Công chúa Nhật Mako và hôn phu Kei Komuro tổ chức đám cưới tại Tokyo vào ngày 26/10. Ảnh: AP.
Bước ngoặt trong cuộc đời Công chúa Nhật
Theo Reuters, Công chúa Mako của Nhật Bản, cháu gái của hoàng đế, vừa kết hôn với người yêu thời đại học của mình hôm 26/10, từ bỏ tước vị hoàng gia và quyết tâm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc với người chồng "không thể thay thế" sau vụ đính hôn gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, đám cưới của họ không diễn ra theo nghi thức hoàng gia thông thường, giữa những tranh cãi về tranh chấp tài chính liên quan đến mẹ của ông Komoru.
Khi Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản nộp đăng ký kết hôn của họ sáng nay, cuộc đời Công chúa Mako chính thức bước sang trang mới, khi cô không còn là một thành viên hoàng tộc lâu đời nhất thế giới.
Công chúa Mako vẫy tay rời nhà để dự hôn lễ tại Akasaka Estate ở Tokyo, Nhật Bản ngày 26/10/2021. Ảnh: Reuters. |
Theo luật, thành viên nữ hoàng gia sẽ tự động trở thành dân thường nếu kết hôn với thường dân và tên sẽ bị xóa khỏi gia phả hoàng tộc. Vì lý do này, sau khi đăng ký kết hôn, cô Mako đổi tên thành Mako Komuro theo họ chồng.
Các thành viên nam của hoàng gia Nhật Bản vẫn có thể ở lại gia tộc sau khi kết hôn với thường dân, nếu được hội đồng gia đình gồm 10 người chấp thuận.
Là một công chúa nhưng cô Mako cũng phải từ bỏ nghi thức cưới hỏi hoàng gia truyền thống để tránh sự chú ý của dư luận. Đám cưới của cô diễn ra mà không có bất cứ nghi lễ nào như các thành viên hoàng tộc trước đây, sau khi hôn lễ phải trì hoãn nhiều năm vì hứng sự chỉ trích từ công chúng nhắm vào gia đình Komuro.
Cô đồng thời từ chối khoản hồi môn 150 triệu yen (hơn 1,3 triệu USD) thường được trao cho các nữ thành viên hoàng gia khi lập gia đình bởi những lời chỉ trích dữ dội về rắc rối tài chính liên quan tới mẹ của vị hôn phu Komuro.
Sau đám cưới, cô Mako sẽ chuyển tới New York sinh sống cùng chồng. Anh Komuro đang làm việc tại một công ty luật ở Manhattan sau khi tốt nghiệp trường luật Fordham.
Tuy Mako từ chối nhận tiền hồi môn và là thành viên nữ đầu tiên của hoàng gia Nhật sau hậu chiến không nhận hồi môn, cô đã nhận được khoản trợ cấp 3 triệu yen mỗi năm khi còn chưa thành niên và 9 triệu yen mỗi năm từ khi trưởng thành. Do đó, cô Mako có thể đã tích lũy được hơn 150 triệu yen (hơn 1,3 triệu USD) trước khi lấy chồng.
Công chúa Mako của Nhật và vị hôn phu Kei Komuro đã gặp nhau sau 3 năm kể từ khi kế hoạch đám cưới của họ bị đình trệ do một vụ bê bối tài chính trong gia đình Komuro. Ảnh: AP. |
Cô Mako và anh Komuro đều 29 tuổi, đang chuẩn bị cho cuộc sống chung ở Mỹ. Vì thành viên hoàng gia Nhật không có hộ chiếu nên cô sẽ phải dùng tư cách thường dân chung hộ gia đình với Komuro để làm hộ chiếu mới để tới Mỹ. Quá trình này đòi hỏi Mako phải ở lại Nhật một thời gian.
Sự chú ý lớn của công chúng tập trung vào hai người khiến an ninh trở thành vấn đề cấp thiết. Cô Takatsukasa, con gái của Thiên hoàng Hirohito, từng bị cướp. Em gái cô, Takako Shimazu, từng thoát khỏi một vụ bắt cóc.
Sau khi rời khỏi hoàng tộc, cô Mako sẽ không được Đội Cận vệ Hoàng gia tiếp tục bảo vệ. Nếu cảnh sát Nhật coi cô là cá nhân cần đảm bảo an ninh đặc biệt, về mặt lý thuyết, cô có thể được một sĩ quan bảo vệ đi cùng mỗi khi ra đường.
Tuy nhiên, cảnh sát Nhật không thể đi cùng cô Mako ra nước ngoài nên Bộ Ngoại giao Nhật có thể yêu cầu lãnh sự quán phối hợp với cảnh sát địa phương quan tâm hơn tới vấn đề đảm bảo an ninh cho Mako.
Sau nhiều năm để đi đến hôn nhân, có lẽ ước mơ của cô Mako có lẽ cũng đơn giản như bao cô gái khác: “Để tạo nên một gia đình ấm áp và thoải mái, tràn ngập nụ cười”.
Có thể bạn quan tâm: