Phụ nữ Hàn Quốc xuống đường biểu tình trong phong trào MeToo. Ảnh: Straitstimes.com
Camera: Kẻ thù của quyền riêng tư?
Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Seoul hôm 4/8/2018 đòi hỏi chính quyền Hàn Quốc mạnh tay hơn đối với những người quay lén dưới váy phụ nữ. Sự kiện này đã thu hút con số kỷ lục phụ nữ tham dự là 70.000 người, theo các nhà tổ chức. Phong trào phản kháng này ngày càng thu hút đông đảo phụ nữ Hàn Quốc, đã mạnh dạn lên tiếng sau làn sóng #MeToo. Trên quảng trường Gwanghwamun, người biểu tình hô vang "Toilet nữ ở nước này chi chít camera quay lén".
Giới nữ xuống đường để tố cáo một hiện tượng được gọi là "molka" đang tăng lên : những video quay lén phụ nữ đang trong toilet, ở trường học, trên những chuyến tàu, trong phòng thử quần áo…
Những kẻ biến thái lại là giáo viên, bác sĩ, mục sư, quan chức chính phủ, cảnh sát và thậm chí có cả một thẩm phán. Hầu hết thủ phạm khi ra tòa thường được lãnh án treo. Những người biểu tình đòi hỏi trừng phạt nặng nề hơn và đóng các trang web phổ biến những video loại này.
Theo AFP, số vụ báo cảnh sát bị camera quay lén từ 1.100 năm 2010 đã lên đến 6.500 trường hợp vào năm ngoái. Chủ đề quay lén tại Hàn Quốc một lần nữa nhắc lại về quyền riêng tư trong thời kỳ bùng nổ internet, di động, camera.
Sự theo dõi, giám sát là một chủ đề tin tức lớn từ giữa năm 2013, khi một nhân viên tình báo An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Edward Snowden, công khai cho công chúng thấy NSA có thể tìm ra những thông tin cá nhân về chúng ta như thế nào.
Từ đó, những tiết lộ trở nên rõ ràng và rất nhanh chóng: Facebook, Google và Microsoft đã giao nộp dữ liệu người dùng cho các chương trình bí mật của NSA; Gemalto, một trong những nhà sản xuất sim điện thoại lớn nhất thế giới, cũng cho biết họ tin rằng hệ thống của họ đã bị tấn công bởi các cơ quan giám sát an ninh mạng của Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Các nghệ sĩ thế giới đã phản ứng với sự xâm phạm quyền riêng tư dưới mọi hình thức bằng một cuộc trưng bày mới, có tên "Bị theo dõi! - Sự giám sát, Nghệ thuật và Nhiếp ảnh" (Watched! Surveillance, Art and Photography), tại C/O Galerie tại Berlin.
Ở cấp độ thực tiễn hơn, cặp đôi thiết kế người Hà Lan trong Dự án KOVR đã tập trung vào các phương pháp bảo vệ những thông tin cá nhân mà chúng ta thường mang theo người mỗi ngày: từ những dữ liệu trong điện thoại cho đến những chip máy tính siêu nhỏ thường được cài vào hộ chiếu, thẻ chứng minh nhân dân và thẻ ngân hàng, cho tới từng tiểu tiết của cuộc sống ta tồn tại trong thiên hà thực tế ảo như trong phim Tron.
Dự án HyperFace |
Cách phản ứng của Dự án KOVR là chế tạo ra áo khoác chống bị theo dõi, một áo khoác có phủ bạc từ vật liệu vải kim loại có tác dụng như chiếc lồng Faraday trang trí, khiến cho không ai có thể đọc được các chip máy tính trong thẻ ngân hàng và giấy tờ tùy thân và khiến cho tín hiệu điện thoại di động không thể bị tìm ra.
Các nhà thiết kế gọi tác phẩm của họ là "sự phản kháng được khoác lên người", và cảnh báo chúng ta "phải luôn là con người trong môi trường bị chi phối bởi thông tin".
Được công bố vào tháng 1/2017, vải in HyperFace do nghệ sĩ Adam Harvey ở Berlin cùng với Hyphen-Labs, một nhóm thiết kế thời trang quốc tế gồm nhiều nhà thiết kế nữ, sáng tạo. Mục tiêu là để nhằm khám phá điểm gặp gỡ giữa công nghệ, nghệ thuật và khoa học.
Harvey đã tạo ra những thiết kế phản giám sát trong một dự án trước đó. Trong CV Dazzle, các mẫu thiết kế tóc và cách trang điểm có thể giúp bạn tránh phần mềm nhận diện gương mặt và vải phản xạ nhiệt ngăn cản các thiết bị bay có thể ghi hình.
Khi mặc vào, HyperFace cho máy tính khoảng 1.200 lựa chọn gương mặt khác nhau - Harvey lấy cảm hứng từ khả năng làm thay đổi màu sắc trong thế giới động vật.
"Thay vì cho rằng cần ngụy trang để che giấu bớt sự hiện hữu cá nhân, HyperFace có cách tư duy khác đi về mối quan hệ giữa nhân vật và hình nền," Harvey cho biết. "Ta có thể làm giảm bớt đi khả năng phát hiện, nhận dạng ra khuôn mặt thật qua việc đưa ra hình nền với nhiều gương mặt được chỉnh sửa trông cho khác đi".