_71126536.png)
Ông Bùi Kiến Thành - Nhà tài chính nổi tiếng sống gần trọn trăm năm, trải qua nhiều thể chế lẫn biến động lịch sử. Ảnh: TL
Bùi Kiến Thành tận tâm, tận lực mỗi ngày
Bùi Kiến Thành (sinh năm 1931) là cố vấn tài chính cho nhiều thủ tướng nước ta. Ông góp phần mở đường cho chính sách “Đổi mới”, trực tiếp tham gia vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền lãnh hải và thềm lục địa Việt Nam.
Nhà tài chính nổi tiếng sống gần trọn trăm năm, trải qua nhiều thể chế lẫn biến động lịch sử, đang an nhiên tự tại trong một căn hộ nhỏ tại quận 7, TP.HCM. Ông đặt trước mặt một quyển tập mà ông đã viết tay, trong đó phân tích các nghị quyết, chính sách kinh tế...
Giữ được cơ thể khỏe mạnh và trí tuệ minh mẫn ở tuổi ngoài 90 như hiện nay, có lẽ trên tất cả ông còn có một niềm vui sống?
Tôi luôn sống theo một nếp đơn giản, điều độ. 6 giờ tôi dậy tập thể dục dưỡng sinh. Khoảng 8 giờ, tôi ăn sáng đơn giản rồi ngồi vào máy tính làm việc. Đến khoảng 12 giờ, tôi nghỉ ngơi cho đến 3 giờ chiều lại tiếp tục làm việc hoặc tiếp khách đến thăm, hỏi chuyện. Tôi đọc sách báo, tài liệu, nắm thời sự tài chính, chính trị Việt Nam và thế giới. Trọng tâm công việc của tôi bây giờ là kết nối với các quỹ tài chính quốc tế, giới thiệu các dự án tiềm năng của Việt Nam.
Đất nước có Nghị quyết Trung ương 6 đã là một cuộc cách mạng lớn về kinh tế - xã hội, gần đây còn đạt được Nghị quyết trung ương 68. Sự thay đổi tư duy về khu vực dân doanh đã tạo nên diện mạo ngày nay của nền kinh tế Việt Nam và giờ đây, một động lực mới để đưa Việt Nam bước lên một vị thế mới trong kỷ nguyên vươn mình. Tôi phải tận dụng cơ hội này để nói cho bạn bè thế giới rằng Việt Nam là một nước trên đà phát triển rất tốt.
Tôi may mắn được chứng kiến và tham gia những khúc quanh quan trọng của lịch sử, lại được đem chút năng lực phụng sự đất nước, quê hương. Mỗi ngày tôi để hết tất cả tâm trí để làm công việc mà tôi cho rằng rất có ích này.
Là người Việt đầu tiên được đào tạo về tài chính tại Mỹ, 24 tuổi làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York, ngoài năng lực, ông có tin vào số mệnh?
Tôi xin kể câu chuyện của ba tôi hồi đi học ở Hà Nội. Lúc đó, mấy ông giáo sư bên Pháp qua chấm thi mỗi năm. Ông kể đêm hôm đó giở sách ra đọc, trúng chỗ viết về nội tai bên tai trái, ông thấy thu hút nên đọc rất kỹ. Ngày hôm sau, vị giáo sư người Pháp hỏi trúng câu đó. Ba tôi trả lời rành mạch, trơn tru khiến ông ta ngạc nhiên, chấm 100/100 điểm và cấp học bổng cho ba tôi đi học bên Pháp. Việc này tạo ra mọi thay đổi trong gia đình, trong đó có cả tôi.
Từ đó mới thấy ở đời, số mệnh đều có hết, trong tất cả mọi chuyện. Nhưng số mệnh tốt chỉ đến khi mình chuẩn bị kỹ tất cả mọi việc với thái độ chăm chỉ, tích cực.
![]() |
Trong cuốn hồi ký Bùi Kiến Thành - Người Mở Khóa Lãng Du, ông có viết lời tựa: “Cuộc đời tôi cũng như bao cuộc đời, có lúc thăng lúc trầm, vinh quang trộn lẫn với đắng cay”. Vinh quang của ông thì người đời đã thấy. Còn đắng cay âm thầm, động lực nào để ông vượt qua?
Từ một người đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc một tập đoàn tài chính số 1 của Mỹ, do biến động lịch sử, tôi đột ngột phải ngồi tù 15 tháng. Trong hoàn cảnh quẫn bách, chưa biết ngày mai thế nào thì may sao nghe được từ phòng bên có người đọc Bát Nhã Tâm Kinh khiến tâm trí của tôi trở nên thanh tịnh hơn. Tìm hiểu sâu hơn bộ kinh này, tôi biết được sứ mệnh của cuộc đời mình, không bị thoái chí hay khủng hoảng tinh thần mà vững tâm để vượt lên.
Tư tưởng cốt lõi xuyên suốt trong các chính sách mà ông tư vấn luôn nhất quán “Dân có giàu thì nước mới mạnh”. Tư tưởng này có vẻ mâu thuẫn với tinh thần vô thường vô ngã của kinh sách mà ông vừa nói...
Ngày hôm nay tôi có thể có 1 tỉ USD trong tay, ngày mai tôi có thể trắng tay, đó cũng là bình thường, không có gì phiền muộn. Một thời gian dài, nhiều người hỏi tại sao khi đang làm cố vấn cho các thủ tướng, tôi không xin lại gia sản lớn của gia đình. Tôi trả lời là vì đối với tôi và gia đình, việc mất - còn đó không quan trọng, hơn nữa không phù hợp với mục tiêu của tôi là trở về phụng sự cho đất nước, trả ơn nghĩa sâu nặng cho đồng bào, quê hương.
Một khi thấm đạo lý, mình không bị phiền não bởi danh vọng, vật chất. Còn làm giàu thực chất là gì? Là làm cho tốt nhất, đạt kết quả tốt nhất công việc mà mình làm, tiền bạc là cái phát sinh sau đó. Đó là nhiệm vụ, không phải là đích đến. Mình phải tận tâm, tận lực làm cho tốt nhiệm vụ của mình. Khi 1 tỉ, 5 tỉ hay 10 tỉ... đổ về thì cũng chỉ là phương tiện để làm những việc khác mang ý nghĩa lớn lao hơn.
Dòng họ Bùi của ông có truyền thống hiếu học, có những cá nhân xuất sắc nhưng không phải là cái học từ chương mà là học để hành, để ứng dụng, làm giàu. Ông nghĩ gì khi nhiều người Việt Nam cũng có quan điểm học để hành, để làm giàu?
Cái này nằm ở lựa chọn của mỗi người chọn học cái gì. Thí dụ, học làm thơ cũng là học nhưng không phải chú trọng làm giàu. Đó cũng là lý do ngày xưa, tôi nghe lời ba chuyển từ ngành hàng không vũ trụ sang học tài chính ở Mỹ để có thể trở về giúp ích cho đất nước.
Vấn đề nằm ở chỗ mình chọn học ngành nghề có đúng nguyện vọng và có đủ xuất sắc ở lĩnh vực đó không. Phải giỏi, phải xuất sắc thì mới hành, mới làm giàu được. Thí dụ, em trai tôi là Bùi Kiến Quốc chọn học kiến trúc và học rất giỏi, trở thành một kiến trúc sư hàng đầu của Pháp, là người Việt Nam đầu tiên cũng là người Á Đông đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học của Pháp, tham gia thiết kế hàng trăm công trình ở Pháp từ sân bay, cảng biển đến bệnh viện...
Ông vốn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ của đất nước, như ông từng nói: “Tôi lạc quan cho rằng Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, của tuổi trẻ và sức sáng tạo”. Ông có lời nhắn gửi gì đến thế hệ trẻ hôm nay?
Tôi quan sát thấy tuổi trẻ ngày nay hầu hết là những con người không chấp nhận ngồi yên, đang nỗ lực góp sức vào sự thay đổi của đất nước như phẩm chất kiên cường, chịu thương chịu khó ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Họ cần ý thức đầy đủ quyền làm chủ đất nước cùng với trách nhiệm tương xứng.
Các bạn hãy bắt đầu từ việc nhỏ, mỗi ngày chỉ cần làm tốt những việc nhỏ lương thiện, hợp pháp mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, cho mọi người xung quanh. Còn ở chừng mức dễ dàng hơn, không làm được gì có ích cho ai thì mình cũng tuyệt đối đừng làm hại ai. Như tôi đã nói, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển, trở thành trung tâm địa - tài chính của cả khu vực, tuổi trẻ Việt Nam càng có cơ hội và trách nhiệm lớn để đóng góp vào cơ hội đổi thay lớn này.