Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: TL.

 
Minh Duy Thứ Hai | 08/11/2021 11:03

Biến yêu thương thành sức mạnh để gia đình trẻ vượt qua biến cố đại dịch

Chia sẻ những khó khăn với các gia đình trẻ trong dịch COVID-19.

Đó là thông điệp chính của diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”, do Trung Ương hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa tổ chức vào sáng 7/11.

Xem khó khăn là cơ hội, lấy thách thức làm động lực

Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” nằm trong chuỗi chương trình “Gia đình trẻ hạnh phúc” do Trung Ương hội LHTNVN và Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ hợp tác thực hiện. Chương trình triển khai trong giai đoạn 2021-2025, tập trung 3 nội dung chính bao gồm tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên, tuyên dương gia đình tiêu biểu cùng các hoạt động xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch thường trực trung ương hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: TL.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch thường trực trung ương hội liên hiệp thanh niên Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: TL.

Thời gian qua, với biến cố về dịch bệnh đã gây ra bao khó khăn, thách thức cho nền kinh tế. Trong đó, những gia đình trẻ với tầng lớp lao động thanh niên là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Khuất Quang Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình chia sẻ tại diễn đàn.
Ông Khuất Quang Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình chia sẻ tại diễn đàn.

Theo chia sẻ của ông Khuất Quang Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo kết quả cuộc điều tra được tiến hành với 500 hộ gia đình được lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện khảo sát từ tháng 7/2021, có đến 88% các hộ gia đình phải chịu ít nhất một trong những tác động việc làm như bị sa thải đối với lao động trả công. Trong khi đó, mức thu nhập của công nhân chưa cao, bình quân chỉ từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng, nên họ phải chấp nhận thuê ở các phòng trọ rất chật hẹp, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, ăn ở chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.

Bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội  chia sẻ tại diễn đàn.
Bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội chia sẻ tại diễn đàn.

Còn TS. Trịnh Thu Nga - Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH nhận định rằng, lực lượng lao động (LLLĐ) thanh niên có khoảng 14 triệu người chiếm khoảng 26% tổng LLLĐ cả nước. Tuy nhiên, lao động thanh niên Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong giai đoạn 2011-2020, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu thanh niên gia nhập vào thị trường lao động (TTLĐ), rất nhiều trong số họ phải rất vất vả tìm và giữ được việc làm, đặc biệt là trong biến cố dịch bệnh vẫn chưa thể hoàn toàn kiểm soát.

Trước tình hình này, là lãnh đạo của một trong những doanh nghiệp luôn tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng, ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc PNJ bộc bạch, trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh PNJ vẫn luôn đồng hành với với những khó khăn của cán bộ nhân viên. Hiểu được phía sau mỗi thành viên công ty là cả một gia đình nhiều thế hệ, đặc biệt là những gia đình trẻ vẫn chưa có nhiều tích lũy nên PNJ luôn nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người lao động.

“Khi dịch bệnh chỉ mới chớm, công ty đã nhanh chóng chuẩn bị cho kịch bản căng thẳng và quá tải về y tế khi số ca nhiễm bệnh tăng cao… Về thu nhập thì chúng tôi vẫn duy trì mức lương thậm chí vẫn tăng lương, không hề giảm bất cứ khoản thu nhập nào và thậm chí có thêm những trợ cấp để hỗ trợ cho người lao động PNJ. Đối với 1 số gia đình nhân viên PNJ có hoàn cảnh khó khăn, có những thành viên PNJ không chỉ là lao động chính cho gia đình nhỏ của mình mà còn phải hỗ trợ cho cả ba mẹ và anh chị em thì chúng tôi có thêm những khoản hỗ trợ từ nguồn Quỹ công đoàn, nguồn trích từ những người có thu nhập cao để giúp đỡ nhau trong công ty, đồng thời chúng tôi triển khai những chương trình Siêu thị mini 0 đồng để hỗ trợ cho các lao động khó khăn trong cộng đồng xã hội, trong đó có nhiều gia đình trẻ phải đối mặt trước thách thức của đại dịch”, ông Thông bộc bạch.

Biến góc nhìn tiêu cực thành tích cực trong mọi hoàn cảnh

Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến cố cho nền kinh tế. Nhiều cặp vợ chồng trẻ kẹt lại đất khách, sống chật vật chỉ với vài đồng tích lũy ít ỏi. Khi hết kinh phí, họ buộc phải tay xách nách mang về quê nhưng khó khăn vẫn đeo bám khi không có việc làm. Điển hình như chị Đặng Lan Anh, quê Nam Định cho biết hiện vợ chồng chị phải lưỡng lự giữa 2 phương án là về hay ở. Nếu chọn bám trụ lại thành phố thì “bữa đói bữa no”, trong khi nếu về quê thì chẳng đành lòng dựa dẫm bố mẹ già.

Đại dịch cũng làm thay đổi thói quen, nếp sống, học tập và sinh hoạt của gia đình trẻ. Việc phải đối mặt với nhau quá nhiều do mất việc làm cũng khiến cho tần số cãi vã giữa các thành viên trong gia đình tăng lên, bạo lực gia đình xuất hiện, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Ông Lê Trí Thông có một góc nhìn tràn đầy năng lượng tích cực. Ông cho biết thời gian làm việc online tại nhà là khoảng thời gian ông ở bên các con nhiều nhất. Ảnh: TL.
Ông Lê Trí Thông có một góc nhìn tràn đầy năng lượng tích cực. Ông cho biết thời gian làm việc online tại nhà là khoảng thời gian ông ở bên các con nhiều nhất. Ảnh: TL.

Là bố của 2 bé nhỏ trong độ tuổi 3 và 5, trước đây, mỗi ngày ông Thông chỉ có thể dành 10-15 phút cho con vì quá bận rộn với công việc và họp hành. Thế nhưng từ ngày nghỉ giãn cách, bằng cách thức sử dụng thời gian hợp lý, mỗi ngày ông Thông có thể dành từ 1-2 giờ để dạy các con nhiều điều. Trong đó có những trải nghiệm quý báu cùng con mà không trường lớp nào có thể mang lại.

Các đại biểu tham gia diễn đàn theo hình thức trực tiếp.
Các đại biểu tham gia diễn đàn theo hình thức trực tiếp.

Còn dưới góc nhìn mới mẻ của Tiến sĩ Đinh Đoàn, dịch bệnh tuy mang đến rất nhiều những mất mát, đau thương nhưng cũng để lại rất nhiều tài sản vô giá cho con người. Như nước lũ rút đi để lại phù sa màu mỡ, sau dịch con người sẽ có cái nhìn khác về xã hội và các mối quan hệ xung quanh. Chúng ta sống chậm hơn, bình tĩnh hơn, yêu thương gia đình nhiều hơn và trân quý những điều rất đỗi bình thường.

Cuộc sống hạnh phúc hay căng thẳng là phụ thuộc vào tư duy của mỗi thành viên, áp lực hay thư thái cũng là do chúng ta lựa chọn - Đó là thông điệp mà chương trình “Gia đình trẻ hạnh phúc” muốn gửi gắm. Sau đại dịch, trong khi thu nhập, sinh hoạt, lối sống của các gia đình vẫn chưa thể ổn định lại ngay, thì mỗi chúng ta hãy tự chăm sóc đời sống tinh thần dưới góc nhìn tích cực hơn để luôn lan tỏa những giá trị tốt đẹp.