123rf.com
Bí quyết thành công: Đừng suy nghĩ quá nhiều!
Hãy kể lại câu chuyện của hơn 6 năm trước. Đó là set thứ 5 trong trận bán kết tại giải US Open. Sau 4 tiếng diễn ra trận quần vợt kinh điển, Roger Federer cần thêm 1 điểm nữa mới có thể “tiễn đưa” đối thủ trẻ Novak Djokovic. Khi Federer chuẩn bị ra bóng, đám đông đã rộ lên trong tâm trạng mong chờ. Ở phía bên kia lưới, Djokovic gật đầu như thể sẵn sàng chấp nhận số phận.
Federer đã đi bóng rất nhanh và sâu về phía bên phải của Djokovic. Nhiều giây sau đó, Federer chợt thấy mình ngẩn ngơ đứng giữa sân không thể nào hiểu nổi, vì trước đó Djokovic đã trả đòn một cách mềm dẻo, uyển chuyển mà lại vô cùng chính xác khiến Federer không thể tiếp được bóng. Cú đánh bóng “hờ hững” của Djokovic đã làm đám đông trở nên phấn khích. Cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp John McEnroe đã gọi đó là “một trong những cú đánh hay nhất mọi thời đại”.
Djokovic đã thắng trận đấu đó và cả cuộc thi. Tại buổi họp báo, Federer nói mình đã thua “vì một cú đánh ăn may” và rằng một số tay vợt vẫn nhờ ăn may mà thắng. “Làm thế nào mà có thể chơi một cú đánh như thế ở ngay điểm kết thúc trận đấu?”, Federer đặt vấn đề. Khi được hỏi cùng câu hỏi ấy, Djokovic chỉ mỉm cười: “Vâng, tôi thường chơi như thế vào điểm kết thúc trận đấu. Và nó có tác dụng”.
Việc Federer không thắng được giải Grand Slam nào trong suốt 2 năm trước đó không phải do thể trạng sa sút mà do một dạng tinh thần “dễ bị đổ vỡ” xuất hiện ngay ở những giây phút quan trọng. Theo các chuyên gia, tình trạng xảy ra là do suy nghĩ quá nhiều. Khi một cầu thủ sút trật quả phạt đền hoặc một golf thủ đánh trượt, đó là bởi họ quá tập trung. Vì suy nghĩ quá nhiều, khiến cho cơ thể thiếu đi động tác mềm dẻo, uyển chuyển rất cần để làm nên cú đánh thành công. Có lẽ Federer quá buồn bực vì sâu trong tâm khảm, anh nhận ra rằng đối thủ của mình đã chạm được một nguồn lực mà ngay chính cả anh, một tay vợt lẫy lừng, cũng cảm thấy khó đạt được: trạng thái không suy nghĩ gì.
Không suy nghĩ chính là khả năng áp dụng nhiều năm học tập ở ngay giây phút quan trọng bằng việc từ bỏ mọi suy nghĩ. Khả năng này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thể thao mà các diễn viên và nhạc sĩ cũng biết về nó và hay nói rằng các tác phẩm xuất sắc nhất được họ tạo ra trong những giây phút “xuất thần” như vậy. Nghĩ quá nhiều không chỉ có thể làm hao mòn thể lực mà còn cả nguồn cảm hứng tinh thần.
Nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan tiếc nuối nhớ lại thời trẻ ông có khả năng viết ra những bài hát mà không cần phải cố gắng gì. Ông nói sự ra đời của Like a Rolling Stone “là một dòng chảy vô tận dài 20 trang”. Like a Rolling Stone được bình chọn là bài hát hay nhất mọi thời đại.
Cũng cùng nguyên tắc đó áp dụng cho tất cả chúng ta. Một nghịch lý trong tâm lý con người là suy nghĩ có thể không tốt cho chúng ta. Khi quá đuổi theo mạch suy nghĩ của mình, chúng ta có thể đánh mất phương hướng vì những thanh âm nội tâm liên tục vang lên làm chìm đi mọi phán đoán từ trực giác. Một cuộc nghiên cứu về hành vi mua sắm cho thấy người mua càng có ít thông tin về nhãn hàng của một lọ mứt, thì họ càng ra quyết định tốt hơn. Khi được cung cấp thông tin quá chi tiết về các thành phần của lọ mứt, họ trở nên bối rối bởi chính những lựa chọn của mình và cuối cùng lại chọn một lọ mứt mà họ không thích. Rõ ràng, suy nghĩ, đắn đo quá nhiều hóa ra có hại hơn là có lợi.
Bằng cách lắng nghe trực giác của chính mình, chúng ta có thể chạm tới sự thông thái. Nhà tâm lý học Gerd Gigerenzer tranh luận phần lớn hành vi của chúng ta dựa trên quy tắc ngón tay cái, tức dựa trên kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề, nhưng chính vì dựa trên kinh nghiệm nên không đảm bảo tính chính xác trong tất cả mọi tình huống. Để đưa ra quyết định đúng trong một thế giới đầy phức tạp, theo Gigerenzer, bạn phải có kỹ năng… phớt lờ thông tin. Ông nhận thấy một danh mục các cổ phiếu được chọn bởi những người mà ông phỏng vấn trên đường phố lại tốt hơn danh mục được chọn bởi các chuyên gia. Những người đi bộ trên đường sử dụng “nguyên tắc nhận thức”: tức chọn cổ phiếu của những công ty mà họ nghe nói tới, chứ không dựa trên bất kỳ báo cáo phân tích nào.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh Doanh Columbia, New York, đã thực hiện một cuộc thử nghiệm, theo đó người tham gia được yêu cầu dự đoán kết quả trên hàng loạt lĩnh vực từ chính trị cho đến thời tiết, hay dự đoán ai sẽ là quán quân của cuộc thi American Idol. Nghiên cứu cho thấy những người tin tưởng vào cảm giác của mình lại đưa ra dự đoán chính xác hơn những người không dựa trên cảm giác. Tuy nhiên, kết quả chỉ đúng đối với những người đã có lượng kiến thức nhất định.
Điều này vô cùng quan trọng. Không suy nghĩ không hề giống với phớt lờ. Djokovic có thể đi cú bóng kỳ diệu như thế là bởi anh đã chơi hàng ngàn cú đánh biến thể khác nhau trong hàng loạt trận đấu trước đó cũng như từ vô số lần tập luyện. Còn bài hát tuyệt vời mà Dylan sáng tác là kết quả của niềm đam mê của ông đối với những bài hát dân ca, bài thơ Pháp và truyện cổ tích Mỹ. Tiềm thức của những nghệ sĩ vĩ đại, những nhà thể thao xuất sắc cũng giống như những rừng mưa rậm rạp, luôn không ngừng tạo ra nguồn cảm hứng cho họ.
Một điểm đáng lưu ý là canh bạc đặt cược càng cao thì việc suy nghĩ nhiều càng gây trở ngại. Trong các lĩnh vực danh vọng, những người càng có thành tích cao, càng có tên tuổi là những người dễ bị sức ép nhất, vì có quá nhiều trông đợi đặt ở nơi họ. Một nghệ sĩ opera được mời đến biểu diễn tại nhà hát opera danh tiếng La Scale của Ý không tránh khỏi hồi hộp, muốn kỹ thuật của mình được biểu hiện tốt nhất. Tương tự, khi Federer chơi ở điểm kết thúc trận đấu ngày hôm đó, có thể anh cảm thấy như mình đang đi một cú đánh quan trọng trong sự nghiệp, quyết định liệu anh có giữ được tiếng tăm của mình.
Giáo sư Claude Steele, thuộc Trường Stanford, nghiên cứu tác động của tâm trạng hồi hộp đối với kết quả thi của sinh viên. Ông đưa một bài thi cho một nhóm sinh viên gồm người Mỹ gốc Phi và người da trắng, nói với họ rằng bài thi này sẽ kiểm tra trí thông minh của họ. Nhóm sinh viên Mỹ gốc Phi có kết quả thi kém hơn nhóm sinh viên da trắng. Một kết luận được đưa ra là các sinh viên người Mỹ gốc Phi có vẻ như cảm thấy họ đang đại diện cho nhóm người thiểu số ở Mỹ, khiến họ suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến kết quả bài thi không tốt. Steele sau đó đưa một nhóm khác cũng cùng bài thi đó, nói với họ rằng đây chỉ là bài kiểm tra bình thường thôi. Kết quả thi giữa các sinh viên trong nhóm lại không chênh lệch bao nhiêu.
Tất cả những điều này cho thấy suy nghĩ nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như thành công của chúng ta. Vậy làm thế nào để học được cách không nghĩ ngợi nhiều? Dylan khuyên rằng đừng để động lực sáng tạo bị triệt tiêu bởi óc phân tích của chúng ta. “Khi bạn nhiều tuổi hơn, càng trở nên thông minh hơn và điều đó có thể là rào cản cho chính bạn… Bạn phải lập trình bộ óc của mình sao cho không nghĩ quá nhiều”, ông nói.
Liều thuốc đáng tin cậy duy nhất chữa căn bệnh nghĩ nhiều dường như là óc thưởng thức. Những vận động viên và nghệ sĩ giàu kinh nghiệm thường than phiền họ mất đi cảm xúc với những gì khiến họ đam mê từ ngày đầu. Cú đánh trả của Djokovic có thể là cú đánh nỗ lực hết mình của anh và thể hiện niềm say mê của anh đối với môn quần vợt. Chính điều đó đã giúp anh chiến thắng trước đối thủ già dặn hơn là Federer.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist