Ảnh: WSJ
Các nhà sản xuất xe hơi lo sốt vó vì tình trạng thiếu hụt phụ tùng Trung Quốc
Đối mặt với tình trạng thiếu hụt linh kiện, Hyundai Motor của Hàn Quốc đang tạm ngưng hoạt động tại 3 nhà máy lắp ráp xe hơi của họ.
Việc đóng cửa nhà máy trên được cho là sẽ kéo dài ít nhất 1 tuần, mặc dù người lao động và ban quản lý vẫn đang thương lượng về thời gian đóng cửa nhà máy.
Những người trong ngành cho biết Hàn Quốc có thể hứng chịu “cú tát” đầu tiên, nhưng các nhà sản xuất xe hơi Mỹ và Nhật Bản cũng đối mặt với những rủi ro tương tự tới chuỗi cung ứng của họ ở các mức độ khác nhau.
Nhấn mạnh đến chuyện Trung Quốc vẫn đang chuyển linh kiện thông qua tàu thuyền, giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất xe hơi Mỹ cho biết Công ty có khoảng 2 tháng trước khi các đợt mua linh kiện từ Trung Quốc ngừng lại. Người này cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ tức thời hơn từ tình trạng đóng cửa hoạt động sản xuất xe hơi, nhưng Công ty xe hơi Mỹ này sẽ cần phải “điều chỉnh” hoạt động sản xuất nếu vấn đề này kéo dài.
Trung Quốc – vốn là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới – đã trở thành nhà cung ứng quan trọng về phụ tùng xe hơi. Trong khi đó, Vũ Hán – tâm chấn của sự bùng phát virus corona, hay 2019-nCoV – lại là trung tâm sản xuất chính về các phụ tùng xe hơi, do đó các nhà sản xuất xe hơi có lý do để lo ngại.
Khi hoạt động sản xuất xe hơi thành phẩm của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh (gần như gấp đôi lên mức 25,7 triệu USD trong 10 năm qua), ngày càng nhiều các nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi được xây dựng lên xoay quanh nhà máy lắp ráp xe hơi. Phần lớn sản phẩm của họ được xuất khẩu tới các thị trường khác.
Trong đó, khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Trung Quốc trong năm 2017 có đích đến là Mỹ, theo các nguồn tin địa phương, kế đó là 10% đến Nhật Bản, 5% đến Hàn Quốc và 5% đến Đức.
Mỹ nhập khẩu 11 tỷ USD phụ tùng xe hơi từ Trung Quốc trong năm 2018 – chỉ đứng thứ hai sau Mexico, trong đó bao gồm các sản phẩm như động cơ và các phụ tùng xe hơi khác. Các công ty Mỹ cũng thường nhập khẩu phụ tùng từ Trung Quốc một cách gián tiếp, thông qua Nhật Bản hoặc Mexico.
Dữ liệu từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETO) cho thấy, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 347 tỷ yen (tương đương 3,2 tỷ USD) phụ tùng xe hơi từ Trung Quốc trong năm 2018, gần như tăng gấp 10 lần so với thời điểm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) bùng phát trong năm 2002-2003.
Khi chất lượng của nguồn lao động địa phương được nâng cao, Toyota Motor, Honda Motor và Nissan Motor đã gia tăng sử dụng linh kiện do Trung Quốc sản xuất ngay cả trong các nhà máy lắp ráp trong nước. Tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài có thể đẩy hoạt động sản xuất của họ vào tình thế hiểm nghèo.
Nhà cung ứng cho Toyota, Toyota Boshoku nhập khẩu đồ bọc ghế từ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) vào Nhật Bản và họ cung cấp dây đai an toàn được sản xuất ở Thượng Hải cho Tokai Rika tại Nhật Bản. Công ty liên kết với Toyota là CHK Spring Industry bán dây cáp “Made in China” – vốn là thành phần trong ổ khóa cửa tự động của xe hơi – cho các khách hàng Nhật Bản.
“Có những phụ tùng mà chúng tôi không thể lập tức sản xuất ở nơi khác”, đại diện của CHK cho biết.
Tính trung bình, các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi dự trữ hàng tồn kho đủ dùng trong 1 tháng và nhiều công ty dự trữ thêm khi họ có các giao dịch xuyên biên giới. Xét tới việc tăng dự trữ trước thềm Tết, bất kỳ sự gián đoạn nào từ virus corona kéo dài 2 tháng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất xe hơi Nhật Bản, một chuyên viên phân tích chứng khoán dự báo.
Thế nhưng, Masaki Oka, Giám đốc tại nhà sản xuất phụ tùng Toyoda Gosei – vốn có liên kết với Toyota, cho biết họ chỉ còn nguồn cung phụ tùng trong 1 tuần và do đó họ đang thiếu hụt nguồn cung. Toyoda Gosei – vốn bán các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất như lưới tản nhiệt xe hơi và các thành phần túi khí cho Nhật Bản và Mỹ - đang kiểm tra lượng hàng tồn kho và xem xét kế hoạch sản xuất thay thế.
Một công ty sản xuất phụ tùng trang trí nội thất xe hơi đã phát đi cảnh báo cho khách hàng.
“Nếu tình trạng đóng cửa sản xuất ở Trung Quốc tiếp diễn trong khoảng thời gian quá dài và phụ tùng không được chuyển tới, chúng tôi có thể không đủ khả năng duy trì sản xuất ở Nhật Bản”, một đại diện từ nhà sản xuất này cho biết.
Tình trạng tạm ngưng sản xuất ở Hyundai – nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Hàn Quốc – càng làm gia tăng căng thẳng đối với một ngành vốn đã trên đà giảm tốc. Ngành sản xuất xe hơi chiếm khoảng 20% GDP của Hàn Quốc, bao gồm cả những lĩnh vực liên quan.
Công ty liên kết với Hyundai, Kia Motors, đang cân nhắc tạm ngưng sản xuất, tùy thuộc vào nguồn cung của họ ra sao. SsangYong Motor, nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc hạng trung và do tập đoàn Mahindra & Mahindra sở hữu, cũng tạm ngưng hoạt động của các nhà máy.
Nhiều thành phố Trung Quốc (ngoài Vũ Hán) đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Âm lịch đến ngày Chủ nhật (02/02) nhằm giảm bớt sự lây lan của virus corona. Thậm chí sau khi tiếp tục hoạt động trở lại, hoạt động xuất khẩu có thể không tăng ngay lập tức, khi các công ty vận tải và văn phòng hải quan có thể bị thiếu hụt nhân viên.
Nguồn Nikkei Asian Review