Đợi Kiều - vở cải lương thể nghiệm do Tiến sĩ Đào Lê Na viết kịch bản và đạo diễn, Tiến sĩ Lê Hồng Phước chuyển soạn. Ảnh: TL.

 
Lê Phan Thứ Hai | 09/10/2023 14:00

Cải lương: Cần cách tân hay khu biệt biểu diễn?

Thử nghiệm các loại hình biểu diễn truyền thống không chỉ có vai trò thu hút người trẻ mà còn mở ra những tiếp biến mới, sáng tạo mới trong tương lai.

Mang cải lương kết hợp với những thể loại âm nhạc hoặc loại hình biểu diễn đương đại đang được nhiều cá nhân tâm huyết với nghệ thuật truyền thống thực hiện. Tuy kết quả thu được không ít khả quan nhưng cũng đặt ra dấu hỏi lớn về hướng đi dài hơi.

Từ rap đến loại hình biểu diễn thể nghiệm

Tháng 9 năm nay, Đợi Kiều - vở cải lương thể nghiệm do Tiến sĩ Đào Lê Na viết kịch bản và đạo diễn, Tiến sĩ Lê Hồng Phước chuyển soạn - vừa tái diễn. Trong vở diễn này, ngoài các bài vọng cổ, đờn ca tài tử, Đợi Kiều còn có múa bóng và phần vũ đạo đương đại do nghệ sĩ Lê Mai Anh thực hiện. Phần âm nhạc là sự kết hợp 2 mảng cổ và tân nhạc của NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Toàn Thắng, nhóm Humm và nhiều nghệ sĩ trẻ. Đợi Kiều, như chia sẻ của Tiến sĩ Đào Lê Na, theo đuổi sứ mệnh lan tỏa giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống Việt đến khán giả trẻ, khuyến khích sự thử nghiệm và sáng tạo. Chi phí cho vở diễn do Tiến sĩ Đào Lê Na đầu tư, bên cạnh đó là sự hỗ trợ, đồng hành từ một số đơn vị.

Sau lần trình diễn thành công đầu tiên vào năm 2022, thu hút khoảng 600 khán giả, lần này, Đợi Kiều đến với Làng Đại học Thủ Đức. Mục tiêu của Tiến sĩ Đào Lê Na là thu hút thêm khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên cũng như đo lường ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống, cụ thể là cải lương đến sinh viên. Mặc dù giá vé ưu đãi hơn đợt 1 (có 2 loại vé là 99.000 đồng và 119.000 đồng) để phù hợp với điều kiện của sinh viên và trước đó, chương trình đã có những hoạt động tiền sự kiện tại 5 trường đại học nhưng lượt vé bán ra chỉ bằng 1/2 năm trước. Trong đó, chỉ có khoảng 100 khán giả là sinh viên.

Tiến sĩ Đào Lê Na nhận định có 2 nguyên nhân chính khiến Đợi Kiều lần này kém người xem hơn lần 1. Thứ nhất là tâm lý e ngại trong sinh viên vẫn còn quá lớn. Dù đã có buổi nói chuyện tại các trường đại học nhưng khi nhắc đến cải lương, tâm lý “sợ không hiểu”, “ngán” ở sinh viên nói riêng và người trẻ nói chung vô cùng phổ biến. Ở thời buổi có quá nhiều loại hình giải trí miễn phí qua các thiết bị thông minh, những loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương hoàn toàn lép vế. Thứ 2 là địa điểm biểu diễn khá xa trung tâm. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Đào Lê Na vẫn lạc quan khi cho rằng “có thêm 100 khán giả trẻ, chưa mấy mặn mà hoặc tiếp xúc với cải lương trước đó là tín hiệu đáng mừng để có thể gieo những hạt mầm tiếp theo”.

Trước đó, vào tháng 7/2023, rapper Wowy đã kết hợp với NSND Bạch Tuyết tung MV Tia Sáng Cuối Cùng với đội ngũ thực hiện là những nhà sản xuất tài năng như NSND Thanh Hải, nhạc sĩ Phạm Hải Âu... Dẫu rap kết hợp với âm nhạc dân tộc (bao gồm cải lương) không mới, nhưng MV cho thấy sự sáng tạo và giàu thể nghiệm dù không dễ nghe. Sau 3 tháng, MV có khoảng 657.000 lượt xem trên nền tảng YouTube. NSND Thanh Hải, cố vấn âm nhạc cho sản phẩm, nhận định, những điều mới mẻ có thể khiến khán thính giả khó chấp nhận và thưởng thức. Tuy nhiên, Tia Sáng Cuối Cùng là cần thiết vào thời điểm hiện tại để khán giả trẻ biết ngôn ngữ của nhạc rap, hiphop có tương đồng với nhiều thể loại âm nhạc khác của Việt Nam.

Cần trợ lực từ Nhà nước

 

Mỗi loại hình nghệ thuật ra đời hội tụ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời đại. Khi tính thời đại qua đi, loại hình nghệ thuật khác sẽ thành hình và thay thế. Đây là tính tiếp biến của nghệ thuật. Tại một số quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật, Hàn, các loại hình nghệ thuật truyền thống thường nhận được bảo trợ của chính phủ và được biểu diễn trong những không gian riêng, phục vụ ngoại giao hoặc khách du lịch. Phải chăng các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam như cải lương, hát chèo, hát bội hoặc tuồng... cũng nên được quy hoạch như thế?

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đào Lê Na cho rằng sự hỗ trợ từ Nhà nước để bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống là điều vô cùng cần thiết. Bà cũng nhấn mạnh, việc bảo tồn này ở các quốc gia châu Á gần như là những gì tinh túy nhất của loại hình nghệ thuật đó. Tuy nhiên, ở khía cạnh tiếp biến của nghệ thuật, không nên đóng khung việc thử nghiệm, làm mới các loại hình nghệ thuật truyền thống. Việc thử nghiệm này không chỉ có vai trò thu hút người trẻ mà còn mở ra những hình thức tiếp biến mới, sáng tạo mới trong tương lai mà chính người thực hiện cũng chưa thể hình dung hoặc gọi tên.

Quan trọng hơn, mang nghệ thuật truyền thống kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại sẽ tạo nên sự gần gũi và khơi dậy sự tò mò cho người trẻ. Đồng quan điểm này, NSND Bạch Tuyết cho rằng người trẻ ngày nay rất giỏi. Họ sẽ tự tìm học cái mà họ muốn biết. Lúc đó, việc học mới thực sự hiệu quả lâu dài. Những MV như Tia Sáng Cuối Cùng đã giúp khơi dậy sự thắc mắc, tò mò, muốn biết, muốn tìm hiểu. Bà khẳng định, đây là bước quan trọng để người trẻ có thể lấy cảm hứng và tạo nên nhiều điều hay và tử tế trong tương lai. Tất nhiên, bất kỳ sự kết hợp nào cũng cần tìm ra điểm dung hợp thay vì gượng ép.

Về hướng đi lâu dài cho các loại hình thể nghiệm với nghệ thuật truyền thống, Tiến sĩ Đào Lê Na cho rằng Nhà nước cần xây dựng và thiết lập các quỹ hỗ trợ, đồng thời cụ thể và chi tiết hóa phương thức nộp hồ sơ để những dự án này có thêm điểm tựa phát triển.

Có thể bạn quan tâm:

Tháng phim tôn vinh đạo diễn Đặng Nhật Minh tại TP.HCM