Sắp có thuốc viên trị mọi chứng ung thư
Từ lâu người ta đã biết chất “ức chế delta”(delta inhibitor) có ích cho các bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, và giờ đây các nhà khoa học ở Đại học London (UCL) và Viện Babraham ở Đại học Cambridge đã phát hiện rằng nó cũng có tác dụng với hàng loạt các chứng ung thư khác như ung thư phổi, tụy, da và vú. Chất này được bào chế ở dạng viên con nhộng, rất tiện để uống.
Ung thư ngăn chặn hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách sản sinh ra một loại enzyme có tên là “p110delta”; enzyme này tự ẩn mình nên cơ thể con người rất khó chống lại bệnh. Loại thuốc mới sẽ “ức chế” enzyme, giúp cho hệ miễn dịch phát hiện và tấn công tế bào khối u.
Lợi ích bổ sung của thuốc là một khi cơ thể đã "học" được cách chống ung thư thì nó có một hệ miễn dịch tự sinh khiến cho căn bệnh không bao giờ tái phát được, khác với khi tiêu diệt ung thư bằng hóa trị.
Mặc dù nghiên cứu mới được tiến hành trên chuột, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ có tác dụng trên cơ thể con người và hy vọng việc thử nghiệm trên người sẽ bắt đầu sớm.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng, ngăn cản enzyme p110delta cũng có hiệu quả đáng kể trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để ứng phó với bệnh bạch cầu cũng như với các chứng ung thư khác. Thuốc sẽ giúp hệ miễn dịch của bạn chiến đấu với ung thư tốt hơn. Và thuốc có vẻ sẽ tác dụng với mọi chứng ung thư. Thuốc sẽ tự hoạt động tới một mức độ nào đó, còn nếu khối u quá lớn thì thuốc sẽ hiệu quả khi dùng sau phẫu thuật để ngăn khối u lan rộng”, giáo sư Bart Vanhaesebroeck của UCL, đồng lãnh đạo công trình nghiên cứu, và là người đầu tiên phát hiện ra enzyme p110delta vào năm 1997, cho biết.
“Công trình của chúng tôi cho thấy rằng chất ức chế delta có thể thay đổi cán cân, từ chỗ ung thư miễn dịch với sức đề kháng của cơ thể chúng ta sang chỗ cơ thể chúng ta miễn dịch với ung thư”, tiến sĩ Klaus Okkenhaug của Viện Babraham thuộc Đại học Cambridge, đồng lãnh đạo nghiên cứu, cho biết.
Hiện nay thuốc đã được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng và được cấp quy chế “Biện pháp trị liệu đột phá” của Cơ quan Dược phẩm Hoa Kỳ, nghĩa là việc phát triển thuốc sẽ được xúc tiến nhanh. Nếu được các cơ quan quản lý ở châu Âu chấp nhận, thuốc có thể được đưa vào điều trị bệnh sau vài năm nữa.
“Khám phá mới này, mặc dù còn trong giai đoạn ban đầu, đã có tiềm năng phát triển phương pháp trị liệu cho nhiều chứng ung thư, kể cả ung thư tụy mà hiện đang có nhu cầu cấp thiết phải có cách điều trị hiệu quả hơn”, giáo sư Nic Jones, nhà khoa học chính của Viện nghiên cứu Ung thư Anh quốc kiêm Giám đốc trung tâm nghiên cứu ung thư Manchester, cho biết.
Công trình nghiên cứu được công bố trên tập san chuyên ngành Nature và được tài trợ bởi Viện nghiên cứu Ung thư Anh quốc, Hội đồng nghiên cứu khoa học về sinh học và kỹ thuật sinh học và Quỹ Wellcome.
Nguồn TBKTSG