Phạm Vi An Thứ Tư | 24/04/2019 14:30

Bùng nổ giáo dục tư nhân

Giáo dục tư nhân đang bùng nổ ở những thị trường mới dưới những hình thức mới.

Tọa lạc giữa những tòa nhà cổ kính dưới bóng râm của Tu viện Westminster là Westminster School, ngôi trường chuyên đào tạo nam sinh kể từ khi được Nữ hoàng Elizabeth I thành lập vào năm 1560 để dạy 40 học sinh nghèo được cấp học bổng. Kể từ đó ngôi trường đã dạy học cho 750 người, trong đó có một số nữ học sinh với mức phí 39.252 bảng Anh mỗi năm cho học sinh nội trú và 27.174 bảng Anh cho học sinh bán trú; học sinh nghèo được cấp học bổng lại rất hiếm. Đáng nói là gần 500 năm qua, Westminster School chưa từng vươn ra khỏi ranh giới địa lý của mình.

Nhưng điều đó sắp thay đổi. Lễ động thổ vào ngày 9.4 vừa qua đã đánh dấu việc khởi công xây dựng Westminster Chengdu tại Thành Đô (Trung Quốc), giai đoạn 1 trong liên doanh với đối tác địa phương là Hong Kong Melodious Education Technology Group. Ngôi trường sẽ mở cửa vào tháng 9.2020 và sẽ có 2.500 học sinh tuổi từ 3-18 theo học. Sau đó, Trường sẽ xây dựng thêm 5 cơ sở có quy mô tương tự tại các thành phố khác ở Trung Quốc trong 10 năm tới.

Một phần thu nhập từ cơ sở tại Trung Quốc sẽ chảy về công ty mẹ, cho phép Westminster tăng tỉ trọng học sinh được cấp học bổng tại Anh từ 5% lên 20%. “Điều này sẽ mang đến một nguồn thu mà cho phép chúng quay trở về với cội nguồn của mình”, Rodney Harris, Phó Hiệu trưởng tại London, nhận xét. Bằng cách mở rộng mô hình sang Trung Quốc, Trường hy vọng hạn chế tình trạng bất bình đẳng mà nó đã góp phần ở Anh Quốc.

Trước đây, giáo dục do các doanh nhân khởi nghiệp và tổ chức tôn giáo cấp, nhưng vào thế kỷ XVIII ở Prussia, chính phủ đã bắt đầu nhảy vào. Trong những năm gần đây, nhà nước đã chiếm lĩnh nền giáo dục ở các nước giàu và khu vực tư chỉ giới hạn cho tầng lớp giàu có và người theo đạo. Tại các nước đang phát triển, các nhà nước mới được tạo ra từ những đế chế lụi tàn lại có xu hướng kiểm soát giáo dục, để đáp ứng nhu cầu của người dân và định hình tư tưởng của thế hệ kế tiếp.

Bung no  giao duc tu nhan
 

Nhưng hiện nay khu vực tư nhân đang hồi sinh. Số học sinh theo học trường tư đã tăng mạnh trên toàn cầu trong hơn 15 năm qua, từ mức 10-17% ở cấp tiểu học và từ 19-27% ở cấp 2. Ở các nước giàu, các mức tăng này không cao bằng ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Có 4 yếu tố đằng sau sự hồi sinh của giáo dục tư nhân. Thứ nhất, thu nhập đang tăng lên, đặc biệt là ở tầng lớp người giàu. Kể từ khi tỉ lệ sinh con giảm xuống, số tiền dành cho nuôi dạy mỗi trẻ còn tăng nhanh hơn cả thu nhập. Tại Trung Quốc, chính sách một con có nghĩa rằng tại nhiều gia đình 6 người (4 ông bà và 2 cha mẹ) đều dồn sức đầu tư cho một đứa trẻ duy nhất. Thứ 2, cơ hội việc làm cho người có trình độ học vấn thấp đã ít hơn trước. Ngày nay, công việc có tính chất lặp đi lặp lại trong ngành sản xuất có xu hướng được robot hóa, trong khi các nền kinh tế dựa trên dịch vụ lại cần những lao động sáng tạo, chuyên môn cao. Vì thế, học trở thành con đường “bắt buộc”. Thứ 3, đầu ra của giáo dục cũng cung cấp đầu vào: càng nhiều trẻ đi học thì càng nhiều lớp học sinh trở thành thầy/cô giáo để đào tạo đội ngũ kế tiếp. Thứ 4, công nghệ đang tạo ra nhu cầu đối với các kỹ năng mới mà tư nhân dường như giỏi hơn trong việc này. Nó cũng mở ra các thị trường mới khi internet cho phép người dân học theo nhiều cách, tại nhiều thời điểm khác nhau trong đời.

Bung no  giao duc tu nhan
 

Quy mô và tăng trưởng của khu vực tư nhân cũng khác nhau tùy từng quốc gia. Nhìn chung, quốc gia càng phát triển thì vai trò của giáo dục tư nhân càng nhỏ. Tại Haiti, khoảng 80% học sinh tiểu học được giáo dục tư. Tại Đức, con số này chỉ 5%. Tại châu Âu, chất lượng giáo dục nhà nước thường cao nên khu vực tư dường như đóng vai trò khiêm tốn hơn. Tại hầu hết các quốc gia Nam Á và châu Phi, nghèo đói, nhập cư và tăng trưởng dân số khiến cho các chính phủ khó cung cấp giáo dục ở nhiều thành phố, vì thế khu vực tư nhân ở đây rất lớn và tăng trưởng nhanh.

Đông Á có nền giáo dục công tốt, nhưng cũng có một nền giáo dục tư nhân đang tăng trưởng nhanh. Việt Nam có hệ thống trường công tốt nhất trong một quốc gia thu nhập thấp và có lẽ cũng là nước có hệ thống trường tư tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của các công ty giáo dục Trung Quốc còn lớn hơn ở bất kỳ nước nào khác, cho thấy nhà đầu tư xem đây là một cơ hội vàng.

Tất cả những điều này khiến cho giáo dục trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, Ashwin Assomull thuộc L.E.K Consulting nhận xét. Nhu cầu giáo dục đang tăng nhanh hơn thu nhập và vẫn cao ngay trong các thời kỳ suy giảm kinh tế. Công nghệ cũng đang tạo ra các thị trường mới. Kết quả là sự ra đời của nhiều chuỗi giáo dục lớn và đang tăng trưởng, như GEMS Education (Dubai) có 47 trường học chủ yếu ở Trung Đông, Cognita (Anh) có 73 trường học ở 8 nước và Beaconhouse School Systems (Pakistan) có 200 trường học ở 7 nước.

Rủi ro chính của giáo dục tư nhân là sự nhạy cảm chính trị. Đầu tư tư nhân vào giáo dục khiến cho chính phủ không thoải mái. Chính phủ, giống như cha mẹ, đều muốn con cái học hành tốt, nhưng họ cũng coi trọng tính di động xã hội và giảm thiểu bất bình đẳng. Vì thế, đôi khi nhà nước can thiệp vào giáo dục tư nhân như kiểm soát nội dung giảng dạy, không cho phát triển quá nhanh... Tuy nhiên, nhà nước cũng cần giáo dục tư nhân, nhất là khi giáo dục công không đáp ứng đủ nhu cầu. Có lẽ cả hai cần nghĩ đến việc phối hợp để tạo ra hiệu quả tốt nhất

Nguồn The Economist