Chết vì 'quần áo mới' ở Bangladesh và bi kịch Rana Plaza
Rất nhiều người còn mắc kẹt trong gạch thép của tòa nhà cao tầng Rana Plaza - 'bản doanh' của một số nhà máy may mặc ở Dhaka, Bangladesh. Ngày thứ Tư vừa qua, số liệu gần đây nhất ước tính có khoảng 300 người chết và hơn 1.200 người khác bị thương trong vụ sập tòa nhà này.
Chính phủ Bangladesh tổ chức một ngày quốc tang vào ngày thứ Năm sau đó, con số người chết tiếp tục tăng khi càng ngày người ta càng tìm thấy các thi thể mới.
Trang web điện tử của New Wave cho biết họ cung ứng chủ yếu cho các nhà bán lẻ Hoa Kì và Âu châu. Ethar nói công ty này sản xuất quần áo cho chuỗi siêu thị Walmart. Những công ty còn lại vẫn im hơi lặng tiếng từ sau thảm họa này. Duy nhất có công ty Britan's Primark tự động thừa nhận rằng họ đang vận hành một nhà máy ở tòa nhà Rana Plaza.
Tuy nhiên, những gì đáng được nhìn nhận lại không được đề cập đến lúc hậu sự này - đó là thực tế tàn khốc của nền thương mại toàn cầu: nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thời trang ở mức giá hợp lí tại các nền kinh tế phát triển, công nhân may mặc lương thấp ở các nước như Bangladesh phải lao động quần quật trong môi trường nguy hiểm, đôi khi thiệt mạng.
Quan chức Bangladesh cho biết tòa nhà Rana đã có dấu hiệu nứt vỡ trong ngày thứ Ba, nhưng chủ tòa nhà, Sohel Rana, một đảng viên lãnh đạo địa phương thuộc Đảng Awami League cầm quyền, lên tiếng phủ nhận vì cho rằng 'không có gì nghiêm trọng'. Các nhà hoạt động xã hội khẳng định bi kịch lẽ ra đã có thể tránh được nếu đội ngũ nhân viên trong Rana Plaza liên kết chống lại lệnh bắt làm việc từ các người quản lí.
'Mấy ông chủ bắt chúng tôi phải quay về tiếp tục làm việc, và chỉ 1 giờ sau khi chúng tôi bước chân vào nhà máy, tòa nhà đổ sập ầm ầm', một nạn nhân sống sót nói với báo Time. Người phụ nữ này đã cố tìm chồng mình, cũng là công nhân làm việc trên tầng 4 của tòa nhà.
Brad Adams, Giám đốc châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch, trong một bài viết đăng trên website của tổ chức này, cho biết, 'Chính phủ, các ông chủ địa phương và ngành may mặc quốc tế trả cho công nhân may mặc mức lương thấp nhất thế giới, nhưng lại không hề có biện pháp phòng vệ nào để đảm bảo an toàn công nghiệp cho những người phải may quần áo cho cả thế giới'.
Cáo buộc đang quay vòng quanh tòa nhà được xây dựng trên vùng đất từng là đầm lầy và chỉ được phép xây 6 tầng thay vì 'độn' lên 8 tầng như thời điểm trước khi bị sập.
Khoảng 4 triệu công nhân đang làm việc trong 4.500 nhà máy may mặc Bangladesh. Ngành may mặc chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu trị giá 24 tỉ USD của Bangladesh - nước xuất khẩu đồ may mặc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy vậy lương ở đây vẫn thấp 'lẹt đẹt' ở mức 37 USD/tháng/công nhân trong 1 ca làm việc 15 giờ, điều kiện làm việc 'lau mồ hôi liên tục'.
Hiện tượng những tòa nhà đổ sập đang trở thành chuyện thường thấy, đặc biệt là ngay tại thủ đô đông đúc của Bangladesh, người ta thường lờ đi các điều luật về xây dựng. Ước tính trong thập kỉ qua, đã có khoảng 500 người chết trong thảm họa đổ sập tương tự; 73 công nhân khác cũng thiệt mạng trong một vụ sập nhà máy may mặc ở Savar, năm 2005.
Vụ sập tòa nhà thương mại Rana Plaza đã gợi lại những kí ức đau buồn về vụ hỏa hoạn tháng 11, tại nhà máy may mặc Tazreen, Ashulia, một vùng ngoại ô khác của Dhaka, cướp đi sinh mạng của 112 người. Việc né tránh các qui định về an toàn lao động công nghiệp một lần nữa là nguyên nhân chính của bi kịch, khiến biểu tình nổ ra ngay sau đó. Các nhà bán lẻ như Walmart, Gap và Disney bằng cách này hay cách kia, đã đảm bảo cho sản phẩm của họ vẫn được sản xuất tại những nơi mà qui định về điều kiện an toàn công nghiệp của công nhân đang giảm đến mức chạm đáy nguy hiểm.
Bi kịch mang tên Rana Plaza một lần nữa gióng lên hồi chuông đòi những hành động tích cực từ phía chính quyền Bangladesh.
Bangladesh đang thụ hưởng lợi ích từ Hệ thống Thuế quan Phổ Quát Hoa Kì (GSP), khuyến khích tăng phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển bằng cách cho phép nhập khẩu miễn thuế. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, nhiều nhóm cổ động đã yêu cầu thu hồi lợi ích GSP của Bangladesh do lo ngại xoay quanh điều kiện làm việc tồi tệ tại nước này. Dan Mozena, đại sứ Mỹ ở Bangladesh, người từng đấu tranh giữ lợi ích GSP tại quốc gia Nam Á, thừa nhận trong ngày thứ Năm rằng 'bi kịch gần nhất tại Bangladesh sẽ tác động lớn đến tranh luận hiện tại'. 'Đó là một ngày kinh khủng, buồn. Tôi thực sự thấy tiếc', ông nói.
Nhiều công xưởng dệt may tại Dhaka và các vùng ngoại ô hiện đang trì hoãn sản xuất do biểu tình của công nhân dệt may nổ ra vào ngày thứ Năm. Các công nhân có vũ trang giận dữ khóa toàn bộ các tuyến đường cao tốc và đập vỡ cửa kính của một số nhà máy.
Chủ tòa nhà Rana Plaza, cùng một số giám đốc điều hành và chủ tịch của các nhà máy khác hiện đang lưu trú ngay trong tòa nhà. Họ bị triệu tập tại Hội đồng Tối cao Bangladesh cho đến hết ngày 30/4, chính phủ cũng vào cuộc trong điều tra của tòa án.
Người tiêu dùng hay các tín đồ thời trang trên thế giới sẽ không bị triệu tập, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, các hãng thời trang bán lẻ yêu thích cũng chịu trách nhiệm luân lý trong bi kịch Rana Plaza.
Nguồn Time