Diễm Quỳnh Thứ Sáu | 05/10/2018 16:14

Chân dung người phụ nữ duy nhất nhận giải Nobel Vật lý sau 55 năm

Sau 55 năm, giải Nobel Vật lý mới lại được trao cho một nhà khoa học nữ, đó là nhà nghiên cứu Donna Strickland, người Canada.

Donald Trump hay Kim Jong-un sẽ đoạt Giải Nobel Hòa bình 2018?

Giải Nobel Y học đẩy cổ phiếu Ono Pharma tăng vọt


Thông minh từ nhỏ

Từ hồi đi học Donna Strickland luôn được đánh giá là nữ sinh thông minh, chịu khó và có tiềm năng. Bà lấy bằng tiến sĩ vật lý chuyên ngành quang học khi mới 30 tuổi. Về công trình nghiên cứu được giải thưởng Nobel lần này, bà thực hiện từ khi là một nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 1985 tại Đại học Rochester, Mỹ.

Khi biết tin về giải thưởng, Tiến sĩ Donna Strickland, người hiện đang giảng dạy tại Đại học Waterloo, Canada, tỏ ra vô cùng bất ngờ.

Bà nói: ""Điều đó là sự thật ư" là suy nghĩ đầu tiên của tôi. Và sau đó tôi vẫn luôn băn khoăn không biết liệu điều này có phải là sự thật hay không?"

Chi tiết đáng ngạc nhiên mà cư dân mạng mới phát hiện chính là việc Wikipedia từng từ chối viết về bà vì "không đủ nổi tiếng". Các bài viết về Donna Strickland đã được soạn thảo gửi tới trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia từ tháng 5.2018 nhưng bị người kiểm duyệt từ chối vì Donna Strickland "không đủ nổi tiếng".

Người đề xuất đã gửi liên kết xác nhận Donna Strickland từng là chủ tịch Hiệp hội Quang học, một tổ chức vật lý chuyên nghiệp, nhà xuất bản lớn một số tạp chí hàng đầu ở trường Đại học Waterloo, Canada.

Khoảng 90 phút sau khi bà được công bố là người giành giải Nobel Vật Lý 2018, thì Wikipedia đã lập trang viết về người phụ nữ làm khoa học này.

Chan dung nguoi phu nu duy nhat nhan giai Nobel Vat ly sau 55 nam
Từ hồi đi học Donna Strickland luôn được đánh giá là nữ sinh thông minh, chịu khó và có tiềm năng. Bà lấy bằng tiến sĩ vật lý chuyên ngành quang học khi mới 30 tuổi.

Nguồn cảm hứng cho nữ giới ước mơ không giới hạn 

Bà Donna Strickland là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử giành giải Nobel Vật lý (về phát triển xung laser ngắn nhất và mạnh nhất từ trước đến nay hợp tác cùng nhà vật lý 74 tuổi người Pháp Gérard Mourou) kể từ khi các giải Nobel được sáng lập năm 1901, sau Marie Curie được vinh danh năm 1903 và Maria Goeppoert-Mayer vào năm 1963.

Theo đó, nhà khoa học 59 tuổi cũng là người phụ nữ Canada đầu tiên đoạt giải Nobel trong lĩnh vực này. Thủ tướng Justin Trudeau đã ca ngợi thành tựu của bà cùng các đồng nghiệp "là nguồn cảm hứng cho nữ giới ước mơ không giới hạn và theo đuổi nghề nghiệp theo sự lựa chọn của bản thân".

Khi biết tin về giải thưởng, Tiến sĩ Strickland, người hiện đang giảng dạy tại Đại học Waterloo (Canada), tỏ ra vô cùng bất ngờ. Trong một phát biểu trực tuyến với Ủy ban Nobel của Thụy Điển, bà cho biết: “Trước tiên, bạn chắc hẳn nghĩ chuyện đó thật điên rồ, và đó cũng là suy nghĩ đầu tiên của tôi. Và sau đó bạn luôn băn khoăn liệu điều đó có phải là sự thật hay không. Chúng ta cần tiếp tục vinh danh những người phụ nữ làm việc trong ngành nghiên cứu vật lý, bởi chúng tôi gần như ngoài lề ở giải thưởng này. Hy vọng theo thời gian những thành tựu dành cho nữ giới sẽ được nhân lên với tốc độ nhanh hơn. Tôi vinh dự là một trong những người phụ nữ trong số đó”.

Sinh năm 1959 tại Guelph, tỉnh bang Ontario, Tiến sĩ Strickland đã nhận bằng kỹ sư tại Đại học McMaster ở Hamilton vào năm 1981. Bà hợp tác nghiên cứu về lĩnh vực đạt giải Nobel năm nay khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng Tiến sĩ Gérard Mourou vào năm 1985 tại Đại học Rochester ở New York, Mỹ.

Theo Ủy ban Nobel, các phát minh đoạt giải Nobel Vật lý năm nay đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.

Ngoài cột mốc ấn tượng của bà Strickland, còn có một kỷ lục khác ở giải Nobel Vật lý năm nay. Ở tuổi 96, nhà vật lý người Mỹ Tiến sĩ Arthur Ashkin - là người nhiều tuổi nhất từng giành giải Nobel (cho phát minh về nhíp quang học - dụng cụ khoa học cho phép sử dụng chùm tia laser có độ tập trung cao có thể tác động tới việc di chuyển các vật thể vi mô).

Nobel Vật lý là giải Nobel thứ hai được trao trong mùa Nobel 2018, sau khi giải Nobel Y học được trao cho hai nhà khoa học James P Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản). Công trình của 2 nhà khoa học Allison và Honjo đã tìm ra phương thức ức chế hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư, bước đột phá mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị căn bệnh này.