Công nghệ của Tesla đã vượt xa các đại gia trong ngành. Nguồn: Nikkei Asian Review.

 
Vũ Hạo Thứ Sáu | 14/02/2020 19:53

Bóc tách chiếc Tesla mới thấy Công nghệ điện tử của hãng xe Mỹ đi trước Toyota và VW khoảng 6 năm

Về công nghệ điện tử, Tesla vượt xa các đại gia trong ngành, sẽ khiến các chuỗi cung ứng linh kiện tồn tại trong nhiều thập kỷ qua trở nên lỗi thời...

Toyota Motor và Volkswagen mỗi công ty bán 10 triệu xe mỗi năm. Tesla đã bán khoảng 367.500 chiếc vào năm 2019. Nhưng khi nói đến công nghệ điện tử, công ty của tỷ phú Elon Musk vượt xa các đại gia trong ngành.

Đây là sự thật khi bóc tách chiếc Model 3, mẫu xe giá cả phải chăng nhất trong dòng sản phẩm chạy hoàn toàn bằng điện của nhà sản xuất xe Tesla, khởi điểm từ giá 33.000 USD.

Điều nổi bật nhất là bộ điều khiển trung tâm tích hợp của Tesla, hay "máy tính tự lái hoàn toàn". Còn được gọi là Hardware 3, phần công nghệ nhỏ này là vũ khí lớn nhất của Tesla trong thị trường xe điện đang phát triển. Thiết bị này có thể đặt dấu chấm hết cho chuỗi cung ứng công nghiệp xe hơi hiện tại.

Một kỹ sư từ một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản đã kiểm tra máy tính tự lái hoàn toàn và kinh ngạc cho biết: "Chúng tôi không thể làm ra thứ này".

Chip của Tesla. Nguồn: Nikkei Asian Review.
Chip của Tesla. Nguồn: Nikkei Asian Review.

Thiết bị này – vốn ra mắt vào mùa xuân năm 2019 và được tìm thấy trong tất cả các loại xe Model 3, Model S và Model X mới – bao gồm hai chip trí tuệ nhân tạo (AI) tùy chỉnh, rộng 260 milimet vuông. Tesla đã tự mình phát triển loại chip này, cùng với phần mềm đặc biệt được thiết kế để bổ sung cho phần cứng. Bộ máy tính này cung cấp khả năng tự lái cho xe hơi cũng như hệ thống "thông tin giải trí" tiên tiến trong xe hơi.

Với một máy tính mạnh mẽ làm cốt lõi, loại nền tảng điện tử này nắm giữ chìa khóa để xử lý tải dữ liệu nặng trong những chiếc xe thông minh hơn, tự chủ hơn của tương lai. Những người trong ngành hy vọng công nghệ như vậy sẽ sớm được phát triển vào khoảng năm 2025.

Điều này có nghĩa Tesla đã vượt trước các đối thủ khoảng 6 năm.

Những tác động của loại công nghệ này đối với ngành công nghiệp ô tô là rất lớn và đối với một số người, chúng thật đáng sợ.

Tesla đã xây dựng trung tâm thần kinh kỹ thuật số này thông qua một loạt các nâng cấp cho hệ thống tự lái (Autopilot) ban đầu mà họ đã giới thiệu vào năm 2014. Hardware 1 là hệ thống hỗ trợ người lái, trong đó cho phép chiếc xe đi theo những chiếc xe khác, chủ yếu là trên đường cao tốc và tự động lái trong một làn đường. Cứ 2 hoặc 3 năm, công ty lại đẩy công nghệ đi xa hơn, đỉnh cao là máy tính tự lái hoàn toàn.

Không có gì có thể ngăn cản Toyota hoặc VW làm điều tương tự trước năm 2025, khi xét tới nguồn tài chính khổng lồ và nguồn nhân tài khổng lồ của họ. Tuy vậy, các rào cản công nghệ không phải là lý do cho sự chậm trễ trong việc phát triển công nghệ, theo người kỹ sư đã nói rằng "chúng tôi không thể chế tạo ra thứ này".

Vậy lý do thực sự là gì? Các nhà sản xuất ô tô lo lắng rằng các máy tính như của Tesla sẽ khiến các chuỗi cung ứng linh kiện mà họ đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua trở nên lỗi thời, vị kỹ sư này cho biết.

Thời điểm cho ra đời các chiếc xe của Tesla. Nguồn: Tesla.
Thời điểm cho ra đời các chiếc xe của Tesla. Nguồn: Tesla.

Các hệ thống như vậy sẽ giảm đáng kể số lượng bộ điều khiển điện tử (ECU) trong xe hơi. Đối với các nhà cung ứng phụ thuộc vào các thành phần này – và cả nhân viên của họ - thì đây là vấn đề sống còn.

Vì vậy, các ông lớn sản xuất xe hơi dường như cảm thấy bị ép buộc phải tiếp tục sử dụng các mạng hàng chục ECU phức tạp, trong khi các phóng viên của Nikkei Asian Review chỉ tìm thấy một vài bộ điều khiển trong chiếc Model 3. Nói cách khác, chuỗi cung ứng vốn đã giúp các đại gia xe hơi ngày nay phát triển lại bắt đầu cản trở khả năng đổi mới của họ.

Trong khi đó, các công ty trẻ như Tesla không bị bó hẹp với các nhà cung ứng và được tự do theo đuổi các công nghệ tốt nhất có thể.

Nikkei Asian Review còn nhấn mạnh điều này theo một cách khác.

Hầu hết các bộ phận bên trong chiếc Model 3 không mang tên của nhà cung ứng. Thay vào đó, nhiều trong số đó mang logo Tesla, bao gồm các chất nền bên trong ECU. Điều này cho thấy công ty duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với sự phát triển của hầu hết các công nghệ trọng yếu trong chiếc xe này.

Và với phần cứng này, Teslas có thể phát triển thông qua các bản cập nhật phần mềm vô tuyến (OTA). Ngay tại thời điểm này, các chiếc xe của Tesla vẫn được phân loại là xe cấp 2 hoặc "chỉ tự lái một phần". Nhưng ông Musk đã nhấn mạnh rằng họ có tất cả các thành phần cần thiết - "máy tính và những thứ khác" - để giúp chiếc xe tự lái hoàn toàn.

Từ phần mềm đến hệ thống truyền động điện, Tesla đang dần dần đưa nhiều nhiệm vụ phát triển về chính công ty của họ. Nếu chiến lược này thành công, các đối thủ cạnh tranh sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc làm điều tương tự với Tesla, đảo lộn các mô hình kinh doanh và chuỗi cung ứng cũ khi họ cố gắng vượt qua sự vượt trội của Tesla.

Nguồn Nikkei Asian Review