Nạn phá thai giới tính nữ khiến tình trạng mất cân bằng giới tính trở nên nghiêm trọng tại đất nước tỷ dân với tỷ lệ trẻ sơ sinh 115 bé trai/100 bé gái.
Bi hài tình trạng trọng nam khinh nữ tại Trung Quốc
→Lý do nhiều người Mỹ cao niên phải khai phá sản?
→Trung Quốc trở thành “số 1” về năng lượng tái tạo
Cuối tháng 7, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về những đoạn video clip và bức ảnh về đám cưới của một gia đình. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như 11 cô gái và chàng trai trẻ duy nhất trong ảnh đều là chị em ruột. Bố mẹ họ đã đẻ tới 12 người con, chỉ dừng lại cho tới khi có con trai. Do đông con và nghèo khó nên trừ cậu em út, 11 chị gái không được đi học đầy đủ. Năm 2017, báo chí Trung Quốc cũng xôn xao về vụ việc người phụ nữ trong một gia đình tử vong do phá thai 4 lần trong 1 năm chỉ vì những cái thai là con gái.
Đây chỉ là 2 câu chuyện điển hình về tư tưởng trọng nam khinh nữ còn hết sức phổ biến trong xã hội hiện đại ở Trung Quốc. Nạn phá thai giới tính nữ khiến tình trạng mất cân bằng giới tính trở nên nghiêm trọng tại đất nước tỷ dân với tỷ lệ trẻ sơ sinh 115 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, tại quốc gia này, số nam giới nhiều hơn nữ giới đã lên tới 33 triệu người.
Thực trạng chênh lệch giới tính đã dẫn tới hiện tượng "làng độc thân" ở Trung Quốc. Đó là các làng nông thôn đầy nam giới độc thân, còn gọi là "bị bỏ lại". Ước tính tại Trung Quốc có tới hàng nghìn ngôi "làng độc thân" như vậy. Nếu không muốn độc thân, ở nhiều nơi như thị trấn Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, một người đàn ông muốn lấy vợ sẽ phải chi tới hơn 60.000 USD. Không những vậy, sự trọng nam khinh nữ còn len lỏi cả vào các công sở tại Trung Quốc.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2030, chỉ riêng tại Trung Quốc và Ấn Độ, nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ nhiều hơn gấp rưỡi nữ giới.
Ông Chen là một trong số những người làm nghề mai mối sống ở ngôi làng nhỏ ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, một trong những địa phương nghèo nhất Trung Quốc. Hành nghề đã được 2 năm nay, ông Chen cho biết công việc của ông ngày càng khó khăn.
Anh Li Lianfa, 29 tuổi, khách hàng của ông Chen đã tìm vợ từ năm 22 tuổi. Đến nay, anh vẫn chưa tìm được ý trung nhân.
"Giờ rất khó để mai mối. 80% số người nhờ tôi là đàn ông mà chỉ có 20% là phụ nữ. Rất khó, thực sự rất khó. Tôi sẽ phải sắp xếp rất nhiều cuộc gặp cho 20% phụ nữ đó để có thể mai mối thành công. Tỷ lệ thành công là rất thấp" - ông Chen - người làm nghề mai mối, cho biết.
Công việc làm ăn của ông Chen chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về những hệ lụy từ sự mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc.
Do truyền thống trọng nam khinh nữ và nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, Trung Quốc đã chứng kiến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở khu vực nông thôn.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện cứ 106,2 đàn ông Trung Quốc thì mới có 100 phụ nữ. Tình trạng này dẫn đến việc đàn ông nước này ngày càng khó tìm vợ. Dự báo đến năm 2030, khoảng 1/4 số đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 30 sẽ không thể kết hôn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự mất cân bằng giới tính với tình trạng tội phạm tại Trung Quốc. Tình trạng dư thừa đàn ông sẽ khiến nam giới không thể kết hôn, gia tăng tội phạm tình dục, bắt cóc phụ nữ và buôn người. Nhưng những hệ lụy từ mất cân bằng giới tính không chỉ gây ra các vấn đề xã hội mà cả kinh tế.
Tại Ấn Độ, nam giới chiếm đa số lực lượng lao động cũng như dân số. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Ấn Độ ở khoảng 27% vào năm 2014, thấp hơn so với mức 50% của trung bình toàn cầu. Sự mất cân bằng trong lực lượng lao động đồng nghĩa với việc quốc gia này đang bỏ lỡ tiềm năng lớn trong phát triển.
Theo báo cáo của McKinsey, GDP của Ấn Độ vào năm 2025 có thể tăng hơn 60% so với mức hiện nay nếu phụ nữ đóng vai trò cân bằng với nam giới trong lực lượng lao động.