00:00
    Theo Genetica Thứ Hai | 09/08/2021 09:31

    Cách tối ưu dư lượng vaccine ít được biết tới

    Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lịch sử bằng những cách làm khoa học và sáng tạo.

    “Trong cái khó ló cái khôn”: Cách tiết kiệm vắc xin

    Có một thực tế trong ngành sản xuất vắc xin của các hãng dược là họ sẽ đổ thêm vắc xin vào lọ, để giúp nhân viên y tế cung cấp số lượng liều chính xác. Hiện tượng này gọi là dư lượng (overfill). Dư lượng bao gồm lượng vắc xin còn sót lại trong lọ mà không thể rút ra được. Vắc xin bị giữ lại trong không gian chết của lọ; cũng như bị thất thoát ra ngoài trong quá trình điều chỉnh liều nếu bị đẩy ra ngoài không khí.

    Việc thể tích vắc xin trong lọ vượt quá thể tích ghi trên nhãn được các cơ quan quản lý biết tới. Dư lượng cho một lọ 10 liều có thể dao động từ 16% đến 24%, tức là trong mỗi lọ 10 liều 0.5ml (lọ chuẩn của Oxford-Astrazeneca vắc xin) có thể có từ 5,8 đến 6,2mL. Nói cách khác, trong mỗi lọ vắc xin 10 liều thực ra có thêm 2 liều... miễn phí.

    Vậy làm sao tận dụng được 2 liều này để có thêm vắc xin miễn phí? Câu trả lời nằm ở loại ống tiêm được sử dụng.

    Gần đây, ngành y tế Quảng Nam đã có cách làm sáng tạo khi tiết kiệm được đến… 3000 liều vắc xin so với lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ, giúp mở rộng đối tượng được tiêm. Để có được kết quả như vậy, ngành Y tế Quảng Nam đã sử dụng bơm tiêm 1cc, và luôn bố trí người tiêm để đủ cho 1 lọ vắc xin.

    Cụ thể, với 1 lọ vắc xin, Bộ Y tế giao tiêm cho 10 đối tượng, thì sở y tế Quảng Nam tiêm được tới 12-13 đối tượng. Bằng cách tiêm cho những đối tượng ưu tiên trước, còn lại dư lượng thuốc trong lọ thì chuyển qua tiêm cho những đối tượng cán bộ y tế đang công tác tại bệnh viện, cơ sở y tế. Vì thế, được cấp cho 23.630 liều vắc xin, nhưng sở y tế Quảng Nam đã tiêm được cho 27.320 đối tượng, đạt 115,6%.

    Tại Hàn Quốc, cơ quan y tế của chính phủ đã cho phép nhân viên y tế sử dụng vắc xin còn dư nếu họ có thể chiết được lượng vắc xin đủ liều với bơm tiêm có khoảng chết thấp (LDS). Với cách này, một lọ vắc xin Pfizer/BioNTesch có thể tiêm cho 7 người so với 6 người trước đây, trong khi một lọ vắc xin AstraZeneca có thể tiêm cho 12 người thay vì chỉ 10 người. Việc tăng liều chiết của mỗi lọ vắc xin không mang tính bắt buộc, tuy nhiên, các nhân viên y tế Hàn Quốc cho biết đây là một quy trình an toàn, dễ dàng, không ảnh hưởng đến chất lượng và liều lượng của các liều tiêm.

    Tương tự tại Malaysia, trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng Covid-19, ngành y tế nước này đã sử dụng 12 triệu ống tiêm LDS để tối ưu lượng vắc xin. “Trong giai đoạn này, vắc xin có giá trị cao và đắt tiền nên việc sử dụng bơm tiêm phù hợp là rất quan trọng để đảm bảo không bị lãng phí, thất thoát. Và ống tiêm LDS với ít không gian chết, sẽ tiết kiệm được 0.08ml vắc-xin cho mỗi lọ”, các chuyên gia y tế Malaysia cho biết.

    Từ kinh nghiệm của Quảng Nam, các sở y tế trên nhiều tỉnh thành cũng sẽ áp dụng cách làm tương tự, để có thể mở rộng thêm đối tượng được tiêm ở những nơi nguy cơ mang mầm bệnh cao, giúp nhiều người có cơ hội được tiếp cận vắc xin sớm nhất có thể.

    Công nghệ gen góp sức

     

    Trong cuộc chiến với Covid-19, công nghệ phân tích gen đã và đang đóng vai trò quan trọng khi giúp các nhà khoa học giải trình tự gen virus, hỗ trợ cho việc bào chế vắc xin đạt hiệu quả.

    Ngoài ra, công nghệ gen cũng phục vụ kế hoạch tiêm chủng đạt hiệu quả cao. Ví dụ như chính phủ Mỹ đã xây dựng được những mô hình phần mềm máy học (Machine Learning) và khai thác dữ liệu, không chỉ xác định thứ tự được tiêm vaccine, mà còn phục vụ việc truy vết, dự đoán tiên lượng, biến chứng của các ca nhiễm. Ngoài các yếu tố độ tuổi, bệnh lý nền, tính chất công việc... thì thông tin gen cũng được đưa vào để đánh giá.

    Vài năm qua, nhiều nghiên cứu tại Anh, Mỹ cho thấy triển vọng tương lai giữa công nghệ gen và hiệu quả của vắc xin trong đáp ứng miễn dịch. Mỗi cá nhân sẽ có đáp ứng miễn dịch khác nhau. Đó là lý do vì sao một người tiêm vắc xin chỉ có tác dụng phụ nhẹ, còn người khác có thể gặp phản ứng nặng hơn.

    Trong y khoa, thuật ngữ “Pharmacogenomics” (Hệ gen Dược lý) là khái niệm của một ngành khoa học nhằm mục đích nghiên cứu các biến thể trong trình tự gen, chịu trách nhiệm về hiệu quả và khả năng dung nạp thuốc ở mỗi cá nhân. Cụ thể, các xét nghiệm ADN xác định các biến thể đa hình này, có thể dự đoán - ít nhất một phần - cách bệnh nhân sẽ phản ứng với một loại thuốc nhất định.

    Đơn cử, một nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm (Đại học Oxford) cho thấy rằng các dạng haplotype trong phức hợp gen interleukin-1 và gen IL18 có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ sốt sau khi tiêm chủng cho người lớn khỏe mạnh.

    Các kết quả xét nghiệm di truyền trong tương lai có thể làm được 2 việc: Một là, bác sĩ có thể sử dụng để lựa chọn loại thuốc phù hợp với bệnh nhân, nhằm tối ưu hóa liều lượng và giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ.

    Hai là đối với vắc xin phòng bệnh, nhà nghiên cứu có thể đánh giá nguy cơ của các yếu tố di truyền đối với các phản ứng có hại sau tiêm chủng. Tuy hiện nay vẫn chưa có ứng dụng thực tế, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng lĩnh vực di truyền học sẽ đóng góp những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này.

    Trên thực tế, việc sử dụng thông tin gen kết hợp với các xét nghiệm miễn dịch trong phòng thí nghiệm có thể mang đến những thông tin quan trọng. Những dữ liệu này sẽ không giải thích riêng lẻ, thay vào đó, các công cụ phân tích tích hợp sẽ xuất hiện để phối hợp sử dụng dữ liệu di truyền, dữ liệu lâm sàng. Và việc phát triển và sử dụng hiệu quả các công cụ phức hợp này đòi hỏi hợp tác chặt chẽ của các nhóm đa ngành, gồm bác sĩ lâm sàng, nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, chuyên gia tin-sinh học và nhà thống kê.

    Do vậy, mục tiêu dài hạn của ngành y học là có thể xác định được các đặc điểm di truyền trước khi tiêm chủng, nhằm giúp các chuyên gia điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng tùy theo mức độ nguy cơ của một người. Đó chính là một nhánh của Y học chính xác (y học cá nhân) mà giới khoa học đang hướng đến.