Bồ câu không đưa thư
Giải đua Long Hổ Tranh Hùng do Hội Bồ câu Sài Gòn khép lại mùa giải năm 2017 nhưng vẫn còn râm ran về các “chiến binh” xuất sắc Vũ điểm đen, Mái mắt trắng đạt kỷ lục 75,530 km/h trên chặng đua cự ly Quảng Ngãi (515km). Những “chiến binh” ở đây chính là chim bồ câu trên đường đua bầu trời với khoảng cách hàng trăm km, có những chặng phải vượt biển với thời gian bay lên đến hơn 20 giờ.
Câu chuyện về những chiến binh đường đua được các “tay chơi” bàn luận rôm rả vào mỗi sáng tại quán cà phê lề đường quận 5. Trong cuộc trò chuyện, họ không tỏ thái độ sát phạt nhau như những con bạc ở casino mà thay vào đó là cách chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc chim, tận tình hướng dẫn cho người mới chơi. Phong trào nuôi chim bồ câu đã diễn ra khá sôi nổi tại TP.HCM từ nhiều năm nay, thu hút cả người chơi chuyên và không chuyên tham dự, tạo thành một thú vui tao nhã. Kéo theo đó là rất nhiều dịch vụ từ gây chim giống, thức ăn nuôi và chăm sóc chim, huấn luyện chim...
Nhiều câu lạc bộ trên cả nước vẫn tổ chức các cuộc đua chim bồ câu với nhiều giải thưởng từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Ở mỗi giải đấu, người chơi sẽ đóng lệ phí tính trên số chim muốn tham gia, chi phí này sẽ đóng góp vào giải thưởng, phí tổ chức, người tổng hợp kết quả và chấm giải. “Ví dụ, lệ phí mỗi chú chim là 100.000 đồng, người chơi muốn tham gia bao nhiêu chim thì nhân lên bấy nhiêu, sau đó sẽ thuê nài vận chuyển đến điểm thả theo chặng như Dầu Giây, Phan Thiết...”, anh Ngô Vĩ, người sáng lập Hội Bồ câu Việt Nam, cho biết.
Theo đó, kể từ khi được nài (người được thuê vận chuyển thả chim), người chủ ở nhà sẽ chờ chim về và nhắn tin báo cáo mã số trên kiềng chân để Ban tổ chức ghi nhận kết quả. Cách thức được tổ chức chuyên nghiệp hơn sau khi học hỏi được kinh nghiệm tổ chức của các hội bồ câu tại Trung Quốc. Sẽ có chương trình được viết để nhập tọa độ của đích đến và cho ra được vận tốc dựa trên quãng đường đi được.
“Việc tính như vậy sẽ đảm bảo được tính khách quan, đảm bảo quyền lợi cho các người chơi ở xa đích đến hơn, sẽ có chim đến sau nhưng nếu bay được với vận tốc nhanh hơn vẫn có thể giành chiến thắng”, người sáng lập chia sẻ.
Hơn chục năm trước, từ nhóm chơi nhỏ lẻ ở điểm thả chim, người chơi phải dùng số seri trên tờ tiền, chim về đích phải mang ra đối chiếu với Ban tổ chức, về sau mạng di động phát triển, kết hợp với mã số chuyên dụng được chia sẻ từ các hội chơi chuyên nghiệp ở nước ngoài, nên khâu tổ chức được bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, tạo điều kiện cho những người có công việc bận rộn vẫn có thể tham gia.
Trả lời NCĐT, anh Vĩ chia sẻ thực tế thú vui này không tốn nhiều tiền, tương tự như nuôi gà, chủ yếu là bổ sung dinh dưỡng, vitamin, đạm, khoáng chất... đầy đủ cho bồ câu. Nếu có điều kiện thì có thể sử dụng các loại thức ăn dinh dưỡng nhập khẩu. Tốn thời gian nhất là công đoạn huấn luyện cho bồ câu bay theo khoảng cách từ gần tới xa, bước đầu phạm vi quanh chuồng nuôi, sau đưa chim bay xa hơn ra ngoại ô, rồi đến các tỉnh thành...
Người chơi có thể quyết định số lần tranh giải dựa vào khả năng, chim câu có thành tích cao được định giá dựa trên sự thẩm định chung của các thành viên trong hội. Giá trị của chú chim câu trong Hội đang giữ mức giá cao nhất hiện nay là 33 triệu đồng.
“Từ nhỏ chim đã được huấn luyện tính kỷ luật, mỗi thời điểm trong ngày, chim sẽ được mở lồng để tập bay và huấn luyện, khi chim về là phải vào chuồng ngay, bởi trong các cuộc thi, chỉ trễ vài giây là ảnh hưởng đến kết quả”, anh Vĩ chia sẻ.
Trên thế giới, có khoảng 450 loại chim bồ câu được lai giống khác nhau. Trong đó, loài bồ câu thể thao dùng để trình diễn hay còn gọi là bồ câu đua, chúng có khả năng bay theo chiều thẳng đứng, lượn vòng... bằng những động tác kỳ diệu của đuôi và cánh. Bồ câu đua có giá vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có thể lên đến cả chục triệu đồng tùy thuộc vào thành tích mà nó đạt trong cuộc đua.
Theo đại diện của Hội Bồ câu Việt Nam, chim câu muốn đưa vào vận chuyển thư sẽ phải được huấn luyện 1 chiều hoặc 2 chiều. Với đặc tính thiên phú nên ở các cuộc thi dù tổ chức ở đâu thì các “chiến binh đường đua” vẫn có thể quay về, chỉ có lệ thuộc vào điều kiện thời tiết, gió, thiên địch... “Thường vẫn có sự hao hụt, nhiều khi thả hàng trăm con nhưng chỉ về được vài chục con. Và cứ sau mỗi đợt thi là sẽ có một lứa mới được nuôi cho mùa giải sau...”, anh Vĩ chia sẻ. Người đại diện cũng mong muốn được quan tâm hơn, để Hội có thể hoạt động được rộng rãi và phổ biến hơn từ đó có thể tạo thêm nhiều sân chơi cho người chung đam mê trên khắp cả nước.
Tại Trung Quốc, đua bồ câu đã có mặt hơn 1.000 năm và dường như trở thành một ngành giải trí được tổ chức bài bản, theo đó có những công ty đứng ra tổ chức cá cược chuyên nghiệp cho người chơi. Mặt khác, chính phủ nước này cũng có nhiều chính sách hỗ trợ về chứng nhận kiểm tra dịch bệnh.
Theo chia sẻ, Hội Bồ câu của Trung Quốc từng ngỏ lời mời đến nhiều câu lạc bộ trên thế giới trong đó có hội của Việt Nam, chim câu sẽ được vận chuyển bằng tàu biển trên các container. Tại đó hàng trăm ngàn con từ các quốc gia sẽ được thả ra sau đó tự tìm về nhà. Tuy nhiên, vì quy mô còn khá nhỏ so với hàng ngàn hội chim câu khác nên các hội viên chưa mạnh tay đăng ký tham dự.