Thứ Năm | 12/06/2014 15:34

Nửa số bao cao su ở Việt Nam là hàng giả, kém chất lượng

Theo báo cáo của UNFPA, gần 85% bao cao su trên thị trường Việt Nam do tư nhân sản xuất, 47% số này không vượt qua được cuộc kiểm tra chất lượng.
Đây chính là nhận định được Quỹ dân số Liên Hợp Quốc đưa ra trong cuộc phỏng vấn được đăng tải hồi đầu tuần này. Đáng chú ý là đa số các mẫu bao cao su bị phát hiện kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc.
Theo UNFPA, thị trường Việt Nam đang tràn ngập bao cao su kém chất lượng

Ông Arthur Erken, đại diện của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết “Bất kỳ ai mua bao cao su trên thị trường hiện nay đều có nguy cơ dùng phải sản phẩm kém chất lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới những người mua bán dâm mà cả công chúng nói chung”.

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong việc cung cấp bao cao su cho công chúng. Tại một số cơ sở y tế, bao cao su được phát miễn phí, hoặc có giá rẻ chỉ tương đương khoảng 4.000 đồng tại các ki-ốt, quán cà phê, tiệm mát-xa hay khách sạn.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, số ca nhiễm HIV mới tại Việt Nam đã giảm nhanh trong giai đoạn 2007-2009, và giữ ổn định ở 14.000 ca mỗi năm trong năm 2010-2011. Tỷ lệ trẻ vị thành niên sinh con đã giảm từ 31 ca/1.000 trẻ dưới 19 tuổi năm 2009 xuống còn 29 ca năm 2013, thấp hơn đáng kể các nước láng giềng như Lào (65 ca) và Thái Lan (41 ca).

Tuy nhiên, bản báo cáo của UNFPA công bố hồi tháng 3/2014 cho thấy, tại Việt Nam, bao cao su chất lượng kém đang tràn ngập, trong khi các cơ chế giám sát lại không thể bắt kịp sự gia tăng ồ ạt này.

“Nếu bao cao su đến tay người dùng không có chất lượng tốt, thì cho dù họ có sử dụng chúng một cách thường xuyên và đúng cách, họ vẫn có thể bị nhiễm nhiễm hoặc truyền bệnh cho bạn tình”, Kristan Schoultz, giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam khẳng định.

Các chuyên gia tin rằng, hiện rất cần chuẩn hóa và giám sát chất lượng bao cao su để kìm chế đại dịch HIV tại Việt Nam. Họ cũng cảnh báo về sự xói mòn lòng tin vào bao cao su có thể hủy hoại công sức và thành quả của nhiều năm tuyên truyền, khuyến khích tình dục an toàn.

Gafin

Bao cao su giả từ Trung Quốc

Bao cao su cung cấp tại các bệnh viện và cơ sở y tế được Bộ y tế mua và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNFPA, gần 85% bao cao su trên thị trường Việt Nam do tư nhân sản xuất, và 47% số này không vượt qua được cuộc kiểm tra chất lượng, nhất là những sản phẩm nhập từ Trung Quốc.

Chất lượng bao cao su được quản lý và xác định bằng “Giới hạn chất lượng chấp nhận được” (AQL) - đề ra những tiêu chuẩn về khả năng chịu nhiệt, khả năng giữ chất lỏng hoặc chịu áp suất không khí… Bao cao su không đạt chuẩn AQL có thể có những lỗ thủng nhỏ, khiến chúng dễ dàng bị vỡ khi được bơm vào một lượng nhỏ nước hoặc không khí.

Ông Erken giải thích “Bao cao su chất lượng kém đang được sử dụng và độ đàn hồi của nó giảm nhanh hơn tiêu chuẩn”.

“Việc xác định được tỷ lệ kém chất lượng cao như vậy có thể được coi là rất nguy hiểm”, David Whybrew, giám đốc kỹ thuật của Crown Agents, công ty tư vấn chủ trì nghiên cứu của UNFPA cho biết.

Mọi chuyện dường như xấu hơn khi nhiều bao cao su chất lượng kém là đồ giả, được quảng cáo dưới nhãn hàng của nhiều thương hiệu danh tiếng, kể cả Durex, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Trong khi các thương hiệu thật có giá khoảng 1 USD/cái, hàng giả lại được bán với giá rẻ mạt – có thể chỉ 4.000 đồng/cái. “Mọi chuyện đang diễn biến rất khó lường vì mọi người đều nghĩ họ mua bao cao su Durex, một loại có chất lượng tốt”, ông Erken cho hay.

Theo số liệu của UNAIDS và chính phủ, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, và nam giới quan hệ đồng tính là những đối tượng có tỷ lệ lây nhiễm HIV rất cao, lần lượt là 13,4%, 3% và 16,7%, cao hơn nhiều tỷ lệ trung bình của cả nước, khoảng 0,45%.

Đến nay, nhiều người bán dâm đã sử dụng bao cao su do những rào cản được loại bỏ dần, tuy nhiên, chuyên gia Schoultz cảnh báo: “Nếu mọi người không thể tin vào chất lượng của bao cao su, có lẽ họ sẽ ít sử dụng chúng hơn”.

IRIN cho hay, trước báo cáo trên UNFPA, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo chất lượng bao cao su bằng cách chuyển bao cao su từ một "sản phẩm tiêu dùng" sang "thiết bị y tế" phù hợp với các quy định của WHO và UNFPA.

Nguồn Theo DVO/IRIN


Sự kiện