Botox và các hình thức tiêm thẩm mỹ đang bùng nổ
Những cuộc tiểu phẫu từng là phương pháp “níu kéo” sắc đẹp dành cho phụ nữ trung niên, thường liên quan đến phẫu thuật xâm lấn. Ngày nay, các cuộc tiểu phẫu này cũng đang ngày càng được ưa chuộng bởi các cô gái trẻ, muốn có khuôn mặt tựa như người nổi tiếng yêu thích trên mạng xã hội của họ, và ngày càng nhiều nam giới mong muốn có ít nếp nhăn hơn, đôi môi đầy đặn và đường xương hàm sắc nét hơn. Trên toàn cầu, hơn 14 triệu cuộc phẫu thuật không xâm lấn đã được tiến hành vào năm 2020, ngay cả trong bối cảnh đại dịch từ hai năm trước con số này vẫn xấp xỉ 13 triệu. Dao mổ đang dần nhường “đất diễn” cho các ống tiêm.
Research and Markets, một công ty phân tích, tính toán rằng doanh thu toàn cầu của các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn, hiện rơi vào khoảng 60 tỉ USD, có thể tăng hơn gấp ba lần vào năm 2030. Phần lớn sự tăng trưởng đó sẽ đến từ thuốc tiêm.
Bao gồm Botox và các chất khác có tác dụng cố định cơ mặt, cũng như chất làm đầy da (filler), giúp làm đầy đặn các nếp nhăn. Nhu cầu đã được thúc đẩy bởi sự gia tăng của “selfie” (ảnh tự chụp) trong thời kỳ đại dịch cũng như các cuộc gọi video độ phân giải cao. Bộ lọc Snapchat và Instagram đã cung cấp cho người dùng cái nhìn thoáng qua về vẻ ngoài của chính họ khi có thêm sự can thiệp của botox hay filler (các bộ lọc cho người dùng cảm thấy vẻ ngoài của họ trở nên “ưa nhìn” hơn). Cho đến khi họ nhìn chính bản thân trong Zoom, không hề có bộ lọc hay chỉnh sửa ảnh nào, thì sự tương phản trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Ở Mỹ, 2,4 triệu thủ thuật tiêm được thực hiện vào năm 2020, cứ 100 người Mỹ trưởng thành thì có một ca thực hiện tiêm thẩm mỹ. Khoảng 700.000 phương pháp điều trị như vậy đã được thực hiện ở Đức, mặc dù quốc gia này không nổi tiếng với nỗi ám ảnh về ngoại hình. Người Brazil, những người nổi tiếng mê cái đẹp nhưng lại nghèo hơn nhiều, thì chỉ có khoảng 500.000 ca tiểu phẫu. Nhu cầu về “trẻ hóa” đặc biệt mạnh ở châu Á, nơi các khách hàng trẻ tuổi muốn “phòng tránh” bất kỳ đường nếp nào trên mặt trước khi chúng thật sự xuất hiện. Vì vài tháng phải tiêm lại một lần, các nhà sản xuất và phòng khám chắc chắn sẽ có nguồn thu định kỳ. Khách hàng càng trẻ bắt đầu tìm đến phòng khám thì càng tốt cho việc kinh doanh.
Theo một báo cáo của McKinsey (một công ty tư vấn), hơn 400 phòng khám thẩm mỹ, nơi thực hiện tiêm thẩm mỹ (bao gồm cả những phương pháp khác như đốt mỡ bằng laser) đã huy động được hơn 3 tỉ USD từ các nhà đầu tư trong 5 năm qua. Vào năm 2020, AbbVie, một công ty dược phẩm của Mỹ đã trả 63 tỉ USD mua lại Allergan, công ty này kiểm soát gần một nửa thị trường thuốc tiêm kể từ khi tung ra Botox dùng trong thẩm mỹ từ hai thập kỷ trước và Juvederm, một chất làm đầy da, vài năm sau đó.
Tiêm filler làm đầy môi. Ảnh: Sam Moqadam. |
Các sản phẩm mới đang bắt đầu đe dọa sự thống trị của Allergan. Trong đó có đối thủ Hugel, một công ty Hàn Quốc, hiện đang chào bán Botox với giá rẻ hơn một nửa. Công ty này cũng đang để mắt đến thị trường Trung Quốc, nơi Botox vẫn ít phổ biến hơn chất làm đầy da. Ipsen, một nhà sản xuất thuốc của Pháp và Merz Pharma, một công ty của Đức, cũng sản xuất thuốc tiêm kiểu Botox. Dysport của Ipsen lại phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Doanh số của Merz thì lại đang tăng nhanh ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á và châu Mỹ Latinh.
Trong khi đó, một số chất làm đầy da hiện đại được bào chế với các thành phần như axit hyaluronic, thường được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, ít gây ảnh hưởng đến khách hàng hơn so với Botox. Các phương pháp điều trị mới khác đang sử dụng các chất lạ - mặc dù điều này không phải lúc nào cũng có vẻ hấp dẫn. Một số phòng khám thẩm mỹ cung cấp việc tiêm tế bào gốc từ mỡ của chính bệnh nhân vào khuôn mặt của họ, hoặc tiểu cầu từ máu của họ để trẻ hóa làn da.
Cơn sốt thuốc tiêm, đặc biệt là ở giới trẻ, khiến các nhà chức trách lo ngại. Botox là một loại thuốc được kê đơn ở hầu hết các nơi nhưng nhiều chất làm đầy da thì không. Ông Tijion Esho, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Anh cho biết: “Các phương pháp điều trị thường bị coi thường trên mạng xã hội và mọi người không hiểu hết về những gì có thể xảy ra”. Việc tiêm nhầm chỗ có thể dẫn đến áp xe hoặc trong một số trường hợp là hoại tử. Sự phản đối kịch liệt từ các bác sĩ và nạn nhân của các thủ thuật vi phạm đã buộc chính phủ Anh phải thông báo vào tháng 2 rằng họ sẽ yêu cầu giấy phép cho những người thực hiện các phương pháp điều trị không xâm lấn này. Nước Anh cũng đã cấm những người chưa đủ 18 tuổi thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ nói trên.
Có thể bạn quan tâm:
Châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Nguồn The Economist