Mỗi du khách sẽ hiểu rằng họ đang trả chi phí cho nông dân, cho môi trường thuần tự nhiên. Ảnh: TL
Chạm tay thiên nhiên
Phát triển du lịch bền vững là xu hướng ngày càng được đề cao. Tuy nhiên, để cân bằng được hiệu quả kinh doanh với lợi ích cộng đồng và môi trường, hầu hết các doanh nghiệp đều phải rất kiên nhẫn và không ngừng sáng tạo.
Tháng 11.2020, Công ty Oxalis Adventure đã được tỉnh Quảng Bình cho phép tổ chức tour khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa bản Rục ở Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Đường vào Thượng Hóa nằm sâu trong các dãy núi đá vôi nên những đợt lũ vừa qua nước chưa thoát kịp và hiện nay, cả cánh rừng nhiệt đới vẫn còn ngập sâu, du khách chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền, kayak hoặc xuồng hơi. Điểm hấp dẫn của chương trình khám phá này là thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp và người Rục - tộc người từng được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.
Ngoài tính chất du lịch, chương trình tour này còn nhằm mục đích xây dựng 3 trạm lọc nước sạch cho 3 bản làng người Rục bị chia cắt do lũ và ủng hộ 50 triệu đồng cho quỹ thắp sáng vùng biên giới. Đây là những hoạt động vì cộng đồng Oxalis thực hiện thường xuyên tại Quảng Bình. Cũng nhờ tinh thần vì cộng đồng mà năm 2011, Oxalis nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCA) để trở thành đơn vị duy nhất được cấp phép thực hiện tour du lịch thám hiểm tới hang Sơn Đoòng. Chỉ sau 7 năm, đội ngũ Oxalis từ 3 người đã lên đến hơn 150 người (chưa kể đội khuân vác 350 người) và liên tục phát hiện, thám hiểm nhiều hang động mới, đồng thời mở thêm nhiều dịch vụ du lịch mới.
Tìm ra Hang Sơn Đoòng là BCA và để BCA đồng ý hỗ trợ khai thác Sơn Đoòng, biến hang động lớn nhất thế giới này thành tour phải kể đến sự kiên nhẫn của Nguyễn Châu Á, người sáng lập Oxalis, một doanh nhân quê ở Quảng Bình. Dù đã quen biết các chuyên gia BCA từ lâu nhưng Nguyễn Châu Á cũng phải mất 2 năm chứng minh, thuyết phục BCA rằng ông muốn tạo việc làm cho dân địa phương và nỗ lực bảo tồn hang động ở trạng thái tốt nhất. Thậm chí, công ty của ông phải cung cấp cho BCA đầy đủ các phiếu chi tiền cho người khuân vác để họ kiểm tra có phải người dân địa phương không. Tiền lương một ngày của một người khuân vác của Oxalis là 1 triệu đồng, con số khá lớn tại miền núi Quảng Bình. Hiện nay, không ít người từng làm người khuân vác đã để dành đủ tiền mở homestay hoặc dịch vụ vệ tinh cho Oxalis trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.
Năm 2014, công ty này mở quỹ hỗ trợ cộng đồng thực hiện một số dự án bao gồm hỗ trợ tài chính cho các nhà dân địa phương, đào tạo cho doanh nghiệp địa phương, xây dựng trường học, trao học bổng và cơ sở vật chất cho người nghèo... Trước khi sáng lập Oxalis, ông Nguyễn Châu Á cũng là người sáng lập Công ty Một Bước Việt, một công ty hoạt động trong ngành đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội. Giai đoạn 2016-2018 doanh thu của Oxalis tăng từ 77 tỉ đồng lên 133 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp khoảng 40-45%; lợi nhuận ròng từ 14 tỉ đồng lên 41 tỉ đồng.
Nếu Sơn Đoòng là câu chuyện khai thác bền vững di sản thiên nhiên, thì bến du thuyền Ana Marina tại Nha Trang là câu chuyện làm sạch thành công một vịnh biển bị ô nhiễm. Với diện tích gần 90 ha, Ana Marina là bến du thuyền mang tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên với đầy đủ các dịch vụ tiêu chuẩn (từ bến đỗ, điện nước, tiếp nhiên liệu tới hệ thống nâng hạ thủy du thuyền, sửa chữa, bảo trì, phơi đậu tàu trên bờ) tại Việt Nam. 10 năm trước, khi nghĩ đến việc phát triển du lịch ở Nha Trang với tàu bè và du thuyền, ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ana Marina, chỉ tính đến việc xây dựng một bến nhỏ cho vài con tàu, nhưng khi dự án được chấp thuận vào năm 2011, quy mô dự án đã lớn hơn nhiều.
Theo ông Hiếu, khi khởi động dự án, việc đưa một hòn đá xuống vịnh Nha Trang là rất khó vì vào thời điểm ấy, người dân xung quanh không chấp nhận việc can thiệp vào thiên nhiên bằng hình thức như vậy. Vì đi theo hướng doanh nghiệp bền vững nên với bất cứ sự can thiệp nào vào tự nhiên, ông đều phải tính toán. Từ năm 2011-2016, cả đội ngũ cứ loay hoay không biết phải làm ra sao, cho đến khi ông Hiếu gặp nhóm chuyên gia làm việc cho Camper & Nicholsons, công ty có 200 năm trong việc phát triển hạ tầng ven biển cho du thuyền.
Các chuyên gia này thuyết phục được ông về cách tiếp cận bền vững, còn ông Hiếu thu hút được họ khi có chung định hướng phát triển hạ tầng ven biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Với bến du thuyền này, chúng tôi phải học lại từ đầu, về cọc, kè, môi trường xung quanh, kể cả vấn đề đơn giản như việc trồng cây xanh thế nào”, ông Hiếu cho biết.
Vào thời điểm bắt đầu, cả nhóm làm dự án chọn đúng vùng san hô chết vì trước đó từng là vùng nuôi tôm, ngọc trai, khiến khu vực xung quanh bị xâm hại không ít. Ông Hiếu phải cho làm sạch toàn bộ, nạo vét phần đáy, mang cả những tảng đá có san hô bám đi để nuôi ở chỗ khác. Đến lúc đặt kè, lấn biển, san hô hồi sinh trở lại. Ông Hiếu chia sẻ: “Đối với bến du thuyền, điều này có ý nghĩa rất lớn. Nếu như khách sạn dùng tiêu chuẩn “sao” để đánh giá, thì bến du thuyền dùng “mỏ neo” (anchor). Để đạt “5 anchor”, chất lượng nước là một trong những tiêu chí để đánh giá thông qua tình trạng của thủy sinh. Sự xuất hiện trở lại của san hô nơi đây chứng tỏ vùng nước đã rất sạch”.
Một nhà hàng có hẳn một kỹ sư môi trường, với nhiệm vụ hằng ngày là tái chế nguồn rác phát sinh từ nhà hàng; rác hữu cơ tùy loại mà được chế biến thành phân bón, thành nước rửa chén, nước lau sàn, hoặc dầu ăn thải thì làm thành xà phòng. Đó là cách làm hướng đến phát triển bền vững của The Field, một nhà hàng ở Hội An. Từ 3 năm nay, The Field nổi tiếng với Bữa tiệc trên đồng, giá vé tham dự lên đến cả ngàn USD/người. Để tổ chức Bữa tiệc trên đồng, The Field hợp tác với nông dân xã Cẩm Thanh. Nông dân chỉ việc trồng lúa như bình thường nhưng tuyệt đối không phun thuốc hóa học. Khi lúa chín vàng, nhà hàng sẽ chọn một khoảnh ruộng để làm không gian cho bữa tiệc và trả nông dân gấp 3-4 lần giá lúa.
Mỗi năm nhà hàng chỉ tổ chức 2 Bữa tiệc trên đồng. “Đây là bữa tiệc của không gian văn hóa và những giá trị nguyên bản của tự nhiên. Mỗi du khách sẽ hiểu rằng họ đang trả chi phí cho nông dân, cho môi trường thuần tự nhiên. Cái mà họ được hưởng ngoài thức ăn là câu chuyện, môi trường”, ông Phan Xuân Thanh, chủ nhân của The Field, cho biết.