Phạm Vi An Thứ Bảy | 18/08/2018 13:29

Cai nghiện smartphone

Các hãng công nghệ đang cung cấp những công cụ giám sát thời gian sử dụng smartphone.

Nguyên nhân của hàng loạt căn bệnh

Giống như những người sử dụng iPhone khác, Tim Cook lo lắng ông đang dành quá nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại. “Tôi cứ nghĩ mình khá kỷ luật về vấn đề này nhưng tôi đã sai. Khi tôi bắt đầu nhận được dữ liệu về thời lượng dành cho điện thoại, tôi nhận thấy mình đang dành ra nhiều giờ hơn mức nên có”, ông chủ 57 tuổi của Apple cho biết. Cook cũng thừa nhận Apple có thể là một nguyên nhân cho chứng nghiện smartphone hiện nay.

Tháng 6 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN, Cook nói ông muốn các khách hàng của Apple phải “hài lòng và được trao quyền lực” bởi các thiết bị của Hãng nhưng cũng khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ muốn mọi người dành nhiều thời gian vào chiếc điện thoại”.

Tuy nhiên, khi Apple đánh dấu lễ kỷ niệm 10 năm ra mắt kho ứng dụng iPhone vài tuần sau đó (10.7.2018), thông cáo báo chí của Hãng đã không hết lời ca ngợi sự phổ biến của các ứng dụng như Angry Birds, Candy Crush Saga và Instagram, mà không thấy được rằng những thông báo liên tục xuất hiện, những tiếng “ping” dồn dập vang lên trong điện thoại luôn làm rất tốt nhiệm vụ: nhắc nhở người dùng phải thường xuyên kiểm tra màn hình.

Cai nghien smartphone

Đây được xem là nguyên nhân của hàng loạt căn bệnh, từ khiến con người không còn có nhu cầu gặp mặt trực tiếp, làm xáo trộn giấc ngủ, cho đến can thiệp vào quá trình giáo dục của trẻ em và làm tăng nỗi lo âu, trầm cảm, thậm chí khiến cho giới trẻ có nguy cơ tự sát cao.

Vào tháng 6.2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một khái niệm mới về “chứng rối loạn do chơi game” để chỉ những người bệnh có cuộc sống cá nhân hoặc công việc bị điên đảo do chơi video game quá mức. Các nước châu Á đang ra sức giải quyết vấn đề này trong nhiều năm.

Năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc quy định tất cả những người sử dụng smartphone dưới 19 tuổi phải cài đặt một ứng dụng mà cho phép cha mẹ theo dõi hoạt động của họ. Tại Trung Quốc, những người nghiện game và internet được gửi đến trại cai nghiện. Giờ các hãng công nghệ đã đi một bước đầu tiên quan trọng: thừa nhận chứng nghiện smartphone là một vấn đề nghiêm trọng.

Vì smartphone hiện là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để lướt web, nên các nhà chiến dịch đã tập trung mọi sự chú ý vào Apple và Google, 2 công ty có hệ điều hành chạy trên hầu hết smartphone.

Đưa vào quản lý

Đầu năm nay, 2 nhà đầu tư của Apple là Jana Partners và California State Teachers’ Retirement System (Calstrs) đã viết thư gửi đến Apple, yêu cầu hãng này phải xem xét lại “các hậu quả lâu dài của những công nghệ mới”.

“Apple có thể đóng vai trò quyết định trong việc báo hiệu cho ngành này rằng sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe và sự phát triển của thế hệ kế tiếp mới là phương thức kinh doanh tốt và cũng là điều đúng đắn nên làm”, họ viết. Hai nhà đầu tư này khẳng định: “Những doanh nghiệp theo đuổi các hoạt động kinh doanh chỉ có ý nghĩa ngắn hạn có thể làm suy yếu khả năng sống còn của chính họ trong dài hạn”.

Câu chuyện nghiện smartphone đến nay vẫn chưa dẫn đến các mối đe dọa pháp lý nghiêm trọng và các vụ kiện tụng hàng loạt (như đã xảy ra ở ngành thuốc lá và dầu mỏ). Tuy nhiên, cả Google lẫn Apple đã bắt đầu vào cuộc, vì không muốn “mất bò mới lo làm chuồng”.

Cai nghien smartphone

Các công cụ Digital Wellbeing của Google và Screen Time của Apple có thể tính toán một người dùng smartphone dành ra bao nhiêu thời gian vào một số ứng dụng nào đó và cung cấp cho cha mẹ và các cá nhân những công cụ để thiết lập thời gian sử dụng tối đa cho phép. Apple sẽ cho phép cha mẹ khóa một số ứng dụng và trò chơi trên thiết bị của trẻ vào một số giờ trong ngày. Họ cũng có thể chặn tiếng hoặc lọc các thông báo gửi vào điện thoại của trẻ.

Các công cụ đó sẽ được tung ra trong năm nay, có mặt trong các phiên bản kế tiếp của Android và iOS. Jean Twenge, tác giả của iGen, cuốn sách về “Các đứa trẻ siêu kết nối”, cho biết các bậc cha mẹ đang rất sốt ruột chờ những công cụ kiểm soát này ra mắt.

Cũng theo Twenge, không giống như Google, Apple kiếm phần lớn lợi nhuận từ việc bán thiết bị hơn là từ quảng cáo và vì thế, hãng này có cơ hội biến nghĩa vụ thành lợi thế bán hàng. “Các bậc cha mẹ có thể thích mua iPhone cho con hơn nếu họ có được quyền kiểm soát đối với hoạt động sử dụng điện thoại. Đối với Facebook, Instagram, Snapchat và các ứng dụng khác, lại khó khăn hơn rất nhiều vì mô hình kinh doanh của họ lại dựa vào việc người sử dụng dành nhiều thời gian trên website”, bà nói.

Cai nghien smartphone

Các hãng công nghệ đã vào cuộc, nhưng một số nhà chiến dịch muốn họ phải đi xa hơn nữa. Tiến sĩ David Greenfield, nhà tâm lý học lâm sàng, sáng lập Trung tâm Nghiện Công nghệ và Internet, cho biết: “Internet có tính gây nghiện, smartphone thậm chí còn gây nghiện nhiều hơn.

Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để giáo dục mọi người đều giúp cải thiện tình trạng này”, ông nói. Greenfield khuyến cáo các tính năng được giới thiệu bởi các hãng công nghệ lớn có thể không giúp ích cho “người nghiện quá nặng”, tức những người dành ra cao hơn mức trung bình 5-7 tiếng/ngày vào điện thoại.

Greenfield đặt câu hỏi liệu các công ty có phải đang đưa ra các biện pháp chỉ để cải thiện hình ảnh của mình trước sự chỉ trích của cổ đông và dư luận. “Rất khó mà không hoài nghi về ý đồ của họ”, ông nói, dẫn chứng rằng vấn đề nghiện đã tồn tại một thời gian rất lâu - khi ông viết cuốn sách đầu tiên về chứng nghiện công nghệ vào năm 1999 - nhưng các công ty chờ 20 năm sau mới vào cuộc.

Greenfield tin rằng vấn đề này rồi sẽ được đưa vào khuôn khổ. “Rất nhiều thứ ban đầu không được đưa vào luật như thuốc lá, rượu, đánh bạc, nhưng sau đó, cơ quan quản lý đã vào cuộc và kiểm soát các vấn đề này”.

Một câu hỏi đặt ra: Số phận của Google, Facebook và Twitter... sẽ như thế nào khi mô hình kinh doanh của họ đều dựa vào sự chú ý của người tiêu dùng để đảm bảo doanh thu quảng cáo? Chắc chắn câu chuyện nghiện smartphone sẽ khiến các hãng internet càng thêm rối rắm trong bối cảnh họ đang đối mặt với quá nhiều sức ép từ cơ quan quản lý, dư luận liên quan đến tính riêng tư, thuế và hành vi chống độc quyền.