mỹ). Cả hai lúc đó đều 27 tuổi và đang vật lộn để trả tiền thuê chỗ ở. Năm ấy, có một hội nghị thiết kế tổ chức ở San Francisco và tất cả các phòng đều được đặt. Thế là Joe và Brian nghĩ đến việc cho thuê phòng của họ và nấu bữa ăn sáng cho những vị khách đến tham dự hội nghị.
Phi vụ đầu tiên thành công tốt đẹp khiến Joe và Brian nghĩ đến việc phải làm một website cho thuê phòng với số lượng lớn. Năm 2008, cơ hội đến với Airbnb khi cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama có buổi nói chuyện tại Denver, thu hút gần 80.000 người. Phòng lại thiếu và Airbnb đã có được 800 người trong danh sách. Nhưng những người sáng lập không kiếm được tiền vì chưa có chính sách tính phí hoa hồng khi đặt phòng qua Airbnb, họ kiếm sống bằng cách bán... ngũ cốc cho khách thuê phòng.
Một năm sau, Airbnb nhận được 20.000 USD từ nhà đầu tư cá nhân Paul Graham và nối tiếp các quỹ tham gia. Năm 2012, Công ty gọi được hơn 100 triệu USD và có 10 triệu lượt đặt phòng. Chi nhánh mọc lên khắp châu Âu, Sao Paulo và Ấn Độ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Airbnb gọi vốn thành công thêm 1 tỉ USD. Như vậy, sau 10 năm thành lập, Airbnb gọi vốn được 3 tỉ USD và được định giá hơn 30 tỉ USD.
Chưa có hồi kết
Sức mạnh lớn nhất của internet là thông tin. Sự thành công của Airbnb nhanh chóng được lan rộng và thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp có mô hình tương tự. Không có gì ngạc nhiên khi Thái Lan, quốc gia có đóng góp từ ngành du lịch lên đến 10% GDP, có mặt trong danh sách. Favstay, doanh nghiệp có mô hình như Airbnb, đã gọi được 2,9 triệu USD từ chuỗi khách sạn cao cấp Dusit International. Ở Việt Nam cũng có đại diện là Luxstay, được đầu tư vòng hạt giống bởi quỹ Nhật Genesia Ventures.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Airbnb ở châu Á phải kể đến các đối thủ ở Trung Quốc. Sơ suất lớn nhất của Airbnb có lẽ là đặt văn phòng ở Trung Quốc khá chậm (mới mở chi nhánh khoảng đầu năm 2017). Trong khi đó, đã có rất nhiều công ty Trung Quốc sao chép mô hình kinh doanh của họ và gọi được hàng trăm triệu USD đầu tư và giành được sự trung thành của người dân ở đây. Điển hình như Xiaozhu, doanh nghiệp có trụ sở ở Bắc Kinh, còn cung cấp cả dịch vụ người giúp việc bán thời gian cho các chủ hộ. Thành lập vào năm 2012, có trụ sở ở Bắc Kinh, tính đến nay, Xiaozhu đã huy động vốn đến vòng thứ tư và được định giá hơn 300 triệu USD.
Ông Raymond Chang, giảng dạy bộ môn khởi nghiệp tại Đại học Yale, cho rằng, ở Mỹ, thói quen mở cửa nhà riêng cho khách là chuyện bình thường, nhưng ở Trung Quốc thì có rất nhiều rào cản văn hóa - xã hội phải vượt qua. “Nếu đưa nguyên mô hình Airbnb vào Trung Quốc sẽ không có hiệu quả”, ông Chang nói. Đồng quan điểm, ông Natavudh Moo Pungcharoenpong, đồng sáng lập Favstay, cho rằng rất vô lý khi nghĩ rằng mọi quốc gia đều có cùng tính chất trong kinh doanh, ngược lại phải có cách tiếp cận phù hợp cho từng thị trường. Chính động lực này đã thúc đẩy ông Moo đưa Favstay ra Đông Nam Á, bất chấp Airbnb đang tăng cường sự hiện diện ở châu Á.
Theo khảo sát mới đây của Morgan Stanley, 49% người được hỏi cho biết sẽ chọn Airbnb thay cho khách sạn truyền thống trong những chuyến đi chơi hay công tác của mình. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, cho rằng chỉ trong năm tới, Airbnb sẽ trở thành mối đe dọa với các hệ thống khách sạn, nhất là phân khúc tầm trung vì có cùng đối tượng khách hàng. Hiện có khoảng 6.500 cơ sở tại Việt Nam tham gia kiếm tiền từ trang web này, tính đến giữa năm 2017.
Các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ như Airbnb đang hút một lượng lớn dòng tiền từ các doanh nghiệp truyền thống. Báo cáo gần đây HVS Consulting & Valuation về ảnh hưởng của Airbnb với ngành khách sạn chỉ riêng thành phố New York đã khiến các ông chủ khách sạn phải ngỡ ngàng.
HVS ước tính rằng năm 2018 sẽ có 5 triệu lượt đặt phòng ở Airbnb và các khách sạn sẽ thiệt hại khoảng 450 triệu USD mỗi năm. Một thống kê của HVS chỉ ra rằng, cứ mỗi 10% quy mô thị trường Airbnb tăng thêm sẽ làm giảm doanh thu ngành khách sạn từ 2-3%.
Khi không có khách hàng sử dụng các dịch vụ của khách sạn, thì đâu đó khoảng 2.800 người sẽ mất việc tương đương với việc thành phố New York phải giải quyết lượng việc làm có giá trị hơn 200 triệu USD. HVS ước tính ngành công nghiệp khách sạn và thành phố New York sẽ mất 2,1 tỉ USD mỗi năm vì Airbnb.
Không quá ngạc nhiên khi New York là thành phố đầu tiên khởi kiện Airbnb. Theo Reuters hồi năm 2016, một luật mới ở đây đã ra đời nghiêm cấm việc cho thuê lại căn hộ nếu chủ nhà đi vắng hơn 30 ngày, thậm chí là cấm luôn việc quảng cáo mô hình chia sẻ phòng trọ.
Chưa dừng ở đó, Airbnb cũng vướng vào trận chiến pháp lý với chính quyền thành phố San Francisco, nơi khai sinh của mình. Vì một lý do nào đó, chính quyền thành phố này đã ra một luật mới yêu cầu Airbnb không được nhận tiền dịch vụ nếu các chủ nhà không đăng ký với thành phố. Chính quyền các nước cũng tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Airbnb vì cho rằng họ là cội nguộn cho trào lưu cho thuê khách sạn “chui”. Điều này làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đăng ký, thất thu thuế cho địa phương và gây ra bất ổn xã hội ở các nơi cho thuê khi có lượng lớn khách vãng lai lui tới. Nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Airbnb bỏ cuộc. Họ vẫn đang kháng án khắp nơi vì các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ hiểu rõ pháp lý mới là rào cản lớn nhất mà họ phải vượt qua