Yếu tố Thái trong bóng đá Việt
Sự kiện tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan trở thành nhà tài trợ chính của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội một lần nữa cho thấy người Thái luôn đi trước chúng ta một bước. Bởi đó không chỉ là hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam mà còn cho thấy sức mạnh tài chính, lẫn bước đi chiến lược của tập đoàn Thái.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi tiến hành giải bóng đá chuyên nghiệp V-League, một câu lạc bộ Việt Nam nhận được tài trợ từ tập đoàn nước ngoài. Đại diện SCG cho biết lý do chọn câu lạc bộ này là vì họ đánh giá cao hướng phát triển của đội bóng, đang đi theo lộ trình mà các đội bóng chuyên nghiệp vẫn thực hiện. Đó là việc xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ, có sân bóng riêng (được thành phố Hà Nội giao cho quản lý sân vận động Hàng Đẫy) và tách tên công ty mẹ (Tập đoàn T&T) ra khỏi tên đội bóng.
Cũng cần phải nhắc qua rằng SCG đã rất thành công tại quê hương của mình khi đầu tư vào thể thao nói chung, chứ không chỉ riêng môn bóng đá. SCG hiện sở hữu câu lạc bộ Muangthong United, đội bóng được coi là đế chế tại Thai League, tựa như Manchester United ở Premier League vậy. Ngoài bóng đá, tập đoàn này còn mở học viện cầu lông khá nổi tiếng SCG Badminton Academy, tài trợ cho hai tay golf Moriya và Ariya Jutanugarn (chị em ruột). Hai tay golf này đều đã vươn tầm thế giới và người em Ariya còn là golf thủ Thái Lan đầu tiên giành một chức vô địch lớn, khi đăng quang giải British Open hồi năm ngoái.
Dĩ nhiên, tài trợ thể thao nằm trong chiến lược quảng bá thương hiệu của SCG và điều này cũng không có gì mới mẻ. V-League cũng từng có vài đội bóng “con đẻ” của các đại gia xi măng giống như SCG. Tuy nhiên, chưa có ông bầu nào ở V-League có được thành công như tập đoàn Thái và nếu nói về các đội bóng xi măng thì đó đều là những “nỗi xấu hổ” của V-League. Đình đám nhất là vụ giải thể của The Vissai Ninh Bình hay Xuân Thành Sài Gòn.
Ảnh: thanhnien.com.vn |
Ngay cả ông bầu được coi là thành công nhất ở V-League là doanh nhân Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng đang chật vật khi thành tích của đội bóng thì đì đẹt, còn công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là lý do khiến đối tác Nutifood rút tên khỏi ngực áo của HAGL sau 2 năm gắn bó. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn cũng khiến hàng loạt đội bóng ở giải hạng Nhất không tìm được nhà tài trợ, xin rút lui không dự giải hoặc thậm chí không nuôi đội bóng chuyên nghiệp nữa.
Ông Nguyễn Quốc Hội, Giám đốc Điều hành Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội, chia sẻ: “Đa phần các thương vụ tài trợ cho bóng đá ở Việt Nam xuất phát từ quan hệ bên ngoài bóng đá. Thế nên việc bắt tay với một tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan có thể thay đổi cách nhìn với bóng đá Việt”. Nghĩa là nó sẽ như một cú hích để các ông bầu “hâm nóng” lại mối quan tâm đối với bóng đá.
Theo anh Phan Huy Hoàng, phụ trách truyền thông cho một câu lạc bộ bóng đá từng chơi ở V-League và có nhiều hiểu biết về bóng đá Thái, SCG đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu và trong nhiều lĩnh vực như hóa dầu, nhựa, bao bì... Song hành với đó, SCG cũng coi trọng việc đánh bóng tên tuổi bằng hợp đồng tài trợ bóng đá, cũng như các công tác xã hội khác. Tuy nhiên, theo anh Hoàng, bên cạnh mục đích quảng bá thương hiệu thông qua bóng đá thì SCG còn có nhiều định hướng khác về mặt xây dựng.
Bước đi tiếp theo của việc tài trợ áo đấu có thể là “giúp” Câu lạc bộ Hà Nội xây mới lại sân Hàng Đẫy theo tiêu chuẩn quốc tế. Tham vọng khi cải tạo sân Hàng Đẫy là để có thể tổ chức các trận đấu tại đấu trường AFC Champions League, nơi mà câu lạc bộ này đặt mục tiêu tiến xa chứ không chỉ là “dự cho vui” như nhiều đại diện Việt Nam trước đây. Khi đó, Câu lạc bộ Hà Nội sẽ lại là cầu nối để SCG phô trương thanh thế.
Hoài Sa