Ảnh:zicxa.com

 
00:00
    Sơn Mai Thứ Ba | 26/05/2020 17:18

    Bí quyết ứng xử trong các mối quan hệ: Nói với người hiểu chuyện, làm với người tận tâm, chơi với người nhân hậu

    Những phiền não của con người chủ yếu đến từ các mối quan hệ của họ với những người xung quanh, bạn hãy khôn ngoan để có thành quả tốt.

    Những người đối xử với ai cũng như ai thì chỉ là kẻ mê muội, cuối cùng sẽ bộc lộ sự ngốc nghếch của bản thân. Bạn nói chuyện với người không hiểu bạn, chỉ càng thêm mệt mỏi. Bạn làm việc với người không đáng tin, lúc nào cũng phải đề phòng. Bạn gửi gắm trái tim cho kẻ vô tình, chỉ càng làm bản thân bị lợi dụng nhiều hơn. Không phải ai cũng xứng đáng để chúng ta tin tưởng. Vì vậy, chúng ta cũng nên có cách ứng xử phù hợp với mỗi người để bản thân không phải chịu nhiều tổn thương.

    1. Nói với người hiểu chuyện

    Nhu cầu được nói của mỗi người là khác nhau, có người rất hoạt ngôn nhưng có người lại rất kiệm lời. Nhưng rốt cục, không ai thích làm bạn với sự im lặng mãi cả, họ không nói đơn giản chỉ vì chưa gặp được người thích hợp để dốc bầu tâm sự thôi. Một người bình thường vốn ít nói nhưng họ sẽ trở nên vô cùng hoạt ngôn khi ở bên cạ cứng của mình.

    Người biết tôn trọng mình là người không hùa theo, không miễn cưỡng bản thân với người không hiểu mình. Tiếc thay lại có nhiều kẻ đáng thương sẵn sàng gọt giũa bản thân để trở nên thật "dễ hiểu" trong mắt người đời.

     Những người hiểu chuyện và hiểu bạn là người chỉ cần bạn mở lời sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn một cách chân thành. Ảnh: Freepik
    Người hiểu chuyện và hiểu bạn là người chỉ cần bạn mở lời sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn một cách chân thành. Ảnh: Freepik

    Với những người không hiểu, bạn có nói gì thì cũng bị họ hiểu sai. Họ thích cắt ghép nghĩa của một câu bình thường để biến nó thành không bình thường. Họ thích bới lông tìm vết hơn là nghe hết ý nghĩa của một lời nói. Họ thà cố chấp giữ lấy lập trường của mình chứ không chịu đặt mình vào vị trí của bạn. Bạn càng thành thật bao nhiêu, họ càng nghĩ bạn dối trá bấy nhiêu. Trong mắt họ, giải thích đồng nghĩa với việc đang che giấu một sự thật nào đó.

    Người hiểu chuyện và hiểu bạn là người chỉ cần bạn mở lời sẽ sẵn sàng lắng nghe bạn một cách chân thành. Họ sẽ không chăm chăm đi bắt lỗi để phá hỏng bầu không khí của một cuộc đối thoại thân mật.

    2. Làm việc với người tận tâm

    Trách nhiệm của bản thân thì nên tự mình gánh vác, thành công là của mình và thất bại cũng là của riêng mình.

    Trên thực tế, số người thích nhận thành công về phần mình và đổ trách nhiệm thất bại lên người khác nhiều không kể xiết. Nếu làm việc chung với họ, bạn sẽ không biết sau lưng mình còn bao nhiêu rắc rối đang chờ bạn giải quyết. Những thành quả mà bạn đổ bao mồ hôi công sức mới thu được cũng sẽ bị họ cướp trắng lúc nào không hay.

    Ảnh: guu.vn
    Bạn sẽ rất yên tâm khi làm việc với một cộng sự tận tâm vì công việc. Thái độ và nhân cách luôn quan trọng hơn năng lực. Ảnh: guu.vn

    Một đối thủ mạnh sẽ giúp ta có thêm tinh thần chiến đấu. Ngược lại, một đồng đội không đáng tin sẽ là một điều bất lợi cho chúng ta. Chúng ta vừa phải gồng mình chống đỡ đối thủ, vừa phải đề phòng người của mình đâm sau lưng. Một thất bại tức tưởi là điều khó tránh khỏi.

    Ngược lại, bạn sẽ rất yên tâm khi làm việc với một cộng sự tận tâm vì công việc. Thái độ và nhân cách luôn quan trọng hơn năng lực. Người có năng lực yếu hơn và thái độ tốt đáng tin hơn người có năng lực tốt nhưng thái độ tồi.

    3. Kết thân với người nhân hậu

    Chúng ta sợ kết nhầm bạn, vì chúng ta sợ cảm giác đặt tình cảm vào nhầm chỗ. So với việc bị mất một số tiền lớn, bạn lại càng sợ bị bán đứng bởi người mà mình hết lòng tin tưởng. Trong một xã hội "Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều", trái tim của bạn dần trở nên nguội lạnh sau nhiều lần bị phản bội. Bạn khép mình và chỉ muốn bảo vệ bản thân mà thôi. Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu rằng không thể để sự lương thiện của mình bị giết chết bằng cách như thế được.

    Bạn vội vàng đem hết trái tim mình gửi gắm vào một người mới quen. Bạn không hiểu hết về họ, nhưng họ thì lại thích lợi dụng bạn. Sau cùng, bạn phải chịu những tổn thương vô cùng đau đớn. Chả lẽ bạn quên mất rằng không nên bộc lộ quá nhiều với những người không quá thân thiết.

    Ảnh: https://zicxa.com/
    Người lương thiện thà để bản thân chịu thiệt chứ không muốn người khác đau khổ vì mình. Chỉ cần bạn trao cho họ niềm tin, họ sẽ không bao giờ phụ lòng bạn. Ảnh: zicxa.com

    Chó và cáo là một đôi bạn thân. Cáo là kẻ khôn vặt còn chó là đối tượng chịu thiệt. Một ngày nọ, thần chết đến gặp đôi bạn thân. Thần chết nói rằng: "Hai ngươi hãy chơi oẳn tù tì, thắng thì được sống mà thua thì phải chết". Kết quả là cáo thua và chó được sống tiếp. Chó mới khóc rằng: "Vốn đã hẹn là cùng ra búa, nhưng tớ muốn nhường cậu thắng nên ra kéo, cớ sao cậu lại ra bao chứ?"

    Người thâm hiểm là người sẽ không vì thấy bạn trao cho họ cả trái tim mình mà cảm động. Ngược lại, họ sẵn sàng phản bội bạn bất cứ lúc nào. Người lương thiện thà để bản thân chịu thiệt chứ không muốn người khác đau khổ vì mình. Chỉ cần bạn trao cho họ niềm tin, họ sẽ không bao giờ phụ lòng bạn.

    Ông Alfred Adler, người sáng lập ra trường phái tâm lý học cá nhân, nói rằng: "Những phiền não của con người chủ yếu đến từ các mối quan hệ của họ với những người xung quanh". Đừng biến mình thành kẻ u mê phải trả giá đắt nhưng không thu được bất cứ thành quả nào. Kẻ u mê không hiểu mình, không hiểu người nên đã dành quá nhiều tâm tư và thời gian đặt lên người khác. Như vậy, bạn đã đánh mất tự do của chính mình lúc nào không hay.