Thứ Hai | 08/09/2014 08:28

Sự thật về màn hình máy tính và chuyện "hỏng mắt"

Bạn thật sự không hiểu hay chỉ lờ đi và coi như không biết gì về tác dụng tiêu cực của đồ kỹ thuật số tới mắt?

Ảnh: Peter Oumanski

Ảnh: Peter Oumanski


"Từ hiện tượng đau mắt, mờ mắt đến các loại bệnh nhức đầu, người ta gọi đó là Hội chứng thị lực máy tính", tiến sĩ Joshua Dunaief - bác sĩ nhãn khoa và chuyên gia về thái hóa điểm vàng tại Đại học Pennsylvania cho biết.

Theo ông Dunaief, có nhiều nguyên nhân dẫn tới Hội chứng thị lực máy tính (Computer Vision Syndrome - CVS). Đó có thể là do dùng loại kính không phù hợp để đọc sách hoặc thói quen để màn hình vi tính quá sáng. Song, trong hầu hết các trường hợp liên quan tới CVS, bệnh tật xuất phát từ 2 nguyên do: hoặc là mắt bị khô, hoặc là mắt quá mệt, không nhìn đúng cách được.

"Có những đốm nhỏ tí hon (còn gọi là điểm ảnh) nằm sâu bên trong nhãn cầu mắt người. Chúng có khả năng thay đổi để giúp mắt người có thể tập trung vào bất kỳ thứ gì. Sau các giờ liên tục ngồi nhìn màn hình máy tính, điểm ảnh trở nên mệt mỏi vì phải tập trung liên tục vào một thứ cố định".

Tiến sĩ Dunaief cho biết việc đọc và nhìn trên internet liên tục khiến mắt người có xu hướng ít chớp mắt. Điều này dẫn đến khô mắt, chảy nước mắt hay thậm chí rát mắt.

Đây chỉ là hiện tượng xảy ra ngắn hạn, bởi bạn có thể khắc phục bằng cách rời mắt khỏi màn hình hơn 1 phút. Song, về lâu dài, có bệnh gì nghiêm trọng đi kèm với các loại màn hình kỹ thuật số không?

Theo tiến sĩ Dunaief, rất có khả năng là có. "Vẫn có bằng chứng cho thấy ánh sáng từ màn hình kỹ thuật số có thể làm hỏng võng mạc. Điều đó có nghĩa nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính quá sáng sẽ gây hại cho mắt".

"Ngồi quá gần màn hình máy tính hoặc giữ điện thoại (thông minh) quá sát mặt có thể gây ra các vấn đề về thị lực", tiến sĩ Joan Portello thuộc trường Đại học tiểu bang New York cho biết. Giải thích cho điều này, tiến sĩ Portello nói "Rất nhiều người không nhận ra điều này: khi nhìn thứ gì đó quá gần, đó chính là lúc mắt phải làm việc nhiều nhất".

Bà Portello và tiến sĩ Dunaief chia sẻ chung quan điểm về các bằng chứng cho thấy sinh viên suốt ngày "cắm đầu cắm cổ" vào sách vở thường có khuynh hướng bị cận thị. Một vài trường tiểu học ở Trung Quốc hiện nay đang lắp thêm các thanh chắn ở bàn học nhằm giới hạn khoảng cách đầu học sinh và tài liệu học tập một cách khoa học nhất. Theo đó, trẻ em có tần suất chạy nhảy và hoạt động ngoài trời thường có thị lực tốt hơn.

Tiến sĩ Portello cho biết, vẫn còn quá sớm để nói việc sử dụng máy tính có tác động tiêu cực về lâu dài với mắt.

Song, có một điều rất rõ ràng rằng máy tính hiện hữu trong cuộc sống hiện đại như hơi thở và khí trời. Thay vì tránh né, bạn nên nghĩ tới các biện pháp phòng vệ cho mắt.

Trước nhất, nên chọn đúng kính mắt - đặc biệt với những người trên 40 tuổi bởi họ dễ mắc bệnh về thị lực nhất so với nhóm người trẻ tuổi hơn. Không phải loại kính nào được thiết kể để đọc sách hay dùng máy tính.

Nên giảm độ sáng màn hình máy tính hoặc để màn hình ra xa vừa đủ cho mắt làm việc. Phóng to phông chữ, đóng cửa rèm và tắt bớt điện trong văn phòng là những việc cần thiết để bảo vệ mắt, tiến sĩ Dunaief giải thích.

Thuốc nhỏ mắt cũng có thể giúp ích trong trường hợp xoa dịu mắt, nhưng nên dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Cuối cùng, nên áp dụng quy tắc 20-20-20: Cứ 20 phút một lần, rời mắt khỏi màn hình máy tính, nhìn vào bất kỳ vật gì nằm cách xa 20 feet (tương đương 6m) trong khoảng 20 giây.

Quy tắc 20 cho phép mắt nghỉ và tránh hiện tượng mắt mệt mỏi, căng thẳng. Thêm vào đó, nhìn tập trung vào 1 thứ ở phía xa rất tốt cho mắt. "Khi nhìn xa nhớ chớp mắt nhiều lần để giúp mắt bớt khô", tiến sĩ Portello nhấn mạnh.

Nguồn GAFIN, TIME/DVO