CEO Vũ Thành Vinh: Sự sống đáng giá bao nhiêu?
Dù đang nỗ lực từng ngày để bước qua khó khăn, dù đang thăng hoa trong nghệ thuật, hay đang cân đo trong bài toán kinh tế cho doanh nghiệp hay đang đấu tranh từng giây với tử thần để tìm lại hơi thở, ở Vũ Thành Vinh vẫn chỉ có một thái độ sống: nhiệt tình, tin yêu và luôn hướng đến những điều tốt đẹp.
Ở nơi không có ngày và đêm...
Tháng 9.2017, thông tin đạo diễn Vũ Thành Vinh, CEO của Công ty Truyền thông Khang, nhiễm virus lạ, nhanh chóng rơi vào hôn mê chỉ sau vài ngày ủ bệnh, đã lan đi. Không xác định được chủng virus gì, các bác sĩ chỉ biết, nó đã và đang “ăn” gần hết hai lá phổi của “ông trùm gameshow”, cha đẻ của những chương trình giải trí đình đám trên sóng truyền hình như Cười Xuyên Việt, Solo Cùng Bolero.... Những tiên đoán xấu nhất được đưa ra. Linh mục được mời đến để thực hiện những nghi lễ cuối cho một đời người, trước khi bác sĩ tiêm cho anh một liều thuốc cuối cùng, liều thuốc đánh cược với số phận.
3 ngày hôn mê, 3 ngày trôi bềnh bồng, vô định trong thế giới cận tử, cảm nhận linh hồn mình đã thực sự phiêu bạt, Vũ Thành Vinh bảo, đã có thời điểm anh cảm nhận mình chạm đến thế giới bên kia. Những đám mây vô định cứ kéo anh đi, cuốn anh vào lực hút khủng khiếp, bất chấp anh đã kháng cự thế nào. Tận đến khi hình ảnh 2 con thơ, đầu chít khăn tang trắng xuất hiện, như có sức mạnh vô hình bên trong, anh mới bắt đầu vùng vẫy để thoát ra không gian vô định ấy...
Từ giường bệnh của Khoa Chăm sóc đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, Vũ Thành Vinh quay về, phục sinh trong nước mắt lẫn nụ cười. Hơn 40 năm làm người, anh cho biết, chưa bao giờ anh thấy cuộc sống lộng lẫy như lúc anh mở mắt, sau chuỗi ngày mê man ấy. Thông tin đầu tiên anh nhận được, là thông báo của bác sĩ: “Anh đã sống!”. Ở nơi không có ngày và đêm, chỉ có sự sống và cái chết, thông báo ấy là động lực để anh bắt đầu hành trình thứ 2, cam go không kém quãng đường cận tử vừa qua: chiến đấu với bản thân để hồi phục bởi tất cả các bộ phận trong cơ thể đều đã vào trạng thái tê liệt trừ bộ não, sau tác dụng của liều thuốc cực mạnh kia.
Tỉnh thức, cầu nguyện và buộc mình phải làm việc... Vũ Thành Vinh kể, có những ngày, anh phải “triệu tập” cuộc họp với các bộ phận cơ thể, trò chuyện với từng tế bào để thức tỉnh chúng. Chính nhờ không buông xuôi dẫu chỉ một giây, cố gắng của anh cuối cùng cũng đơm hoa thơm, trái ngọt. Sau gần 100 ngày, anh hồi phục trong niềm vui và tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp lẫn khán giả.
May mắn được tái sinh, Vũ Thành Vinh tin rằng, số phận đã trao cho anh sứ mệnh sống tốt, sống để lan tỏa những điều tốt đẹp...
Rất nhiều người trải qua giai đoạn cận tử bảo rằng, họ đã thay đổi rất nhiều từ nhận thức đến hành động. Bản thân anh có khác?
Đương khi mạnh khỏe, gia đình ấm êm, công việc ngập tràn niềm vui thì tôi bị số phận đưa đến một tình huống quá ngặt nghèo. Trải qua biến cố ấy, ai cũng ít nhiều thay đổi. Nếu đối chiếu, tôi của ngày hôm nay nhẹ nhàng hơn, kiên nhẫn và tha thiết với cuộc đời này hơn rất nhiều. Tôi vốn quyết liệt nên gia đình, đồng nghiệp... dẫu có thương yêu nhưng vẫn có chút sợ. Nay tôi nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn.
Hành trình này cũng giúp tôi nhận ra, nỗi đau đôi khi là hàm ơn. Nó khiến ta hoàn thiện tâm trí, thấu đáo giá trị của sự sống và quan trọng hơn, giúp ta tin tưởng rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp. Đây là điều quan trọng nhất đối với con người.
Nghĩa là trong hành trình giành lấy sự sống, niềm tin đối với anh có giá trị rất lớn?
Tôi xem niềm tin là đôi cánh. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ phải chắt chiu từng đồng cho con đi học, không có niềm tin sẽ không có tôi ngày hôm nay. Trong biến cố ấy, không có niềm tin, tôi không có được sự sống này. Ai trong chúng ta cũng cần có niềm tin để sống và phấn đấu. Những người có đạo sẽ tin vào Chúa, Phật hay một đấng tối cao nào đấy để nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình hướng đến các giáo lý, đa phần đều dạy người ta ăn ngay ở lành. Vậy thì, nếu không tin bất cứ tôn giáo nào, hãy tin vào những điều tốt đẹp. Nó sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
Niềm tin là thứ chúng ta phải nuôi dưỡng hằng ngày. Không phải đến lúc thập tử nhất sinh, chúng ta tin sẽ vượt qua thì mọi chuyện đâu vào đấy. Trong lúc hiểm nghèo, năng lượng tốt tích lũy từ trước mới có thể giúp chúng ta vững vàng.
Sau niềm tin, sẽ là...?
Hành động. Phép màu chỉ đến khi ta bước đi. Tôi nghĩ sức mạnh nào cũng phải cần hành động mới thể hiện ra bên ngoài được. Nếu chúng ta chỉ nằm yên mà tin rằng rồi ta sẽ vượt qua tất cả, chắn chắn sẽ không thể như ý.
Tôi may mắn có được một công việc mình vô cùng say mê nên những ngày trên giường bệnh, tôi vẫn theo dõi, góp ý, chỉ đạo các chương trình của mình. Sức mạnh của lao động lớn lắm. Mọi điều vĩ đại trên thế giới này đều được tạo nên từ lao động và sự cố gắng. Những lúc tập trung vào công việc, tôi lướt qua được những cơn đau. Trong những ngày tay chân tê liệt, tôi cho bộ não làm công việc mà trước nay tôi chưa từng làm: viết một cuốn sách về hành trình của mình, xây dựng, biên tập nó từng ngày. Tôi muốn ghi lại nó, không phải là diễn tiến với những cột mốc thời gian mà là hành trình nhận thức về các giá trị của cuộc sống như thế nào sau biến cố ấy. Đã có rất nhiều cái tên tôi nghĩ ra cho cuốn sách này nhưng sau chót, tôi lại chọn một câu hỏi “Sự sống giá bao nhiêu?” để làm tựa.
Có lẽ, cũng nhờ ý tưởng về cuốn sách, nhờ khát khao được làm việc trở lại, tôi mới không quên vực dậy cơ thể mình từng ngày, từ những phần nhỏ nhất... Sau một năm, tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn tất cuốn sách mình mong mỏi, tiếp tục đồng hành với các bạn trẻ trong công ty, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Với tôi, những điều này đã là quá nhiều!
Viết về con đường mình trải qua, anh hướng đến điều gì?
Nếu độc giả tò mò về những bí ẩn của giai đoạn cận tử, hay kỳ vọng những tình tiết liêu trai, họ sẽ thất vọng. Tôi viết cuốn sách này với mong muốn gửi gắm những thông điệp cốt lõi của sự sống cho những người đương thời chứ không vì mục đích nào khác. Bạn sẽ thấy đó là một cuốn sách đúng nghĩa, không có hình ảnh nghệ sĩ hay những thông tin bí mật hậu trường nào. Tôi cũng không bán sách để kiếm tiền làm từ thiện hay đính kèm bất cứ thông điệp nào, ngoài bản thân cuốn sách ấy. Tôi muốn cuốn sách của mình sinh ra và sống đúng với số phận vốn có của nó. Nếu nó hay, có tác dụng với người đọc, họ sẽ tự tìm mua.
Tôi viết, vì đó là lời hứa của tôi với bản thân trên giường bệnh dẫu thời gian cầm bút, tôi lại quay trở về với cảm giác đau đớn ngày đó, đến mức đôi lần bỏ cuộc. Chúng ta thường cố giữ lời hứa với mọi người nhưng luôn thất hứa với bản thân. Tôi nghĩ, mình phải thay đổi suy nghĩ này. Trân trọng bản thân, dành thời gian đối thoại với bản thân, chúng ta sẽ có sức mạnh để chính mình vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Lúc khó khăn ấy, anh đã ước mình sẽ làm điều gì?
Tôi đã có những ngày chỉ mong tự mình thở được một hơi. Chúng ta có thể nhịn ăn, nhịn uống vài ngày, vài tuần nhưng chỉ cần ngưng thở vài phút thôi thì đã lìa đời. Hơi thở quan trọng vậy mà lại bị con người tàn phá quá nhiều do ô nhiễm môi trường. Đó là điều đáng tiếc.
Khi cơ thể chưa hoạt động được, tôi từng ước giá như mình nhích được một ngón tay lên, rồi dần dần là nhích được bàn tay... Những điều ước của tôi lúc ấy quá nhỏ bé so với khi tôi bình thường. Lúc đó mới biết, chỉ cần được là chính mình, một con người bình thường thôi, cũng đã là hạnh phúc rồi. Tôi đã chạm đến cái chết để nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy của sự sống. Mỗi ngày chúng ta được sống, đều đáng được trân quý, nâng niu.