Ảnh: Scmp.com
Cạnh tranh khốc liệt, nhiều startup vẫn tham gia thị trường xe điện
Để đánh dấu đợt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ tháng 9 vừa qua, Nio đã treo một biểu ngữ trên sàn New York với nội dung: Blue Sky Coming (tạm dịch: Trời xanh đang đến). Nhưng cũng kể từ đó, các nhà đầu tư vào Nio lại chứng kiến những đám mây đen càng dày đặc hơn qua mỗi quý, báo hiệu cơn bão sắp đến. Từng một thời là niềm hy vọng cho các startup xe điện Trung Quốc, Nio giờ lại đang ngấp nghé bờ vực phá sản với mức lỗ ngày càng tăng cao, tiền mặt bốc hơi khi phải chi nhiều hơn, trong khi giá cổ phiếu lại sụt giảm mạnh. Robin Zhu, chuyên gia phân tích tại Bernstein, cho biết: “Lượng xe bán ra không đủ để giúp Nio sinh lời”.
Tháng 9 vừa qua, Nio đã buộc phải huy động 200 triệu USD từ CEO William Li và một trong những cổ đông lớn nhất là Tencent để duy trì hoạt động. Theo giới phân tích, Công ty vẫn cần bơm thêm vốn mới có thể tồn tại. Tình cảnh của Nio là một câu chuyện đáng suy ngẫm cho hàng chục hãng xe nhỏ muốn có một chỗ đứng trong ngành công nghiệp ô tô khi đang ra sức cạnh tranh với những gã khổng lồ đã có mặt từ lâu trên thị trường như Volkswagen và Toyota. “Bạn phải thực sự can đảm mới có thể dấn bước vào ngành ô tô”, CEO Herbert Diess của Volkswagen nhận định.
“Trước Tesla, có một quy định bất thành văn rằng bạn không thể khởi nghiệp một hãng xe mới mà thành công được. Bởi vào thời điểm ấy, việc đó là không thể”, Peter Rawlinson, nhà sáng lập kiêm CEO của Lucid Motors, một startup xe điện Mỹ, nhận định. Rawlinson cũng từng là nhà điều hành cấp cao tại Tesla. Thực vậy, hàng chục startup xe điện đã được thành lập chỉ trong vài năm qua, vì bị hấp dẫn bởi một thị trường mà chi phí phát triển và sản xuất xe chạy pin đang trở nên rẻ hơn. Xe điện chỉ gồm một số bộ phận chính như pin, khung gầm xe, hoàn toàn ngược lại với hàng ngàn bộ phận chuyển động phức tạp có ở động cơ đốt trong. Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng ra đời mạnh mẽ nhất các hãng xe mới, được thúc đẩy bởi chính sách trợ cấp và vốn rẻ. Tại Mỹ, châu Âu và Nhật, cũng có nhiều hãng xe điện mới gia nhập thị trường.
Dù rằng Tesla, đơn vị đi tiên phong trong ngành xe điện, đã cho các hãng xe khác niềm tin để dấn thân vào ngành này thì thị trường xe điện giờ đã cạnh tranh hơn trước và môi trường cũng khốc liệt hơn khiến cho việc tạo ra lợi nhuận trở thành một bài toán khó. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã không thể kham nổi chi phí liên quan đến việc phát triển chuỗi bán lẻ và chuỗi cung ứng, vốn có thể lên tới hàng tỉ USD. “Có lẽ thách thức lớn nhất chính là khoản đầu tư đổ vào quá lớn”, Diess thuộc Volkswagen nhận định.
Các vấn đề của Nio càng trở nên trầm trọng hơn do chi tiêu quá mức. Tháng 12.2018 tại một buổi liên hoan Nio Day của Công ty, Nio đã vung tay quá trán với việc mời ca sĩ nổi tiếng Bruno Mars về góp vui cho khách hàng. “Trong nhiều năm trời, Nio đã chi tiêu vượt quá khả năng của họ và mức lỗ phần lớn là do chi vào các khoản không cần thiết”, nhà điều hành cấp cao tại một startup ô tô điện Trung Quốc nhận định.
“Một thách thức chủ yếu đối với các công ty như Nio hay Byton là làm sao thuyết phục khách hàng rằng những thương hiệu mới này cũng đáng cân nhắc”, Michael Dunne, một cựu nhà điều hành tại General Motors, hiện đang điều hành hãng tư vấn ô tô Trung Quốc ZoZo Go, nhận xét. “Doanh số bán đầy thất vọng của Nio phản ánh không phải là sự thất bại của một sản phẩm mà là sự thất bại trong việc thuyết phục những người tiêu dùng rằng một chiếc Nio cũng đáng cân nhắc khi đặt bên cạnh một chiếc Audi hoặc Tesla”, Dunne nói thêm.
Cùng với chi phí cao, các startup cũng đang vật lộn với bài toán khó sản xuất theo quy mô. Có thời điểm Tesla sản xuất ô tô mà không có máy tính, thậm chí không có chỗ ngồi, thay vào đó yêu cầu các đại lý ô tô phải lắp đặt trước khi giao những chiếc xe hơi hoàn thiện cho khách hàng. Điều này một phần là do những khó khăn ở chuỗi cung cấp của Tesla. Nhiều hãng xe mới cũng không lường trước được thách thức xây dựng thương hiệu trong một ngành mà các đối thủ dày dạn kinh nghiệm đã bỏ ra nhiều năm trời để phát triển một đội ngũ khách hàng trung thành.
Các hãng xe hiện hữu có lợi thế là sở hữu các ô tô động cơ đốt trong, cho phép họ bù đắp vào mức thua lỗ từ mảng ô tô chạy pin. BMW, vốn đang tung ra các phiên bản ô tô lai đối với hầu hết các mẫu xe, cũng đã tung ra mẫu xe X7 để cạnh tranh với Range Rover cũng như dòng xe 8-Series để bù đắp cho mức lợi nhuận mỏng manh từ các mẫu xe chạy pin rẻ hơn. “Chúng tôi cần phải dựa vào những mẫu xe này để bù đắp cho những mẫu xe điện nhỏ hơn”, Harald Krüger, CEO BMW, cho biết vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, mặc cho những thách thức và nguy cơ rình rập, hàng chục startup mới vẫn tiếp tục nhảy vào thị trường xe điện, sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại. “Chúng tôi biết rõ sứ mệnh này cam go như thế nào. Tôi đã ở đấy, đã từng làm điều đó và nhiều người trong đội ngũ của chúng tôi cũng đã trải nghiệm được điều đó. Chúng tôi không hề ảo tưởng rằng đây là một cuộc đua marathon”, Rawlinson tại Lucid Motors thừa nhận.
►Trung Quốc thắng thế trong cuộc đua xe điện
►Xe điện trỗi dậy tại "cường quốc xe máy"
Nguồn FT