Thứ Sáu | 14/03/2014 15:12

Yangon, thành phố đi ngủ sớm

Người Myanmar, đặc biệt đàn ông, ăn trầu rất nhiều. Trên khắp vỉa hè, lòng đường thành phố là các mảng đỏ nhờ nhờ.
Bảo tháp, một trong những biểu tượng đặc trưng của Phật giáo Nam tông ở Myanmar
Bảo tháp, một trong những biểu tượng đặc trưng của Phật giáo Nam tông ở Myanmar

Hồi cuối thế kỷ 19, sau khi rong ruổi khắp các rừng núi, sông hồ của Myanmar, A.Kipling, nhà văn Anh nổi tiếng viết: “Chẳng có nơi đâu thanh bình như đất nước này” – Myanmar, đất nước của những ngôi đền, chùa cổ bằng vàng.

Dù bạn ngồi thuyền trên sông, đi bộ qua đồi hay bay trên các cánh đồng ở đâu bạn cũng thấy chùa. 2.300 năm trước, vua Ấn Độ Asoka vĩ đại đã truyền đạo Phật vào “mảnh đất vàng” Myanmar.

Với tâm niệm về đất Phật, chúng tôi bay cùng Vietnam Airlines đến Myanmar. Chúng tôi đã gặp Myanmar trên máy bay. Một cô giáo dạy đại học ở Mandalay trở về sau chuyến đi hội thảo tại Nhật Bản. Cô đẹp nền nã, cao ráo, trang phục hiện đại, nghĩa là không mặc longyi truyền thống (một tấm vải quấn quanh người như váy) - “quốc quần” của người dân Myanmar. Cô làm chúng tôi chú ý vì ôm khư khư trong lòng chiếc nón Việt Nam. Cô nói dịu êm như lụa, hãnh diện về nền văn hiến ngàn năm của tổ quốc mình. Ở cô có cái bí ẩn của người phụ nữ phương Đông.

Không thể hiểu Myanmar hiện đại nếu không biết gì về Yangon, mảnh đất của vua Okkalapa 2.000 năm trước đã dựng lên ngôi chùa vàng Shwedagon linh thiêng, huyền thoại, để các triều đại vua chúa và thần dân Myanmar quỳ lạy khai tâm trước Phật. Đến năm 1755, nhà vua Alaund Paya hoàn thành việc chinh phục miền trung Myanmar, đã cho xây dựng một thành phố mới ở chỗ từng là Yangon. Một thế kỷ sau, người Anh chiến thắng trong cuộc chiến tranh Anh - Myanmar. Họ biến Yangon thành thủ đô Myanmar và gọi nó là Rangoon. Năm 1948, Myanmar được độc lập sau cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Sân bay quốc tế Yangon đón chúng tôi bằng bất ngờ đầu tiên: Sạch, đẹp, hiện đại. Đây là sân bay duy nhất ở Myanmar, người xuất nhập cảnh được làm thủ tục qua máy vi tính. Sau này chúng tôi thực mục sở thị người ta kiểm tra an ninh trên người bằng tay không ở sân bay Heho! Còn những chiếc xe taxi là sự bất ngờ thứ hai. Bạn đọc không thể hình dung được chúng, bởi ở nước ta, Đăng kiểm VN chắc chắn cấm chúng lưu hành.

Những chiếc taxi hiệu Corola, tuổi chừng 30 chỉ còn là cái vỏ sắt trơ trọi, móp méo, có chiếc cửa xe được đóng bằng khóa vali! Có máy (đương nhiên), có phanh, nhưng không có bất cứ thứ đồng hồ nào còn hoạt động. Bởi thế chúng tôi không biết mình đang đi với tốc độ bao nhiêu, khi anh tài xế phóng như một tay đua công thức 1 trên con đường 10 làn xe chỉ có ôtô. Hỏi cũng vô ích. Có lẽ lái xe taxi Yangon là những người ít lời nhất thế giới, bởi họ còn bận nhai trầu. Thành phố cấm đi xe đạp, xe máy. Hơn 5 triệu dân Yangon đi lại bằng xe taxi, xe buýt, xích lô gắn máy, đi bộ. 10 ngày ở Myanmar, chúng tôi không gặp một chiếc xe cỡ Lexus, nhưng được gặp lại nhiều xe công nông.

Cánh cửa một chiếc xe taxi tại Yangon
Cánh cửa một chiếc xe taxi tại Yangon

Cuộc sống khó khăn (lương bình quân của công chức chính phủ là 60 USD/tháng), sự cô lập với thế giới nhiều năm... càng làm người Myanmar không thể xa rời giáo lý nhà Phật. Buổi sáng Yangon, ngồi uống trà dưới bóng cây cạnh ngôi nhà cổ trên phố, chúng tôi không thấy người dân đả động đến những vấn đề như nạn tham nhũng, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay sự biến đổi khí hậu.

Chủ đề ưa thích của họ là Giải vô địch bóng đá Anh (họ vẫn thích MU hơn Arsenal - tức thật!). Nếu ở Anh không đá bóng, thì họ chuyển sang lễ hội. Đương nhiên Phật và những lời giáo huấn của ngài luôn có mặt trong câu chuyện của họ. Theo một con số thống kê, 95% người Myanmar biết đọc viết. Phần lớn người Yangon chúng tôi gặp hỏi trên đường đều biết tiếng Anh. Chắc bởi người Anh đã ở nơi này 96 năm.

Nhìn từ trên cao, Yangon không đẹp. Thành phố lộn xộn với những mái nhà cũ kỹ, nhấp nhô. Nhưng đi bên dưới, ngoại ô Yangon có các công viên, vườn hoa, hồ nước, dinh thự tuyệt đẹp. Chắc hẳn ghen tị với những ngôi đền cổ 2.000 năm, muốn để dân thuộc địa phải khâm phục “lác mắt” trước “Bà chúa của 7 biển” - cụm từ phương Tây ngày đó gọi sự thống trị thế giới của Anh thế kỷ 19 - đế quốc Anh đã phô diễn sức mạnh ở Yangon bằng các công trình kiến trúc hoành tráng nhưng không quê mùa, đồ sộ mà vẫn trang nhã, kỳ vĩ không thiếu duyên dáng, nổi bật nhưng vẫn khép mình, không bị lỗi mốt sau 100 năm.

Một dấu vết của thời thuộc địa anh tại Myanmar, tựa như tháp Big Ben.
Một dấu vết của thời thuộc địa anh tại Myanmar, tựa như tháp Big Ben.


Nhìn chúng, các ngôi biệt thự kiểu Pháp nhỏ nhắn, êm đềm dưới bóng lá cây tigôn, giấc mơ không tưởng của chúng tôi ở Việt Nam bỗng bị nhạt nhòa. Đại lộ Strand chạy dọc theo sông Yangon. Chúng tôi đi vào một đường hành lang mát rượi có treo một dãy đèn trần bằng sắt tuyệt đẹp. Một người Ấn mặc đồng phục sang trọng canh cửa nở nụ cười hở hàm răng lộng lẫy với tôi, nên tôi đã định bước chân vào tòa khách sạn Strand Hotel dành cho các bậc đế vương những khi xa nhà. Thấy trên quảng cáo: Vua nước Tonga và các ông vua thế giới giải trí Oliver Stone, Mick Jagger... đã từng ngủ ở nơi này với giá 1.400USD/đêm.

Ngay từ mặt tiền kiêu sa của nó, người ta đã cảm giác rằng đằng sau cánh cửa gỗ tếch được sơn àu trắng kia là một thế giới khác giàu có, quý phái. Năm 2007, Strand Hotel được bầu vào tốp khách sạn hàng đầu Châu Á. Trong sách hướng dẫn du lịch khuyến khích Strand Hotel là nơi đáng để du khách đến uống một ly rượu trong quầy bar hoặc chén bữa trưa hoang phí cùng với cà phê. Lần này thì chúng tôi không tin sách.

Tòa thị chính ở Yangon
Tòa thị chính ở Yangon


Tiếc rằng, rất nhiều tòa nhà tuyệt đẹp ấy bị bỏ hoang, bị biến thành các chung cư méo mó để cha chung không ai khóc. Chim chóc làm tổ trên các bờ tường bị vỡ loang lổ, cây leo bám vào cửa sổ, ban công đổ gãy. Vỉa hè lổn nhổn những viên đá lát đường vỡ, gạch vụn chất đống ngay trước cửa nhà. Không biết bao giờ tình trạng xuống cấp sẽ được cải thiện, bởi tháng 11.2005, lặng lẽ một cách bất ngờ, chính quyền Myanmar đã phế bỏ Yangon, lựa chọn Nay Pyi Taw nằm giữa Myanmar làm thủ đô. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, khoảng 200 triệu USD đã được đổ vào xây các dinh thự của thủ đô mới nằm trong rừng.

Rời sự quyến rũ yên tĩnh mang tên Strand Hotel, chúng tôi rơi vào các khu phố Tàu và Ấn lộn xộn, náo nhiệt. Từng đám đông người chen chúc (nhưng không xô đẩy) trong tiếng rao của vô số người bán hàng rong bán đủ thứ “tả pí lù” dưới ánh mặt trời. Thế nhưng không ai lẽo đẽo theo bạn để gạ mua một món hàng đáng ngờ, trừ vài đứa trẻ ăn mày quá đói khiến mắt to như mắt ruồi, sẫm màu, lóe sáng.

Muốn mua đồ rẻ thì phải đi chợ. Như ở Việt Nam, chợ ngồi lên cả vỉa hè. Nổi tiếng nhất ở Yangon là chợ Bogyoke Aung San - 70 năm tuổi, với hơn 2.000 quầy hàng bán từ con rối nổi tiếng của Mandalay, đến viên rubi to bằng hạt ngô. Việc đầu tiên là đổi tiền sang “chạt”. Người Myanmar chỉ nhận đổi các tờ “đô” mới cứng như vừa từ kho bạc ra, nhưng trả lại những đồng “chạt” nhàu nhĩ, nát bươm.

Cảng Yangon
Cảng Yangon


Hôm chúng tôi đến, 1 “đô” ăn 850 “chạt”. Mặc cả tụt lưỡi, chúng tôi mua được một đống tượng gỗ các nhà sư và cô gái cổ dài rất Myanmar. Song, dạo chơi chợ, ngắm thiên hạ đi mua bán mới thật là thú. Chợ Myanmar có khá nhiều rau rất ngon và sạch. Người Myanmar có lẽ chưa biết dùng thuốc tăng trưởng thực vật. Đầu chợ, hàng vải chồng chồng lớp lớp, đủ may longyi cho toàn bộ dân Yangon. Cuối chợ có những anh chàng đi bán trầu dạo.

Người Myanmar, đặc biệt đàn ông, ăn trầu rất nhiều. Trên khắp vỉa hè, lòng đường thành phố là các mảng đỏ nhờ nhờ - dấu vết những bãi nước bã trầu đã bị khô. Giữa chợ đầy hàng vàng bạc. Dây chuyền vàng (giả) cuộn to như cuộn dây thừng. Khá nhiều người bán đá quý “chợ đen” nửa kín nửa hở ngồi cạnh người bán lạc rang!

Người bán trầu cau dạo trên chợ cóc ở Yangon.
Người bán trầu cau dạo trên chợ cóc ở Yangon.


Giống như taxi nào ở Thụy Sĩ cũng biết đường đến ngân hàng, taxi nào ở Yangon cũng biết đường đến bảo tàng - chợ bán đá quý phố Pagoda, nơi đá quý được bày bán hợp pháp. Ở đây có viên sapphire cao 6,7 inch, trọng lượng tương đương 63.000 carats, có hòn bích ngọc lớn nhất thế giới, muốn vào xem phải mất tiền (5USD). Chợ đá quý nằm ở ba tầng lầu, hàng thật hàng giả lẫn lộn.

Đang náo nhiệt thế, sau 8 giờ tối Yangon bỗng vắng lặng đi kỳ lạ. Vài chiếc taxi phóng qua vội vã, như những cánh chim cuối cùng vội tìm về tổ. Đèn phố tối mờ. Nhà hàng đóng cửa. Yangon không có cuộc sống về đêm. Thành phố phải đi ngủ sớm. Chỉ vài khách sạn sang trọng dành cho du khách giàu có và giới thượng lưu địa phương là còn sáng đèn.

Bài và ảnh Hà Linh Quân