Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng khác trong G20 đều được sinh viên quốc tế yêu thích.
Các nước Nam bán cầu trở thành điểm đến yêu thích của sinh viên nước ngoài
Từ trước đến nay, Mỹ và các quốc gia phát triển ở châu Âu thường là điểm đến yêu thích của sinh viên ngoại quốc, nhưng ngày càng có nhiều người hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác để theo đuổi chương trình giáo dục đại học.
Cô Rina Lika, một sinh viên 20 tuổi người Albania, ban đầu định đến châu Âu để du học nhưng cuối cùng lại quyết định theo học tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nhiều trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ có danh tiếng tốt và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp học bổng không chỉ bao gồm học phí và phí ký túc xá mà còn cả chi phí sinh hoạt”, cô Lika, sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Ankara, cho biết.
Các trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyển sinh tổng cộng 180.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020, tăng gấp 10 lần so với 20 năm trước.
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng khác trong G20 đều được sinh viên quốc tế yêu thích. Trong vòng 20 năm tính đến năm 2020, số lượng sinh viên nước ngoài đã tăng khoảng 37 lần ở Argentina, 19 lần ở Mexico và 7 lần ở Ấn Độ, trong khi con số này chỉ tăng trung bình gấp 3 lần trên toàn thế giới, theo UNESCO.
Mỹ vẫn đứng đầu về số lượng sinh viên nước ngoài, với 950.000 sinh viên vào năm 2021, tiếp theo là Vương quốc Anh và các nước phát triển khác. Nhưng tỉ lệ của các quốc gia có thu nhập trung bình đã tăng 6 điểm phần trăm trong khoảng thời gian 20 năm.
Trong làn sóng đi du học từ các nền kinh tế đang phát triển thì số lượng sinh viên du học từ các nước có thu nhập trung bình hiện chiếm khoảng 60% tổng số.
Thay vì tìm kiếm nền giáo dục ở các nước phát triển, nhiều sinh viên ở các quốc gia đang phát triển thích các trường đại học ở các khu vực trung tâm lân cận, nơi học phí thấp hơn và cơ hội việc làm ngày càng tăng.
Argentina đã tiếp nhận 120.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2020, tăng 60% so với năm 2016, trong khi số lượng sinh viên này tăng trung bình 20% trên toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Buenos Aires đứng ở vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng Thành phố dành cho sinh viên tốt nhất năm 2023 của Quacquarelli Symonds, một công ty tư vấn của Anh.
Trong khi hầu hết các thành phố được xếp hạng hàng đầu đều ở các nước phát triển, thủ đô của Argentina được coi là "một thành phố năng động với nhiều cơ hội dành cho sinh viên quốc tế." Thành phố cũng cung cấp chi phí sinh hoạt thấp và học phí tương đối thấp cũng như đa dạng, với 15% sinh viên đến từ bên ngoài Argentina.
Ông Maji Rhee, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Đại học Waseda của Tokyo, cho biết: “Việc trao đổi xuyên biên giới nhiều hơn giúp tăng cường mối giao hảo giữa các nước.” Ông Rhee hy vọng số lượng sinh viên đến Nam bán cầu sẽ tăng lên khi đại dịch COVID-19 hoàn toàn kết thúc.
Ông Hiroshi Sato, Giáo sư tại Đại học Tsukuba, phía đông bắc Tokyo, đồng thời là chuyên gia về giáo dục quốc tế, ghi nhận những thay đổi trong thái độ của giới trẻ đối với việc du học. Sinh ra trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều bạn trẻ cởi mở hơn với việc học tập tại các quốc gia mới nổi. Dễ dàng truy cập thông tin qua phương tiện truyền thông xã hội cũng giúp các trường học ở những quốc gia này dễ tiếp cận hơn.
Một số quốc gia mới nổi đã biến lợi thế này thành chính sách quốc gia để thu hút sinh viên nước ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu cung cấp nhiều khoản trợ cấp cho sinh viên hơn vào khoảng năm 2012, và đã chứng kiến số lượng ứng viên nước ngoài tăng gấp 4 lần lên 160.000, trong thập kỷ qua. "Chúng tôi sẽ tăng số lượng sinh viên nước ngoài lên 1 triệu để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 5 điểm đến du học hàng đầu thế giới", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết vào ngày 11/4. Trung Quốc, thuộc Nam bán cầu, cũng được sinh viên ở Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ và các nước khác yêu thích.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn Nikkei Asia