Chàng trai gốc Việt và tham vọng thay đổi ngành đồ ăn nhanh nước Mỹ
Tri Tran đang ngồi trong văn phòng làm việc nằm trên tầng 3 của một tòa nhà từng là một nhà kho ở San Francisco. Sinh ra ở Việt Nam và sang Mỹ cùng bố mẹ từ khi còn nhỏ, hiện anh là một doanh nhân hoạt động ở thung lũng Silicon.
Munchery là một trong số hàng tá công ty công nghệ khởi nghiệp trên toàn thế giới đang cố gắng phục vụ bữa ăn cho mọi người chỉ thông qua một cú chạm nhẹ trên các thiết bị di động. GrubHub ở Mỹ, Just Eat ở châu Âu và Ele.me ở Trung Quốc, có thể kể đến một vài cái tên kết nối người sử dụng Internet với các nhà hàng và thực đơn phục vụ tận nhà. Những người chỉ trích nhạo báng rằng đây là “đồ ăn lười biếng”, nhưng ở Munchery có sự khác biệt. Hãng chế biến và phân phối thực phẩm theo cách có lợi cho sức khỏe.
Hiện đang hoạt động ở 4 thành phố - San Francisco, Los Angeles, New York và Seattle, Munchery có bếp ăn công nghiệp ở mỗi thành phố. Trong một buổi chiều ở San Francisco, các đầu bếp và phụ tá đội mũ trắng và đeo găng tay sạch sẽ đang đặt những miếng cá hồi nướng lên trên cơm gạo lứt. Món này được phục vụ cùng với cà rốt và đậu nành Nhật Bản, có giá 10,99 USD. Bạn có thể chọn thịt lợn ba chỉ ăn kèm với bánh bao nhân nho cùng cải bắp cắt nhỏ và củ cải trắng với giá 10,95 USD. Có khoảng hơn 20 lựa chọn thân thiện với trẻ em với những món ăn được nấu trong những chiếc nồi đang sủi lăn tăn hoặc những lò nướng công nghiệp không gỉ có giá tới 50.000 USD một chiếc có thể điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm chính xác.
Khi được nấu xong, món ăn được cho vào phòng đông lạnh, đóng gói trong những chiếc hộp ủ và chất lên xe tải để phân phối. Khách hàng có thể hâm nóng chúng chỉ trong 2 phút bằng lò vi sóng.
Munchery đã phục vụ hơn 3 triệu bữa ăn kể từ khi Tran và người bạn Conrad Chu phục vụ bữa ăn đầu tiên vào năm 2010. Công ty này đã gọi vốn được 115 triệu USD, và Tran nói rằng Munchery hiện là công ty lớn nhất cung cấp các bữa ăn tươi trong 4 thành phố mà họ đang hoạt động. Dù bí mật về kế hoạch mở rộng, anh vẫn chia sẻ hi vọng sẽ có thêm ít nhất 10 thị trường mới trong vài năm tới.
Giống như nhiều startup khác trong lĩnh vực mới mẻ là nền kinh tế phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, Munchery vẫn chưa có lãi. Đám đông các startup có vốn hùng hậu đang tranh đấu để thu hút sự chú ý là thách thức lớn nhất của Munchery. Hiện có một vài dịch vụ cung cấp các loại rau quả được đóng hộp kèm gia vị và công thức, thậm chí cũng có đối thủ cạnh tranh gửi nguyên liệu bữa tối đến nhà khách hàng. Tuy nhiên, theo Michael Dempsey – chuyên gia phân tích đến từ CB Insights, Munchery đang ở vị trí khá thuận lợi vì sự tiện dụng. Dẫu vậy, “có tới 3 bữa ăn mỗi ngày, vấn đề là có quá nhiều sự lựa chọn. Bạn không thể độc quyền và gần như không thể tăng giá”.
Năm 1986, Tran tới Mỹ. Anh nhanh chóng hòa nhập, học tiếng Anh và sau đó có thành tích học tập khá tốt tại trường trung học. Sau khi tốt nghiệp Học viện công nghệ Massachuset, anh trở thành kỹ sư phần mềm ở California. Kết hôn khá sớm từ năm 23 tuổi với một người gốc Việt khác, anh nhanh chóng ổn định cuộc sống gia đình có và 2 cậu con trai.
Tuy nhiên, cuộc sống mới lại làm Tran phiền lòng: cả anh và vợ đều quá bận rộn với công việc và không có thời gian nấu nướng. Họ thường mua đồ ăn sẵn trên đường trở về nhà. “Khi còn trẻ tôi có thể ăn bất cứ thứ gì, nhưng càng lớn tuổi tôi càng nghĩ rằng mình không thể ăn những thức ăn sẵn độc hại mãi”.
Tại thời điểm đó cả nhà anh đang sống ở thành phố Union (miền Nam Oakland). Hàng xóm của họ từng là đầu bếp chuyên tới nhà khách hàng nấu các bữa ăn, đóng gói chúng và cất vào tủ lạnh để họ dùng dần. Phục vụ 1-2 nhà, người đầu bếp này có thể kiếm được 500 – 700 USD/ngày.
Tran chia sẻ những suy nghĩ của mình về việc nấu ăn ở nhà với Chu và công việc của người hàng xóm khiến họ suy nghĩ. Ý tưởng về Munchery đã ra đời, và Tran cùng Chu đã nghỉ việc để theo đuổi ý tưởng.
Ban đầu, họ xây dựng một ứng dụng tương tự như Etsy (chợ bán hàng thủ công trực tuyến) nhưng là cho thực phẩm. Họ mời các đầu bếp về làm việc. Các tiêu chuẩn về kiểm soát chất lượng vẫn còn khá nghèo nàn và Tran tự đi giao hàng bằng xe của mình. Công việc gặp nhiều khó khăn và anh bị gia đình hoài nghi khi từ một kỹ sư tốt nghiệp MIT trở thành kẻ đi giao hàng. Đáp lại, Tran nói rằng anh cần 1 năm. Nếu sau 1 năm việc kinh doanh vẫn không hiệu quả, anh sẽ từ bỏ và quay trở lại với công việc.
Một năm trôi qua và anh vẫn chưa thể kiếm tiền. Tuy nhiên, thay vì dừng lại, anh không nói về nó với mọi người nữa. Năm 2011, Munchery bị Y Combinator từ chối rót vốn. Năm sau đó, công ty bắt đầu phục vụ đồ ăn cho các startup khác để kiếm tiền. Khách hàng là những kẻ thường xuyên thay đổi khẩu vị. Khi Munchery không thể phục vụ món ức gà nướng đúng điệu, họ gần như không thu được tiền.
Cuối cùng, Tran và Chu nhận ra rằng các đầu bếp không thực sự quan tâm tới công việc ở Munchery vì họ còn có công việc chính. Bởi vậy Munchery đã thuê một không gian riêng và hứa với các đầu bếp rằng họ sẽ bán món ăn đến những phạm vi vượt lên trên bức tường của nhà hàng truyền thống. Thêm vào đó có quá nhiều đầu bếp muốn làm theo ý thích riêng của họ cũng là một vấn đề.
Công ty tiếp tục đổi chiến thuật. Khách hàng có thể đặt chế độ giao hàng qua mạng. Cuối cùng một nhóm các nhà đầu tư thiên thần (trong đó có người từng là khách hàng của Munchery) đã rót cho họ 210.000 USD.
1 năm sau, Munchery bắt đầu thuê đầu bếp theo chế độ toàn thời gian. Điều này khiến chi phí tăng lên, nhưng cho phép công ty kiểm soát chất lượng tốt và mua nguyên liệu với số lượng lớn. Tuy nhiên dù những món ăn được ưa chuộng, Munchery khá khó khăn trong việc kiếm tiền bởi chi phí quá cao.
Tháng 5 năm ngoái, Munchery tiếp tục huy động được 85 triệu USD và được định giá 300 triệu USD. Đây là con số nhỏ so với tiêu chuẩn của thung lũng Silicon nhưng đã đủ để biến Tran thành triệu phú.
Tháng 8 vừa qua, Hillary Clinton đã tới thăm văn phòng của Munchery trong chiến dịch tranh cử. Bà nói chuyện với Tran và nhiều lãnh đạo công ty công nghệ khác, trong đó có CEO của Airbnb, Lyft và Instacart.
Nguồn Bloomberg/Trí thức trẻ