Ảnh: Linh Phạm/Getty Images

 
Hà Linh Chủ Nhật | 08/09/2019 13:23

Các bãi biển của châu Á trở nên yên tĩnh khi du khách Trung Quốc ở nhà

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cùng cùng sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ đã tác động đến ngành du lịch ở khu vực Đông Nam Á.

Sự bùng nổ về nhu cầu du lịch nước ngoài của người Trung Quốc trong những năm gần đây giúp ngành du lịch ở Đông nam Á luôn có mức tăng trưởng cao. Do đó, lượng du khách Trung Quốc suy giảm khiến cho các quốc gia như Thái Lan, Indonesia điêu đứng vì sự phụ thuộc vào du khách từ nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Ông Kampon Adireksombat, người phụ trách nghiên cứu kinh tế và tài chính tại Siam Commercial, một ngân hàng Thái Lan, nhận định rằng, sự sụt giảm về lượng khách đến và chi tiêu cho du lịch từ Trung Quốc đang diễn ra trên toàn khu vực. “Các thành phố du lịch sẽ chịu rủi ro lớn khi phụ thuộc vào một thị trường và nhiều quốc gia có thể không tìm được dòng khách mới để duy trì tăng trưởng”.

“Dự kiến, sự sụt giảm sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2020, nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc”, ông nói.

Theo một báo cáo của McKinsey, thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đã tăng lên đều đặn trong thập kỷ qua. Điều này khiến người dân nước này chi tiêu cho giải trí, du lịch nhiều hơn. Hiện Trung Quốc trở thành nguồn khách quốc tế lớn nhất thế giới. Các tour du lịch có hướng dẫn viên nói tiếng Trung, các quán ăn Trung Quốc và các dịch vụ thanh toán di động của Trung Quốc mọc lên khắp nơi, từ Đà Nẵng đến Yogyakarta. Khách Trung Quốc ngày càng hứng thú hơn với Đông Nam Á vì sự gần gũi và các món ăn hợp khẩu vị.

Cac bai bien cua chau A tro nen yen tinh khi du khach Trung Quoc o nha
Tỷ trọng (%) đóng góp của du lịch vào GDP của các nước.

Sau khi các công ty và chính quyền địa phương rót hàng triệu USD vào việc mở rộng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và cơ sở du lịch thì lượng khách Trung Quốc lại sụt giảm.

Tại Singapore, các nhà điều hành sòng bạc Las Vegas Sands và Genting Singapore đã tuyên bố đầu tư 9 tỷ USD vào các khu nghỉ dưỡng của họ vào đầu năm nay.

Tại Thái Lan, hoạt động kinh doanh của Central Plaza Hotel trong quý II/2019 đã suy giảm do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, ông Ronnachit Mahattanapruet, phó chủ tịch của công ty nói trong một cuộc gặp nhà đầu tư vào tháng trước. Ông cho biết thêm tỷ lệ đặt phòng đã giảm 7% trong quý 2. Nhà điều hành có trụ sở tại Bangkok chuẩn bị đưa thêm 2.040 phòng vào hoạt động, bên cạnh 6.678 phòng hiện có.

Lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm trong 5 tháng trên 7 tháng đầu năm 2019. Trong khi, tại Singapore, lượng khách Trung Quốc cũng giảm trong các tháng 3, 5 và 6 làm ảnh hưởng nặng nề đến tổng lượng khách quốc tế.

Cac bai bien cua chau A tro nen yen tinh khi du khach Trung Quoc o nha
Du khách Trung Quốc đang suy giảm ở các nước Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Tại Indonesia, tỷ lệ khách Trung Quốc đã giảm từ 19% vào đầu năm 2017 xuống còn 13% vào tháng 7 năm 2019.

Du khách Trung Quốc, Hong Kong đến Việt Nam đã giảm 3% trong 7 tháng đầu năm 2019, trong khi cùng kỳ lượng khách này tăng tới 34%.

Tuy nhiên, việc du lịch tăng trưởng chậm lại đã làm suy yếu một trụ cột tăng trưởng khác cho Đông Nam Á tại thời điểm xuất khẩu đang bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại. Trong một dự báo vào tháng 7, Quỹ tiền tệ quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng của năm nền kinh tế hàng đầu khu vực  xuống còn 5% từ mức 5,1% trong báo cáo tháng 4, báo hiệu sự chậm lại hơn nữa.

Hiện các quốc gia đang cố gắng xây dựng chiến lược nhằm thu hút khách du lịch từ các quốc gia khác. Cụ thể như, Thái Lan miễn lệ phí visa cho du khách Ấn Độ từ đầu năm nay, trong khi đó, các nhà khai thác hàng không và khách sạn cũng đang cố gắng tăng cường kết nối giữa hai nước. 

Về phần mình, Việt Nam đang thiết lập văn phòng xúc tiến du lịch ở Anh và Úc, trong khi các chuyến bay thẳng Ấn Độ - Việt Nam theo kế hoạch sẽ được triển khai từ tháng 10.

►Phú Quốc đón 2,7 triệu du khách

►Du khách Trung Quốc có thể thay đổi du lịch thế giới?

►Du khách nước nào chi tiêu nhiều nhất khi đi du lịch

Nguồn Bloomberg